28/02/2021 16:21  
Thị trường tuần qua có một số tin tức đáng chú ý sau.

Tiểu thương chợ dân sinh bán thịt tặng kèm rau xanh

Thông thường, dịp sau Tết, rau tươi và thực phẩm thường khan hiếm và có tình trạng giá cả tăng vọt so với ngày thường. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố phải đóng cửa, các tiểu thương cung cấp rau, củ, quả, thực phẩm chỉ còn biết trông chờ vào khách lẻ.

Tại chợ Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Mến để bên cạnh bàn thịt lợn là bàn rau xanh với những rau cải canh, cải cúc, rau mùi,… Vừa cân thịt cho khách chị Mến vừa mời chào: “Các chị ăn rau gì cứ lấy về dùng nhé, là rau sạch của nhà trồng được, em tặng kèm”…

Tìm hiểu được biết, vườn nhà chị Mến (Mỹ Đức, Hà Nội) có khá nhiều rau các loại. Rau đến lứa nhưng giá thị trường lại rẻ, tiếc của mỗi ngày đi bán thịt “một công đôi việc” chị mang thêm dùng tặng kèm cho khách.

Có thể thấy, sau Tết nhu cầu mua sắm của người dân còn thấp, cùng với tác động của dịch Covid-19 khiến hầu hết các chợ và các trung tâm mua sắm đều thưa vắng khách.

Nông dân Hà Nội trắng tay vì rau, củ bán giá 1000 đồng không ai mua

Không chỉ nông dân Hải Dương mà ngay cả nông dân ở ngoại thành Hà Nội cũng đang phải chịu những “đòn đau” do Covid-19. Hàng nghìn m2 đất trồng rau củ quả đến vụ thu hoạch nhưng không tiêu thụ được, nông dân ngán ngẩm bỏ mặc rau héo úa ngoài ruộng.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại vùng chuyên canh xã Tiền Yên và xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội), nhiều loại rau như: bắp cải, su hào, cải ngồng… đã đến vụ thu hoạch nhưng vẫn vắng bóng thương lái thu mua. Nếu bán được cũng bán với giá vô cùng rẻ.

Cụ thể, bắp cải giảm từ 10.000 đồng/kg xuống còn 5.000 đồng/kg; su hào từ 15.000 đồng/kg xuống còn 7.000 - 8.000 đồng/kg (khoảng 2.000 - 3.000 đồng/củ). Mức giá này bắt đầu giảm từ cuối tháng 1 đến thời điểm hiện tại, đây là mức giá rẻ chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.

Nhiều hộ dân cắt rau mang ra chợ bán nhưng số người mua lẻ không tiêu thụ được diện tích lớn rau đang trong vụ thu hoạch. Số còn lại ở ruộng bị bỏ không, héo úa hoặc cắt về cho lợn ăn. Số lượng rau vứt bỏ lên tới hơn 1 tấn rau các loại, thiệt hại cả chục triệu đồng và công sức chăm sóc của người dân coi như “muối bỏ biển”.

Mỹ tố cáo chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành bán hàng giả

Ngày 14/1, Văn phòng USTR đã công bố Báo cáo “Những thị trường mua bán các sản phẩm làm giả và vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ năm 2020”. Trong đó, có 2 khu chợ lớn tại Việt Nam được nhắc tên là chợ Bến Thành (TP. HCM) và chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cùng 3 website là shopee, Phimmoi và phimmoizz.

Báo cáo nêu rõ, Shopee là một thị trường thương mại điện tử trực tuyến và di động có trụ sở tại Singapore với các nền tảng tập trung ở khu vực Đông Nam Á và Brazil. Báo cáo chủ quyền sở hữu và mức độ hàng giả được được bán trên tất cả các nền tảng của Shopee hiện ở mức rất cao.

Cũng trong báo cáo, “vào tháng 8/2019, chủ sở hữu đã nộp đơn tố cáo đối với những người điều hành trang web bằng tiếng Việt và tên miền Phimmoi.net đã bị chặn. Phần lớn lưu lượng truy cập được chuyển đến trang web mới là phimmoizz.net được cho là cùng một nhà khai thác”, Báo cáo nêu rõ.

Hơn nữa, 2 khu chợ của Việt Nam cũng bị cáo buộc có tình trạng bán hàng giả ở quy mô lớn là chợ Bến Thành (TP.HCM) và chợ Đồng Xuân (Hà Nội).

Ô tô Trung Quốc rầm rộ đổ bộ vào Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, số lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 1/2021 đạt 8.343 chiếc, tổng giá trị hơn 212 triệu USD. Trong đó, số lượng ô tô nhập khẩu đã tăng mạnh tới 84,7% và tăng 76,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Thái Lan tiếp tục là quốc gia dẫn đầu việc xuất khẩu ô tô vào Việt Nam trong tháng 1/2021 với 4.341 chiếc, tương đương 52% thị phần. Đáng chú ý, Trung Quốc đã "vượt mặt" Indonesia để giữ vị trí thứ hai về số lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam với 1.463 chiếc với giá trị 48,5 triệu USD (trung bình khoảng 760 triệu đồng/xe).

Một trong những yếu tố quyết định để xe Trung Quốc nhập nhiều vào thị trường Việt Nam là để chuẩn bị đón ưu đãi thuế. Hiện nay, xe ô tô Trung Quốc nhập vào nước ta chịu thuế nhập khẩu với thuế suất 70%-75%. Nhưng sắp tới, thuế suất sẽ giảm dần theo thỏa thuận của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Giảm thuế thì giá bán sẽ giảm đi, và nhà kinh doanh coi đó là cơ hội làm ăn tốt. Với mức giá cạnh tranh, nguồn xe nhập từ Trung Quốc làm tăng thêm cơ hội lựa chọn do đa dạng nguồn cung.

Chủ quán “khóc rưng rức” vì quán vắng như chùa bà Đanh

Tại Hà Nội phần lớn các hàng ăn mở cửa bán hàng đều tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19 dựng vách ngăn giữa các bàn ăn nhưng vẫn trong cảnh vắng khách.

Những con phố tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu như: phố Kim Liên, Tô Hiến Thành, Lê Đức Thọ, Vũ Phạm Hàm, Trần Thái Tông... ngay cả lúc cao điểm cũng không còn cảnh ăn uống đông đúc như trước đây. Các hàng quán đều trong cảnh vắng khách, thậm chí nhiều cửa hàng còn trong cảnh cửa đóng then cài.

Chị Dương Thị Minh, chủ cửa hàng Phở Bò Nam Định, phố Kim Liên cho biết: "Tôi đóng cửa hàng từ trước Tết vì kinh nghiệm 2 lần dịch trước cũng đều không có khách. Nhiều đêm mất ngủ nghĩ đến cửa hàng mà bật khóc rưng rức. Bất lực, khó chịu vì không làm gì được”...

Nhiều cửa hàng chuyển sang hình thức kinh doanh online nhưng đơn đi giao cũng không nhiều, ít hẳn so với 2 lần trước. Nhiều nhân viên văn phòng được hỏi cũng cho biết, họ chủ trương mang cơm nhà đi làm vì đặt hàng cũng tốn kém lại băn khoăn thêm khoản an toàn.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   Trung Quốc   Tổng cục   Việt Nam   thực phẩm   Ô tô  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...