15/04/2021 9:11  
Yếu hai chân, giật mình khi ngủ, nhịp tim tăng vọt đi khám nhiều nơi không phát hiện bệnh. Bé chuyển tuyến đã bị biến chứng thần kinh, bác sĩ phát hiện nguyên nhân xuất phát từ nốt hồng ban trên chân.

Đó là trường hợp của bệnh nhi T.V.M.N. (6 tháng tuổi, ngụ tại Đồng Tháp) vừa được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Thời điểm nhập viện tình trạng bệnh nhi trở nặng nhanh một cách choáng ngợp, mạch đập nhanh dồn dập trên 200 lần mỗi phút, bé bứt rứt rơi vào lơ mơ. 

Các bác sĩ thăm khám không ghi nhận các dấu hiệu bất thường trên cơ thể. Tuy nhiên khi kiểm tra kỹ tứ chi thì phát hiện ngón cái bàn chân phải của bệnh nhi có một nốt hồng ban rất nhỏ. Khi bác sĩ khai thác thông tin, người mẹ hốt hoảng nhớ lại bé có giật mình khi ngủ và yếu hai chân. Từ các dữ liệu trên, bác sĩ nhanh chóng cho bệnh nhi thở mát, thực hiện các xét nghiệm kiểm tra. 

Tuy nhiên, thời điểm đặt ống nội khí quản, bệnh nhi đã bị trào bọt hồng, huyết áp cao và phù phổi, bệnh diễn tiến theo chiều hướng xấu, tiên lượng nặng. Bằng phương pháp xét nghiệm dịch phết họng và phết trực tràng của trẻ, bác sĩ xác định tác nhân gây bệnh là do virus (EV71) - một chủng dễ chuyển nặng và gây viêm não của bệnh tay chân miệng.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Lê Vũ Phượng Thy, trưởng khoa Hồi Sức Tích Cực - Chống Độc đã quyết định cho bệnh nhi sử dụng huyết thanh miễn dịch tiêm trực tiếp vào mạch, khẩn trương thiết lập đường truyền trung tâm, lọc máu khẩn trong ngày để loại bỏ độc chất và giảm gánh cho tim đang tổn thương dần vì nhịp đập quá nhanh. 

Hai ngày sau khi áp dụng các biện pháp tích cực, các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhi dần phục hồi, bé dần tỉnh táo. Bệnh nhi đang tiếp tục được bác sĩ theo dõi, điều trị sát để tránh rủi ro có thể xảy ra. 

Từ trường hợp trên, các bác sĩ cảnh báo, bệnh tay chân miệng đang gia tăng nhanh tại khu vực phía Nam, số ca bệnh trong 2 tuần qua ghi nhận tại các bệnh viện nhi đã gấp 2 đến 3 lần so với thời điểm trước đó. Nguy hiểm hơn, mới bắt đầu vào đợt cao điểm của bệnh tay chân miệng nhưng nhiều trẻ đã bị biến chứng thần kinh, viêm não. 

Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc tay chân miệng cho trẻ, phụ huynh và các điểm giữ trẻ cần phải chủ động vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần quanh khu vực trẻ sinh sống vui chơi, theo dõi và phát hiện triệu chứng bệnh, tổ chức phòng ngừa cho trẻ, đặc biệt là ở nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ và các gia đình có trẻ nhỏ.

Người lớn cần rửa sạch bàn tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch khi tiếp xúc với trẻ và chế biến thức ăn cho trẻ, không có các bé ăn chung chén (bát) muỗng. Nếu phát hiện ca bệnh ở bất kỳ điểm nào, cần chủ động cách ly, vệ sinh khử khuẩn để tránh nguy cơ lây lan của bệnh. Chỉ cho trẻ đi học trở lại khi có giấy xác nhận khỏi bệnh tay chân miệng của bác sĩ. Nếu không chủ động phòng ngừa, bệnh sẽ gia tăng và bùng phát trên diện rộng gây nguy hiểm cho trẻ trong thời gian tới.  

Vân Sơn

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...