11/10/2020 16:40  
Giá lợn hơi lao dốc, cau tươi tăng giá cao, bánh trung thu đại hạ giá vẫn ế ấm... là những tin tức đáng chú ý tuần qua.

  

Giá cau tươi tăng mạnh, nhà vườn hốt bạc

Giá cau tươi tại các tỉnh đột ngột tăng mạnh, gấp 4-5 lần so với năm 2019 khiến việc mua bán trở nên sôi động hẳn lên. Theo anh Nguyễn Nam – một người mua cau tươi ở Y Jut (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), giá cau tươi dao động từ 40.000 – 44.000 đồng/kg , cao gấp 5 lần so với thời điểm này năm ngoái chỉ 7.000-8.000 đồng/kg.

Theo anh Nam, cau được các điểm thu mua cân cả buồng, những vườn trồng nhiều được vựa lớn mang ô tô đến tận vườn cân tại chỗ, anh được thuê trèo cau cắt buồng mang xuống với tiền công là 1.000 đồng/kg.

Lý giải về giá cau tươi tăng cao, anh Lập (Đắk Lắk - một người thu mua khác cho biết:“Tôi nghe nói cau này bên Trung Quốc họ thu mua làm thuốc và sản xuất kẹo cau, hơn nữa càng về cuối năm cưới hỏi càng nhiều mà năm nay cau mất mùa, sản lượng chỉ bằng 2/3 năm ngoái nên giá tăng mạnh”.

Cau dễ trồng, dễ chăm sóc, năm nay giá lại tăng vọt, mang lại niềm vui cho hàng trăm hộ nông dân, nhiều gia đình trồng quy mô lớn thu về cả trăm triệu đồng.

Giá lợn hơi giảm còn 70.000 đồng/kg

Tuần qua, thị trường lợn hởi nước ta có nhiều biến động. Cụ thể, giá lợn hơi ở cả 3 miền đều giảm từ 1.000 – 2.000 đồng, xuống còn 70.000 – 80.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, cho hay hiện giá lợn hơi đang giảm từ 18 – 22.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất. Đây là mức giá có thể hài hòa giữa 3 bên (nhà sản xuất, nhà cung ứng, vận chuyển và người tiêu dùng).

Theo ông Trọng, có nhiều lý do tác động đến giá lợn hơi giảm: Thứ nhất, Bộ Nông nghiệp & PT Nông thôn cho phép các DN đủ điều kiện được nhập lợn thịt về thịt; tăng cường nhập khẩu thịt lợn đông lạnh. Thực tế tổng 2 nguồn thịt lợn trên chỉ chiếm chưa tới 4% so với tổng nguồn cung thịt trên thị trường, nhưng cũng có hiệu ứng để đưa giá thịt giảm so với trước.

Điều căn bản nhất vẫn là lượng lợn tái đàn lớn từ các địa phương trong thời gian qua, đã giúp cân bằng giữa cung và cầu.

Tịch thu hàng tấn chả cá, sủi cảo không rõ nguồn gốc tại Hà Giang

Vừa qua đội QLTT số 9 thuộc cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang tiến hành khám xét phương tiện mang biển kiểm soát 89C-134.00 do ông Lã Văn Chức, sinh năm 1993, cư trú tại xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang điều khiển. Tại thời điểm khám phương tiện, đội QLTT số 9 phát hiện trên xe có 38 bao tải có chứa 1.140kg các loại sủi cảo, chả mực dạng viên được đóng trong các túi nilong có chữ nước ngoài, cụ thể: Sủi cảo 330kg, chả cá 810kg.

Theo đó, bà Trương Thị Thắm, sinh năm 1993, cư trú tại tổ 14, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang nhận là chủ hàng và không xuất trình được hoá đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hoá trên. Kết thúc quá trình xác minh, đội QLTT số 9 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trương Thị Thắm.

Sau đó đội QLTT số 9 tổ chức tiêu huỷ toàn bộ số hàng hoá nêu trên trước sự giám sát, chứng kiến của các cơ quan chức năng trên địa bàn.

Hết Trung thu, bánh đại hạ giá vẫn ế

Sau ngày tết Trung thu, nhiều cửa hàng bán bánh trung thu treo biển đại hạ giá. Một số địa điểm bán bánh trên địa bàn TP.HCM với các thương hiệu nổi tiếng như Hữu Nghị, Đồng Khánh đã treo bảng đại hạ giá, “mua 1 tặng 3”. Mua 1 tặng 3” nhưng  khách hàng vẫn không mặn mà

Vì là mặt hàng bán theo thời vụ, nên khi mùa Trung thu kết thúc, những chiếc bánh nhanh chóng mất giá. Trên các chợ mạng, bánh trung thu tự làm hoặc của các cơ sở nhỏ đang giảm giá xuống còn 11.000 – 15.000 đồng/chiếc. Nhiều nơi giảm giá 20-30% hộp bánh từ 2-6 chiếc để đẩy hàng.

Có thể nhận thấy, thông thường vào thời điểm tết Trung thu những năm trước, thị trường bánh trung thu khá sôi động. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” đã khiến sức mua giảm hẳn. Việc tổ chức các hoạt động lễ hội cũng hạn chế, vì vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có dự báo trước về lượng tiêu thụ bánh năm nay sẽ giảm từ 20% đến 30% so với năm ngoái.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, thị trường bánh trung thu tự làm (bánh handmade) ngày một nhiều, tràn lan thị trường. Những loại bánh này hầu hết được bán trên các trang mạng xã hội tạo ra xu thế cạnh tranh với những loại bánh có thương hiệu. Tuy nhiên, đây cũng là mặt hàng thường xuyên bị lực lượng chức năng đưa vào tầm ngắm vì không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ…

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (bộ Công Thương), trong 8 tháng năm 2020, đã xử lý hơn 3.600 vụ việc vi phạm về quản lý thị trường, tổng số tiền xử lý là trên 98 tỷ đồng; trong đó đã tạm giữ, xử lý hơn 31.000 sản phẩm bánh trung thu các loại.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Covid   Covid-19   HCM   Nông nghiệp   Trung Quốc   Trung thu   Tổng cục   doanh nghiệp   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...