07/03/2021 6:40  
Đây là những nữ doanh nhân có chung quan điểm “số hóa” để vượt qua thách thức dịch bệnh Covid-19, bên cạnh các giải pháp thích hợp, linh hoạt. Nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã gặp gỡ họ để hiểu hơn về cách thức họ đã vượt qua những ngày tháng khó khăn này.
CEO DalatFOODIE Đỗ Phan Hoàng Sương: Ứng dụng công nghệ để phục vụ khách hàng
Sau khi dịch Covid-19 lần thứ 2 tạm thời được khống chế, giấc mơ được thực hiện với thương hiệu DalatFOODIE có mặt tại Thủ đô. Điểm độc đáo của cửa hàng là ngoài tầng 1 bày bán các sản phẩm hữu cơ bao gồm các loại rau củ quả tươi, đồ khô thì tầng 2 là nơi khách hàng được trải nghiệm các loại salad, nước ép sinh tố được chế biến tại chỗ từ chính sản phẩm của DalatFOODIE.
Việc mở cửa hàng mới tại Hà Nội nằm trong kế hoạch mở rộng chuỗi bán lẻ thực phẩm hữu cơ của DalatFOODIE với mong muốn mang sản phẩm sạch, nguồn gốc minh bạch từ nông trại cung cấp thực phẩm hữu cơ tươi, khô tới tay khách hàng, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai và trẻ nhỏ với giá hợp lý nhất, sao cho mọi người dân đều có thể tiếp cận được với sản phẩm hữu cơ đảm bảo sức khỏe.
Để tiện cho người dân mua sắm, ngoài hàng trăm sản phẩm hữu cơ được bày bán trực tiếp tại 2 cửa hàng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, DalatFOODIE còn liên kết với các ứng dụng thương mại điện tử để người dân có thể dễ dàng tiếp cận. Nếu bận rộn không thể đến cửa hàng, chỉ cần 1 click trên điện thoại hoặc máy tính qua web, Facebook, Instagram, Zalo, Lazada, Grabmart, Grabfood, Sendo, Shopee…, các sản phẩm tươi, ngon, an toàn của DalatFOODIE sẽ được giao đến tận tay khách hàng. Song song với việc cung cấp rau củ quả tươi về để khách hàng tự chế biến, khi mua hàng theo combo, DalatFOODIE sẽ sơ chế và tặng kèm công thức gợi ý nấu giúp khách hàng tiết kiệm thời gian mà vẫn chế biến được những món ăn tươi ngon, dinh dưỡng.
CEO BIOTECH GROUP Lê Thị Mỹ Dung: Xoay chuyển kinh doanh phù hợp thực tế
Quan điểm của tôi, các DN đôi khi phải xoay chuyển kinh doanh để phù hợp thực tế. Nếu DN tiếp tục kinh doanh mặt hàng cũ, cách thức cũ có thể sẽ thất bại. Nghĩa là có DN phải chuyển đổi sang các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, hoặc chuyển sang kinh doanh online, số, ship hàng để tránh nguy có lây nhiễm Covid-19...
Đơn cử, thị trường khử khuẩn và làm sạch đã bị bỏ ngỏ khá lâu, ngay Công ty CP Khử trùng công nghệ cao BIOTECH Việt Nam cũng làm lĩnh vực này, tôi nhận thấy 10 năm trước người tiêu dùng chưa mặn mà, nhưng chỉ đến khi dịch Covid-19 bùng phát người tiêu dùng mới sử dụng nhiều. Do đó, BIOTECH Việt Nam vừa nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm, vừa nghiên cứu thị trường, tâm lý khách hàng để có chiến lược truyền thông thay đổi nhận thức về tiện ích khi sử dụng. Đồng thời, liên kết với các DN thành viên có cùng tệp khách hàng tham gia chia sẻ cơ hội, kết hợp cùng phát triển, đưa ra các sản phẩm liên quan đến khử trùng, khử khuẩn, tẩy rửa và vệ sinh để tiếp cận thị trường còn bỏ ngỏ trong tương lai một cách triệt để nhất.
CEO Lê Hàn Tuệ Lâm: Hướng tới mô hình kinh doanh nền tảng
Là General Manager của Quỹ Nextrans Hàn Quốc và Sáng lập của chương trình Venture Capital Foundation (Nextrans) chia sẻ trong hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ UpYouth.org, tôi nhận thấy sau đại dịch các DN hướng tới Mô hình kinh doanh nền tảng (Platform business model). Trong đó, Platform là middleman (người trung gian) với bản chất là kết nối cung cầu sẽ hữu ích cho các DN. Bởi, trước khi chưa có công nghệ, đã xuất hiện tiền platform, ví dụ như các cuộc đấu giá kết nối người bán và người mua.

