06/01/2021 12:10  
Không ít vụ bạo lực học đường như dằn mặt, giật tóc, đánh hội đồng giữa học sinh lại xuất phát từ việc... ghen tuông, yêu đương.

Câu chuyện được một chuyên viên tâm lý tại TPHCM kể sau lần bà tham gia chuyên đề tuổi mới lớn ở một Trường THCS. 

Cuối giờ, cô nữ sinh lớp 6 tìm gặp bà nhờ tư vấn về câu chuyện tình cảm của mình. Em qua lại một anh bạn cùng trường lớn hơn tuổi hơn nửa năm nay, cả hai đã rủ nhau đi nhà nghỉ vài lần, sau mỗi lần như vậy em lại uống viên tránh thai khẩn cấp. 

Nhưng gần đây, anh "người yêu"... tránh mặt, lạnh nhạt làm cô học trò đau khổ vô cùng. Qua bạn bè, cô học trò biết anh chàng đang hẹn hò với một cô bạn khác học lớp 7. 

Quá đau khổ, uất ức vì bị phụ tình, cô học trò nói, giờ em chỉ muốn chết. Nhưng mình có chết thì cũng phải rạch mặt "tình địch" và làm cho kẻ phụ bạc kia sống không yên. 

Qua những lời hỏi han của chuyên gia, em tiết lộ đã dò trên mạng tìm mua axit, hay thuốc trừ sâu để "trừng phạt" nhưng thấy phức tạp quá nên nghĩ sang phương án dùng... lưỡi lam. 

Dù tư vấn rất nhiều ca rắc rối về tình yêu tuổi học trò vị chuyên viên này không khỏi hoảng hốt. Không chỉ bởi những gì diễn ra với cô bé, những ý định khủng khiếp của em mà còn là, nếu không có buổi gặp hôm nay,  liệu ai sẽ ngăn em lại? 

Nhưng thực tế, câu chuyện nữ sinh muốn "rạch mặt" tình địch không phải là cá biệt. Rất nhiều vụ việc bạo lực học đường mà ở đó nữ sinh ra tay tàn bạo, dùng dao lam, kẹp tóc "xử" tình địch xuất phát từ chuyện mà người lớn rất ít khi hình dung nổi đó là yêu đương, đánh ghen.  

Cách đây không lâu, clip vụ nữ sinh đánh hội đồng bạn học một cách tàn nhẫn, dã man xảy ra tại Trường THCS Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) gây sửng sốt dư luận. 3 nữ sinh túm tóc, tát, đám đá vào mặt, vào người một nữ sinh mặc cho nạn nhân van xin.

Tất cả những em liên quan đến sự việc khi đó đều học lớp 9. Nguyên nhân là do nữ sinh này nhắn tin với thanh niên được cho là người yêu của một bạn trong nhóm kia. Ghen tuông, cô nữ sinh này đã rủ bạn đi "dằn mặt" tình địch bằng bạo lực.  

Hay tại Hà Nội, từng xảy ra vụ ẩu đả, chửi bới kinh hoàng giữa những học sinh một Trường THCS với THPT ở Gia Lâm. Nguyên nhân là xuất phát từ hiểu nhầm về chuyện tình cảm giữa hai nữ sinh với một học sinh. Nữ sinh cấp 2 đi nhờ xe của bạn nam, khiến cho "đàn chị" tưởng em út dám "xía" vào tình yêu của mình liền... đi đánh ghen. 

Và còn vô số vụ việc bạo lực kinh khủng của các em học sinh xuất phát từ ghen tuông. Ở đó, các em có thể làm mọi cách, xuống tay rất tàn bạo để dằn mặt tình địch. 

Trẻ thiếu thốn tình yêu thương

Trong lần chia sẻ về nghề giáo, một cô giáo tiêu biểu ở TPHCM bày tỏ, một trong những khó khăn của giáo viên hiện nay chính là vấn đề tâm lý, tình yêu của học trò.

Không chỉ là vấn đề các em yêu sớm như người lớn hay lo mà là cách thể hiện tình yêu, cư xử với mối quan hệ tình của học sinh rất phức tạp, thậm chí là đáng sợ. 

Nhưng đây là vấn đề người lớn thường né tránh, phủ nhận hoặc ở trạng thái cấm đoán, chê bai, dè bỉu hay có khi can thiệp rất thô bạo nên trẻ thiếu sự chia sẻ, định hướng. 

Nhiều đứa trẻ bước vào "cuộc chơi tình ái" với đôi tay trắng, thiếu nền tảng yêu thương, sự tôn trọng nhân phẩm của mình và người khác, kiến thức về tình yêu, không được sẻ chia ngoài những thứ hỗn loạn các em có thể thấy thường xuyên trên mạng. 

Đó là nhan nhản cảnh các bà vợ đi đánh ghen, dằn mặt, lột đồ kẻ thứ 3, có khi còn xách con nhỏ đi theo; đó là không ít sự việc giết người vì ghen tuông, vì dám từ chối tình cảm, vì bị phụ tình; hay cho đến phim ảnh cũng dày đặc cảnh ghen tuông, dằn mặt...

Sâu xa của những biểu hiện cuồng yêu ở tuổi học trò, sẵn sàng "xuống tay" với người khác hay sẵn sàng chết vì tình thường xuất phát từ việc các em thiếu tình yêu thương ngay trong gia đình.

Phía sau đó là cả một lỗ hổng các em đang phải đối diện chứ thực chất không hẳn các em đòi chết, đòi giết vì... "người yêu". Có em lao vào tình trường để quên đi những vấn đề mình đang đối diện hay lao vào yêu, tự hủy hoại bản thân vì để... trả thù bố mẹ hay uất ức nào đó. 

Khi không cảm nhận được sự bình yên trong gia đình, với người thân, các em có tâm lý bấu víu, dốc hết mọi tâm tư, hy vọng vào tình cảm những người bên ngoài. Khi đó, các em dễ dàng xem "đối phương" là tất cả của mình, mất người yêu là... mất hết. 

Đằng sau một học trò có những biểu hiện bất ổn thường là gia đình, bố mẹ các em đang khủng hoảng, có vấn đề... 

Lê Đăng Đạt 

Nguồn tin: dantri.com.vn


HCM   Hà Nội   TPHCM   chuyên gia   khủng hoảng   Đồng Nai   đánh hội đồng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...