12/04/2021 9:16  
Người Đức nhẩm tính họ trải qua 13 tháng sống chung với con virus Corona. Từ một quốc gia được xem là mẫu mực trong việc chống dịch ngay thời gian đầu, nhưng hiệu quả ngăn ngừa Corona ngày càng sa sút tại Đức - một trong những nước mạnh nhất châu Âu. Khi Xuân đang về thì nước Đức cũng bước vào đợt dịch thứ ba, với con số khoảng thêm 20.000 ca nhiễm hằng ngày.

Nền chính trị Đức vốn được xem là ổn định đang đánh mất sự ủng hộ của người dân. Trên cơ sở của một thể chế liên bang, cơ quan hành pháp là một tập hợp gồm Thủ tướng và 16 vị Thủ hiến tiểu bang. Hội đồng này, ta tạm gọi là Hội đồng Hành pháp, là cơ quan đầu não quyết định các biện pháp về kinh tế, xã hội và y tế để đối phó với nạn dịch. Do dịch bệnh hoành hành, các vị trong Hội đồng cứ vài tuần họp nhau một lần, dùng phương tiện online và đưa ra quyết sách cho toàn xã hội. Các cuộc họp càng ngày càng lê thê, ý kiến càng bất đồng và bà Thủ tướng đúc kết cuộc họp thường xảy ra nửa đêm về sáng. Trong buổi họp báo đúc kết, người nói và người nghe xem ra đều kiệt sức.

Thế nhưng chưa có khi nào mà nền chính trị Đức ảm đạm bằng ngày 24/3/2021 vừa qua. Lần đầu tiên, bà Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm "hoàn toàn về phía mình" và xin lỗi cùng toàn dân. Sau đó các vị Thủ hiến cũng cho rằng, thực ra là lỗi chung của cả Hội đồng, các vị đó cũng lấy làm tiếc. "Đây là một biến cố chưa có tiền lệ", báo chí nhận xét. Phía đối lập đòi Chính phủ phải đặt vấn đề "tin tưởng" trong Quốc hội, tức là nếu Quốc hội đại nghị mất lòng tin, Chính phủ phải giải thể.

Điều gì đã xảy ra mà to tát vậy? Chẳng có gì ghê gớm cả, chỉ là một cơn bão trong chén trà. Trước đó chưa đầy hai ngày, Hội đồng Hành pháp gặp nhau và đưa kế sách đối phó với đợt dịch Corona thứ ba. Trong các quyết định đó, họ tính trong lễ Phục sinh vào đầu tháng 4, người dân được thêm hai ngày nghỉ chính thức nữa. Người dân vốn được nghỉ hai ngày, nay được bốn ngày nghỉ. Chính phủ muốn tạo thêm một thời gian giãn cách để giảm tiếp xúc xã hội. Họ quên đi một điều hệ trọng là hai ngày nghỉ bất thường được quyết định chóng vánh đó sẽ làm đình trệ các hoạt động kinh tế và công nghiệp của Đức. Ai sẽ cung cấp thực phẩm, ai sẽ bù đắp vào hợp đồng bị gián đoạn, ai sẽ, ai sẽ...? Một ngày lockdown của Đức sẽ tốn mất 10 tỷ euro.

Một làn sóng phẫn nộ nổi lên tại Đức vốn đang phẫn nộ con virus vô hình. Bà Thủ tướng phải rút lại quyết định về hai ngày nghỉ bổ sung và cúi đầu nhận lỗi, chẳng khác gì các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc hay làm. Nền báo chí vốn nghiêm khắc của Đức xem đây là một hành động cao thượng, nhưng cũng nói lên sự lúng túng vô phương cứu chữa của Chính phủ trong cơn đại dịch.

Cơn bão này sẽ không làm vỡ chén trà, nhưng trong trà mà có bão, điều này bộc lộ một điều đáng chú ý của Đức. Đó là một nước theo thể chế liên bang, vận hành trong một cấu trúc chính trị phức tạp, theo một nguyên tắc phân quyền và dân chủ chính xác và chi li. Trong một quốc gia như vậy, người dân luôn luôn phải đi bầu, từ cấp thành phố, tiểu bang đến liên bang. Trên mặt vĩ mô luôn luôn có những đòi hỏi ngược chiều nhau. Những tập thể bao gồm lợi ích riêng như kinh tế, xã hội, y tế, công đoàn... đến các mặt tâm thức như giáo dục, đạo đức, tâm lý, tâm linh... thường xuyên đấu tranh cho quyền lợi của mình. Nước Đức ví như một bộ máy cơ khí vận hành hoàn hảo, nhưng khi phải giải những bài toán xác suất do đại dịch đề ra thì lập tức phát sinh trục trặc. 

Người Đức cũng biết tếu táo. Nghe lời xin lỗi của bà Thủ tướng, họ nhắc lại lời Chúa: "Xin tha lỗi cho họ, họ không biết họ làm gì". Họ cũng biết tự trào và nói: "Những ai muốn vui cười, hãy nhìn về nước Đức. Còn tại Đức thì không có gì vui".

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Nhật Bản   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...