13/10/2020 6:21  
Khi vừa mới tròn 21 tuổi, chị Ngô Kim Ngân không ngần ngại nộp hồ sơ xin vào làm việc tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Hà Nội với hy vọng đem tình yêu thương lan tỏa tới cộng đồng.

Yêu thương trẻ thiệt thòi

Chị Ngô Kim Ngân trú tại phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội) vốn là một cô gái thành phố chỉ quen với việc học hành, được chiều chuộng dưới vòng tay của bố mẹ.

Người nữ cán bộ sinh năm 1989 này không ngờ rằng sẽ có một ngày trở thành người mẹ thứ 2 của những đứa con kém may mắn trong xã hội.

Nhớ lại câu chuyện của mình, chị Ngô Kim Ngân tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng y tế Hà Đông, tôi biết được Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Hà Nội tuyển nhân viên. Không ngần ngại, tôi nộp hồ sơ xin vào làm việc, bỏ ngoài tai những lời ngăn cản của bạn bè người thân”.

Năm 21 tuổi, cô gái thành phố xách vali đến Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Hà Nội (Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) để chăm sóc cho những đứa trẻ thiệt thòi.

Ban đầu, chị Ngô Kim Ngân gặp phải vô cùng những khó khăn vì công việc không đúng chuyên ngành mình theo học lại không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ.

Thế rồi, bằng tình yêu thương vô bờ bến của mình, mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, chị ở lại trung tâm học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, vui chơi cùng để gần gũi hơn và hiểu các cháu hơn.

“Nhìn những đôi mắt trong veo, những nụ cười ngây thơ của các em, trong tim tôi có sự đồng cảm và tự nhủ phải có trách nhiệm chăm sóc các em kém may mắn này. Kể từ đó, tôi biết mình có mối lương duyên chẳng thể cắt bỏ với những đứa trẻ ấy” - chị Ngô Kim Ngân tâm sự.

Làm việc tại phòng y tế nuôi dưỡng của trung tâm, hàng ngày chị Ngô Kim Ngân phải thức dậy từ rất sớm đi từng phòng gọi các cháu, giúp các cháu vệ sinh cá nhân, kiểm tra y tế rồi đưa các cháu lên lớp học,…

Thời gian các cháu học trên lớp, chị cũng chẳng được nghỉ ngơi mà bắt tay vào công việc dọn dẹp, giặt quần áo, chăn màn,... cho các cháu.

"Coi như con mình..."

Chị Ngô Kim Ngân chia sẻ: “Các cháu đến đây đều là những trẻ khuyết tật trí tuệ đặc biệt nặng, mắc hội chứng Down, tự kỷ, rối loạn hành vi không có khả năng nhận thức, hoặc nhận thức rất kém ngoài ra còn có không ít cháu câm, điếc. Mỗi cháu có một tính cách và hoàn cảnh khác nhau nên việc chăm không hề dễ dàng”.

Để có thể hiểu được tính cách từng đứa trẻ, chị phải dành rất nhiều thời gian chơi, nói chuyện, tiếp xúc. Từ đó thấu hiểu về trẻ, cho các em cảm nhận được tình yêu thương, làm thay đổi nhận thức và hành vi của trẻ  giúp các em khai thông trí tuệ, phục hồi chức năng để trở về sống như bao đứa trẻ bình thường khác.

Đã lập gia đình và có con nhỏ, nhưng chị Ngô Kim Ngân vẫn luôn sắp xếp thời gian sao cho hợp lý với lịch trực tại trung tâm và chăm sóc gia đình nhỏ của riêng mình. Được sự ủng hộ từ gia đình khiến chị càng say mê với công việc bao khó khăn vất vả này hơn.

“Tôi coi chúng như con mình, dậy từ cách ăn, cách mặc rồi tắm giặt sao cho đúng. Những đứa trẻ đến đây thường rất dễ bị tổn thương và dễ bị kích động, đòi hỏi người chăm sóc phải thật nhẹ nhàng, kiên nhẫn, lúc nào cũng phải kiềm chế bản thân hết sức có thể” - chị Ngô Kim Ngân tâm sự.

Sau 10 năm làm việc ở đây, không ít lần chị bị các cháu mất kiểm soát được bản thân đánh bầm tím cả chân tay. Khi các cháu ốm đau chị Ngô Kim Ngân đều ở lại trung tâm thức trắng đêm chăm sóc cho các cháu như con của mình.

Chăm sóc những đứa trẻ bình thường đã khó, để chăm sóc được những đứa trẻ khiếm khuyết về thể chất, tâm lý, trí tuệ,.. đủ để thấy những khó khăn gấp bội mà những cán bộ gặp phải.

                                                                               Phạm Công

Nguồn tin: dantri.com.vn


Cao đẳng   Hà Nội   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...