Tại Việt Nam, chúng ta may mắn khi đại dịch được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu, câu chuyện lại khác thế rất nhiều. Do đó, dù có dịch hay không, platform vẫn tồn tại, nhưng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi Covid-19, trong đó hầu hết là chịu ảnh hưởng tiêu cực đến cung và cầu của platform. Bởi dịch ảnh hưởng đến đầu cung giảm khi chuỗi cung ứng đứt gãy do biên giới đóng cửa, cách ly xã hội...
Tương tự, đầu cầu cũng giảm vì nền kinh tế toàn cầu co lại, thu nhập người dân giảm, thậm chí mất việc, kéo theo tốc độ tăng trưởng GDP giảm. Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến cả phần cung và phần cầu, khiến cho miếng bánh thị trường thu nhỏ lại, và các platform phải tìm cách giải quyết vấn đề ở cả 2 đầu này. Quá trình này là điều tất yếu. Bởi ban đầu, platform cần số lượng để thu hút cung - cầu. Đến giai đoạn nhất định, khi việc tập trung vào số lượng không còn hiệu quả, các platform sẽ phải tập trung vào chất lượng. Covid-19 chỉ khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn.

Quá trình chuyển đổi từ lượng sang chất của các platform tại Việt Nam, thị trường này còn non trẻ so với Mỹ hoặc Trung Quốc và cũng chịu những tác động tiêu cực nhất định do Covid-19. DN phá sản nhiều vô kể, những platform không giải quyết bài toán cốt yếu thì khó sống sót, còn những khởi nghiệp có phương án lâu dài, mang tính hệ thống sẽ đứng vững được trên thị trường. Covid-19 khiến cấu trúc thị trường thay đổi, và có thể thích nghi với những platform giải quyết bài toán lâu dài nhanh hơn.
Theo tôi, những khởi nghiệp được ra đời theo xu hướng chỉ mang tính chất nhất thời, không tồn tại lâu dài được, với những biến cố như Covid-19 sẽ đẩy quá trình loại thải nhanh hơn. Do đó, khi nắm bắt được những xu hướng, chuyển dịch sắp tới sẽ có thể đưa ra những quyết định chiến lược khiến công ty phát triển mạnh. Cái quan trọng là nắm bắt được thời cơ.

Giám đốc Quản lý chất lượng và Gắn kết đối tác Grab Việt Nam Hoàng Thị Bích Hà: Chung tay để an toàn hơn mỗi ngày
An toàn cho đối tác tài xế và người dùng luôn là ưu tiên hàng đầu của Grab. Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, Grab nhanh chóng, linh hoạt triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ thiết thực, giúp đối tác tài xế an tâm khi hoạt động trong mùa dịch, ví dụ: Trao tặng hàng trăm nghìn khẩu trang, bao tay, nước rửa tay sát khuẩn cho đối tác tài xế; lắp đặt màn chắn chống dịch cho hàng nghìn phương tiện triển khai dịch vụ GrabCar; triển khai sáng kiến Giao hàng không tiếp xúc cho dịch vụ GrabFood và GrabExpress. Grab đã ngay lập tức triển khai dịch vụ GrabMart ngay giữa thời điểm giãn cách xã hội, tạo thêm cơ hội tăng thêm cơ hội thu nhập cho đối tác tài xế, và thêm tiện lợi, an toàn cho người dùng Grab.

Bên cạnh đó, Grab cũng liên tục truyền thông cập nhật, hướng dẫn đối tác tài xế thực hiện các biện pháp, thói quen vệ sinh cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, kiểm tra thân nhiệt mỗi ngày... cũng như vệ sinh phương tiện trước, trong và sau khi hoạt động. Các biện pháp này vẫn luôn được Grab nhắc nhở, khuyến khích đối tác tài xế và người dùng tiếp tục thực hiện thường xuyên, khi mọi hoạt động dần quay trở lại theo trạng thái “bình thường mới", với mục tiêu cuối cùng vẫn là duy trì an toàn cho đối tác tài xế và người dùng, đảm bảo Grab là nền tảng an toàn cho tất cả mọi người.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


CEO   Covid   Covid-19   Hà Nội   Kinh tế   Trung Quốc   Việt Nam   chiến lược   dịch vụ   hành vi   thói quen   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...