09/11/2020 11:35  
Triển khai nhiều giải pháp trong suốt thời gian qua, nhằm tăng cường phòng chống bạo lực học đường, tuy nhiên, vấn nạn trên vẫn xảy ra một cách phổ biến. Liệu có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"?
Bạo lực học đường là một vấn nạn nhức nhối! Ngành giáo dục trong thời gian qua đã đưa ra nhiều giải pháp, tuy nhiên, bạo lực học đường vẫn gia tăng cho thấy các giải pháp chưa thật sự phát huy hiệu quả.
Không khó để lấy ví dụ minh chứng cho sự gia tăng của bạo lực học đường. Mới ngày hôm qua, mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh nhiều nữ sinh chửi bới, đánh hội đồng nữ sinh lớp 7, trường THCS Minh Thành (Quảng Ninh).
Nữ sinh bị nhóm học sinh tát đánh, đấm vào mặt, dùng chân đạp vào người, ngã nhào xuống đất. Cách đó 3 ngày, một clip khác ghi lại cảnh một nam sinh Trung tâm GDTX Anh Sơn (Nghệ An) đang ngồi trong lớp, bỗng dưng có 2 nam sinh cùng lớp lao vào dùng tay bóp cổ, đánh đập dã man.
Đó chỉ là hai trong số nhiều vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thời gian qua. Lột đồ, đánh nhau, thậm chí dùng dao đâm bạn học đó không chỉ là bạo lực học đường giản đơn mà đó là tội ác đang tồn tại trong môi trường giáo dục.
Đáng chú ý, bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở việc học sinh đánh nhau, không ít giáo viên cũng phần nào tác động xấu đến vấn nạn này. Điển hình mới đây, một giáo viên trường mầm non Họa Mi (Long Khánh, Đồng Nai) đã làm gãy chân một trẻ lớp mầm 3 tuổi khi vắt chân phải bé lên cổ khi cho bé ăn, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) đánh đập học sinh do không mang theo dụng cụ học tập, giáo viên trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Huế) dùng thước đánh bầm tím tay học sinh lớp 1 khi em hiếu động…
Những vụ việc bạo hành học đường không chỉ là nỗi ám ảnh của học sinh, sự lo lắng của phụ huynh mà còn là nỗi đau xót của ngành giáo dục. Bởi vấn nạn trên không chỉ gây nên những hậu quả đau lòng, ảnh hưởng tâm lý, thể chất, tinh thần cho học sinh mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường giáo dục. Bởi giáo dục là trồng người, trong môi trường ấy, không thể cho phép cái xấu, cái ác tồn tại và trở lên phổ biến.
Với trách nhiệm là tư lệnh nghành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là người quá thấu hiểu tình trạng bạo lực học đường những năm qua cũng như hậu quả của vấn nạn này. Bản thân Bộ trưởng năm 2016 đã nhận trách nhiệm về bạo lực học đường khi trả lời đại biểu Quốc hội. Ông cho rằng, đây là vấn đề gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng đến truyền thống đạo đức của dân tộc.
Biết rằng bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có cả trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, khi đó, rất hoan nghênh bộ trưởng khi xác định vai trò, trách nhiệm, đi tiên phong trong việc ngăn chặn, giảm thiểu vấn nạn trên và ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường. Bộ cũng đã ban hành đến 25 văn bản về phòng chống bạo lực học đường, thậm chí tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành nhằm tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực học đường, kèm theo đó là nhiều giải pháp đã được triển khai.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc, đến nay, bạo lực học đường vẫn liên tục gia tăng một cách nhức nhối gây bức xúc dư luận.
Thực tế, bạo lực là vấn nạn không thể loại bỏ bởi đó là một phần của xã hội, chỉ có thể đưa ra các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, muốn giảm thiểu được vấn nạn trên cần phải bắt đúng bệnh. Khi triển khai một thời gian, tình trạng bạo lực học đường không thuyên giảm mà lại phức tạp hơn, cho thấy các giải pháp mà Bộ GD&ĐT đưa ra chưa phát huy hiệu quả.
Xin hỏi Bộ trưởng Nhạ, để phòng chống bạo lực học đường, Bộ đã quyết liệt chỉ đạo rốt ráo bằng nhiều văn bản, hội nghị. Tuy nhiên, liệu có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" khiến các giải pháp không phát huy hiệu quả như kỳ vọng? Nếu bạo lực học đường tiếp tục diễn biến theo chiều hướng gia tăng, liệu Bộ trưởng có lần thứ "n" nhận trách nhiệm?
>>> Mời độc giả xem thêm video Học sinh tàn tật từ bạo lực học đường gia tăng

Nguồn: Truyền hình Cần Thơ.

Nguồn tin: kienthuc.net.vn


Chính phủ   Nghị định   Tiểu học   Đồng Nai   đánh hội đồng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...