18/03/2021 21:45  

TOContent"> Theo tìm hiểu của KTSG Online, TAB đã đưa ra nhiều gợi ý như chính sách yêu cầu hộ chiếu tiêm chủng, kiểm tra Covid-19 trước chuyến bay và khi đến nơi, chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc gồm bảo hiểm Covid-19, chính sách truyền thông...

Cần mở cửa để doanh nghiệp có thị trường

Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, TAB cho biết ủng hộ mạnh mẽ chính sách của chính phủ về việc không hy sinh và không gây nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng để đổi lấy lợi ích về kinh tế.

Tuy nhiên, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, tạo ra doanh thu hơn 30 tỉ đô la Mỹ/năm và sử dụng một lượng lao động rất lớn cho nên việc tạo thuận lợi cho đi lại quốc tế và tạo ra thị trường cho du lịch, khách sạn là rất cần thiết.

Việc tạo thuận lợi cho đi lại quốc tế cũng giúp ích cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Các doanh nghiệp có các dự án đầu tư FDI mới, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và các dự án khác rất cần nguồn nhân lực là chuyên gia nước ngoài.

Cùng với các chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 đại trà đang diễn ra ở nhiều nước, một số đối thủ cạnh tranh của du lịch Việt Nam đã bắt đầu lập kế hoạch tái mở cửa biên giới an toàn nhằm hỗ trợ việc đi lại cho doanh nhân, chuyên và du khách.

Để Việt Nam không bị tụt lại phía sau, chính phủ và các cơ quan chức năng chú trọng xem xét việc mở cửa an toàn và bền vững. Hội đồng Tư vấn Du lịch ủng hộ chính sách đảm bảo an toàn cho đi lại và hạn chế những rủi ro lây nhiễm ra cộng đồng, đồng thời cho phép từng bước mở cửa đi lại mà không phải cách ly.

"Dù mở cửa trở lại bằng biện pháp nào thì cũng cần an toàn và có lộ trình", TAB khuyến nghị.

Các nước đang chuẩn bị như thế nào?

Theo TAB, nhiều điểm đến đang chuẩn bị để mở cửa đón khách du lịch trở lại, thậm chí Maldives đã mở cửa thành công.

Trong đó, Singapore đã thiết lập hai hình thức đi lại với một số quốc gia đã được phê duyệt thông qua Thẻ thông hành hàng không và Làn xanh đối ứng.

Thẻ thông hành hàng không dành cho du khách từ Úc, Brunei, Trung Quốc đại lục, New Zealand và Đài Loan còn Làn xanh đối ứng đã được thiết lập với Brunei; các tỉnh Trùng Khánh, Quảng Đông, Giang Tô, Thượng Hải, Thiên Tân và Chiết Giang của Trung Quốc; Đức, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc. Tuy nhiên, những nước như Đức, Indonesia, Nhật Bản... đang tạm hoãn thực hiện.

Thái Lan hiện đang xem xét cho phép giảm thời gian cách ly với tất cả du khách có xác nhận âm tính với SAR-CoV-2, virus gây ra đại dịch Covid-19 trước chuyến đi hoặc chứng chỉ tiêm vaccine. Indonesia (Bali) đang xem xét cho phép du lịch đại trà trở lại thông qua việc thành lập các Khu vực xanh.

Trong khi đó, Đài Loan đang xem xét giảm thời gian cách ly với du khách đến từ các quốc gia có nguy cơ thấp hoặc trung bình còn Maldives đã thành công trong việc mở cửa du lịch và đã có một mùa du lịch rất thành công.

Để đến Maldives, du khách chỉ phải đáp ứng một số yêu cầu khá thuận tiện như đặt vé, làm xét nghiệm PCR 72 giờ trước khi đi du lịch, có xác nhận đặt phòng của khu nghỉ và thị thực 30 ngày nhận tại cửa khẩu.

Với quá trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 như hiện tại, Maldives sẽ có thêm yêu cầu về giấy chứng nhận tiêm chủng hợp lệ.

Những gợi ý cho Việt Nam

Hội đồng Tư vấn Du lịch cho rằng, để nối lại mảng du lịch quốc tế, Việt Nam cần có các chính sách yêu cầu hộ chiếu tiêm chủng, kiểm tra Covid-19 trước chuyến bay và khi đến nơi. Chính phủ cũng nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho tất cả các khách quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam đi nước ngoài.

Trong đó, bảo hiểm Covid-19 được TAB sẽ đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của du khách, công ty du lịch cũng như chính quyền địa phương trong trường hợp hủy hoặc hoãn chuyến du lịch cùng với việc kiểm tra, điều trị, sơ tán y tế, hồi hương...

Bộ Tài chính nên cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam bán các sản phẩm bảo hiểm du lịch về dịch Covid-19 như các trường hợp dịch bệnh khác theo quy định của pháp luật.

Các vấn đề liên quan đến vaccine ngừa Covid-19 cũng được TAB nhắc đến. Theo đó, cùng với việc đưa nhân viên du lịch vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine, chính phủ cũng có thể xem xét một phương án khác để các chủ doanh nghiệp có thể tiếp cận các chương trình vaccine thương mại nhập khẩu nhằm có thể tiêm vaccine cho nhân viên.

Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện để mở cửa an toàn thì các hoạt động khác như tiếp thị, tạo nên chính sách thị thực thông thoáng cũng cần được thực hiện để chào đón du khách.

TAB cho rằng, du lịch cần phải bắt đầu xây dựng chương trình quảng bá nhằm vào du khách nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường đường dài và trong khu vực. Chương trình này cần kinh phí nên cùng với nhà nước thì khu vực tư nhân cũng có thể đóng góp. TAB sẳn sàng hợp tác với Tổng cục Du lịch cùng các tổ chức khác để xây dựng chương trình quảng bá.

Với chính sách thị thực, để tạo được lợi thế cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần có chính sách thị thực cởi mở và hoàn thiện hơn, có thể thí điểm trong thời gian từ 12-24 tháng. TAB đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách miễn thị thực 30 ngày cho công dân các nước đã được miễn hồi trước dịch và bổ sung thêm Úc, New Zealand, các nước châu Âu còn lại và Ấn Độ vào danh sách này.

Mời đọc thêm:

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Nhật Bản   Trung Quốc   Tổng cục   Việt Nam   doanh nghiệp   du lịch   kinh tế mũi nhọn  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...