20/10/2020 16:20  
Có một thực trạng là phụ huynh Việt quá bao bọc con trong cuộc sống thực, khiến trẻ không có kỹ năng. Ngược lại, nhiều bậc làm cha làm mẹ lại đang thản nhiên "đem con bỏ chợ" trên thế giới giới ảo.

Hệ lụy nhãn tiền từ nội dung “bẩn” trên không gian mạng

Các video có nội dung nhảm nhí, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, trò chơi có nội dung bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy… đó là những sản phẩm mà bất kỳ ai, kể cả trẻ em cũng có thể dễ dàng tiếp cận chỉ với một thiết bị có kết nối mạng.

Hệ lụy của các văn hóa phẩm “bẩn” này đối với giới trẻ cũng đã được thấy rõ. Giữa tháng 6 vừa qua, dư luận bàng hoàng khi một học sinh lớp 11 đã bắt cóc bé 5 tuổi hàng xóm, để dàn cảnh giải cứu con tin như trong trò chơi điện tử. Kết quả là em bé bị tử vong thương tâm vì ngạt thở.

Tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, các bác sĩ cho biết, có không ít trường hợp thanh thiếu niên quan hệ tình dục trước tuổi, vì bị kích thích khi xem phim khiêu dâm. Trong đó, có trường hợp quan hệ từ năm 14 tuổi.

Hay trên trang chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới Youtube đang nở rộ trào lưu trẻ em làm video bắt chước theo những sản phẩm có nội dung không phù hợp như: tự chế vũ khí, ăn động vật sống, thực hiện những thử thách nguy hiểm…

Nhiều phụ huynh đang “đem con bỏ chợ” trên không gian mạng

Ngày nay, nhiều bố mẹ sử dụng các thiết bị thông minh như một “bảo mẫu máy” cho con nhỏ. Điều này vô tình khiến trẻ em thời nay tiếp cận công nghệ từ quá sớm. Dưới góc nhìn của chuyên gia, đây là điều rất không tốt đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ em.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, thực trạng hiện nay là nhiều gia đình chỉ cần đưa cho con nhỏ thiết bị thông minh. Trong khi đó, việc trẻ tiếp cận với nội dung gì trên mạng hay thời gian trẻ sử dụng máy trong bao lâu lại không hề kiểm soát.

Các thông tin trên không gian mạng hiện nay chưa được phân luồng hay kiểm soát chặt chẽ. Việc cho trẻ tự do bước vào không gian này, cũng giống như chúng ta bỏ rơi con mình giữa một khu chợ. Khi đó, trẻ sẽ tiếp thu tất cả những hành động, lời nói mà chúng chứng kiến dù đó là tốt hay xấu.

“Nếu là ngoài đời thực, liệu có bố mẹ nào để cho con mình đi đến nơi như vậy, không có ai bảo vệ quan sát hay không? Thế nhưng đây lại chính là điều đang hàng ngày diễn ra trên không gian mạng”, PGS Nam nhấn mạnh.

Theo chuyên gia tâm lý này, trong cuộc sống thực, bố mẹ đang bảo vệ con quá mức làm cho con trẻ không có kỹ năng. Tuy nhiên, ở thế giới ảo, chúng ta lại bỏ mặc đứa trẻ quá nhiều. Chính vì vậy, rất nhiều trẻ em thời nay nghiện internet, nghiện game online. Thậm chí, chúng có hành vi chống đối lại gia đình nếu bị tước đi thiết bị điện tử.

PGS Nam phân tích thêm: “Trên không gian mạng có rất nhiều nội dung xấu, con người xấu để lại những hậu quả rất thực cho trẻ. Bắt cóc, bắt nạt trên thế giới ảo đang trở thành những vấn đề rất trầm trọng trong thời gian qua”.

Bên cạnh đó, theo PGS Nam, việc trẻ tiếp cận và lạm dụng đồ công nghệ từ quá sớm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của trẻ. Trẻ dễ đối mặt với các vấn đề về não bộ, thị lực.

Cần làm gì để trẻ tiếp cận internet an toàn?

“Xã hội liên tục phát triển và chúng ta không thể tuyệt giao trẻ với thế giới công nghệ. Quan trong nhất là giáo dục để trẻ có đủ kỹ năng tiếp cận với các thiết bị công nghệ, không gian mạng được an toàn”, PGS Nam nhận định.

Theo PGS Nam, có một thực tế là kiến thức công nghệ của nhiều phụ huynh hiện nay còn kém hơn cả con cái, do khoảng cách thế hệ. Do đó, muốn giáo dục kỹ năng cho con thì trước tiên bố mẹ phải nâng cao trình độ công nghệ của mình.

Tiếp đó, khi cho con trẻ sử dụng thiết bị công nghệ, bố mẹ cần trang bị cho con những cách sử dụng mạng, thiết bị công nghệ an toàn. Kiến thức này giúp con trẻ có thể sử dụng hiệu quả thiết bị cho mục tiêu học tập hoạt động trải nghiệm, phát hiện đồng thời phòng ngừa các nguy cơ trên mạng. Cách giáo dục này phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ:

- Đối với trẻ mẫu giáo, tiền học đường, bố mẹ phải kiểm soát về mặt thời gian sử dụng đồ công nghệ. Sau khi đưa điện thoại cho con thì phải ngồi bên cạnh và giám sát hoàn toàn các nội dung mà con xem.

- Khi trẻ bước vào giai đoạn 9-11 tuổi thì phải xác định cho con thiết bị nào kết nối được internet, thiết bị nào không. Tập cho con cái kỹ năng kiểm tra tính bảo mật thông tin cá nhân trên mạng. Khuyến cáo những điều không được làm (như không đăng ảnh hay cung cấp thông tin trên mạng). Bố mẹ cũng phải giúp con nhận diện các thông tin và biết báo cáo với bố mẹ khi cảm thấy vấn đề bất an.

PGS Nam tổng kết: “Tất cả những kỹ năng cơ bản của việc đảm bảo an toàn khi lên mạng, cần được trang bị ngay từ khi con trẻ vào lớp 1. Càng ngày, các kiến thức được vòng lại nhưng lại được làm sâu thêm, đậm lên để đứa trẻ dần hình thành kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy cơ có thể gặp trên mạng như: bắt nạt, tin giả, virus, quảng cáo sai sự thật. Tất cả những điều này đều cần có sự đồng hành của bố mẹ với con”.

Minh Nhật – Thế Anh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   Giáo dục   Hà Nội   Xã hội   chuyên gia   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...