17/01/2021 10:05  
Lệ Thu được coi là thế hệ ca sĩ thứ ba của nền tân nhạc Việt Nam, sau những Minh Trang, Thái Thanh, Tâm Vấn, Mộc Lan, Châu Hà, Kim Tước, Hà Thanh, Bạch Yến… Trong suốt 15 năm (1960 - 1975), Lệ Thu được giới phê bình âm nhạc ở miền Nam xưng tụng là “Giọng ca vàng ròng” và đánh giá là một trong những ca sĩ “hát tình khúc hay nhất Việt Nam”.
Tuy nhiên, không như các ca sĩ cùng thời thường hát và gắn tên mình vào ca khúc của một nhạc sĩ nhất định (như Thái Thanh với nhạc Phạm Duy, Khánh Ly với nhạc Trịnh Công Sơn, Thanh Thúy với nhạc Trúc Phương...), tiếng hát Lệ Thu không song hành cùng một nhạc sĩ nào nhưng lại “đóng đinh” vào rất nhiều bài hát của nhiều nhạc sĩ, bởi khi nói tên ca khúc ấy, người ta phải nghĩ ngay đến Lệ Thu - vì không ai có thể hát bài ấy hay hơn nữ danh ca này. Điển hình là các ca khúc: Hương xưa, Hoài cảm (Cung Tiến), Mùa thu cho em, Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa), Hạ trắng, Dấu chân địa đàng (Trịnh Công Sơn), Nước mắt mùa thu, Mùa thu chết, Thu ca điệu cô đơn (Phạm Duy), Thu hát cho người (Vũ Đức Sao Biển), Mười năm tình cũ (Trần Quảng Nam)...

Tình cờ đến với âm nhạc, tình cờ có tên Lệ Thu

Danh ca Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16.7.1943 tại Hải Phòng. Mẹ bà vốn là vợ lẽ của một quan chức địa phương. Mẹ bà sinh đến 8 người con nhưng họ đều mất ngay khi còn rất nhỏ, duy chỉ có Bùi Thị Oanh còn sống. Năm 1953 khi vào Sài Gòn (để trốn sự khắc nghiệt của bà vợ cả), hai mẹ con sống trong một căn nhà nhỏ ở chợ Vườn Chuối (góc Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 - bây giờ). Tại đây, Bùi Thị Oanh đã theo học nhạc và học hát với một bà đầm dạy nhạc ở gần nhà.
17 tuổi, trong một lần đi chơi với bạn bè ở phòng trà Bồng Lai, Bùi Thị Oanh được bạn bè xúi lên sân khấu hát. Thế là cô hát Tà áo xanh (tức Dang dở của Đoàn Chuẩn) khiến cả khán phòng mê mẩn. Giọng hát của cô nữ sinh hay đến độ ông Lê - chủ phòng trà đã đề nghị cô đến đây hát mỗi tối. Cô chối từ vì mẹ cô rất nghiêm khắc và thành kiến với giới “xướng ca vô loài”. Ông Lê hiến kế: “Mỗi tối, cô chỉ hát một tiếng đồng hồ thôi, từ 9 đến 10 giờ đêm rồi về, mẹ cô không biết đâu!”. Rồi ông đề nghị một mức thù lao mà chưa bao giờ cô bé nghèo trong xóm chợ dám nghĩ đến. Vậy là cô trốn mẹ đi hát và lấy bừa nghệ danh là… Lệ Thu vì muốn giấu tông tích. Vậy mà cái tên “đột xuất” này lại gắn chặt và đi theo cô đến suốt đời.

Những ca khúc tạo dấu ấn riêng

Năm 1971, không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác ca khúc Nước mắt mùa thu, bởi vì chắc chắn tiếng hát của Lệ Thu (nước mắt mùa thu) đã “cảm hóa” được người nhạc sĩ tài hoa và đa tình ấy. Nếu ai thuộc ca khúc ấy sẽ thấy rằng nhạc sĩ họ Phạm đã đặt tâm cảnh của mình vào những ca từ của bài hát, hay nói đúng hơn là tác giả đã thay Lệ Thu bật ra những tiếng nức nở: “...Nước mắt mùa thu khóc than một mình. Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh. Giọng ca buồn bã vào trong đời úa. Thời gian còn đó còn thương còn nhớ hoài. Trời ơi nước mắt mùa thu khóc thân phận mình...”. Phải là một người thật sự thông hiểu và chia sẻ với cô ca sĩ đã từng 3 lần đổ vỡ trong hôn nhân mới có những câu hát như: “... Nước mắt nào nguôi khóc cho đời mất thần linh. Rồi, người xa người... tôi xa tôi” (Nước mắt mùa thu - Phạm Duy).
Đó là những cảm nhận sâu sắc của Phạm Duy, khi Lệ Thu trở thành ca sĩ hát độc quyền ở phòng trà Queen Bee, mà một số ca khúc của Phạm Duy đã được cô trình bày một cách xuất thần (Ngậm ngùi, Thuyền viễn xứ, Bên cầu biên giới...). Không chỉ với nhạc Phạm Duy, Lệ Thu từng kể lại trường hợp hát bài Hương xưa (Cung Tiến) là hồi đó rất hiếm khi người hát với chỉ một người đệm piano, mà thường hát với một ban nhạc (nhờ đó tiếng hát được nâng cao hơn, khiếm khuyết cũng dễ che giấu đi). Nhưng cô đã hát Hương xưa với chỉ một cây đàn dương cầm đệm nhạc. Mà không chỉ có Phạm Duy, ca khúc Lệ đá (nhạc Trần Trịnh, lời Hà Huyền Chi) cũng được viết tặng cho giọng ca Lệ Thu.
Có lẽ bởi lần đầu tiên hát trước công chúng, Lệ Thu đã chọn bài Dang dở (tức Tà áo xanh của Đoàn Chuẩn) để hát mà 2 chữ “dang dở” nó vận vào số mệnh của Lệ Thu khiến cuộc sống hôn nhân của cô luôn trắc trở với 4 lần sống chung (trong đó 3 lần làm đám cưới). Cô luôn tự nhận vì mình không biết giữ gìn nên hạnh phúc cứ trôi tuột, mà những người đàn ông đi qua đời cô lại quá đa tình. Rồi cô âm thầm chia tay… Những nỗi đau, cô đem trút hết vào các ca khúc, bằng chất giọng alto khàn khàn, ở những nốt cao, giọng của cô có độ vang và ngân rung hiếm có làm người nghe có cảm giác như nỗi đau được đẩy lên đến tột cùng: “Lòng cuồng điên vì nhớ ôi đâu người đâu ân tình cũ? Chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa…” (Hoài cảm - Cung Tiến); “…Có biết đâu niềm đau đã nằm trong thiên tai, những cánh dơi lẻ loi mù trong cảnh đêm dài…” (Tình khúc thứ nhất - Nguyễn Đình Toàn, Vũ Thành An). Đúng như Vũ Thành An đã viết: “…Có một lần mất mát mới thương người cô độc. Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu…” (Đời đá vàng).
Giờ đây nữ danh ca Lệ Thu đã từ giã cõi đời, nhưng chúng ta vẫn mãi nhớ giọng ca Lệ Thu với “... Tiếng hát ru em còn mãi trên môi... Để lỡ ngày sau khi ta cần nhau, còn mong chút yên vui ngày đầu, cho mình vẫn kêu thầm tên nhau…” (Xin còn gọi tên nhau - Trường Sa).

Nguồn tin: thanhnien.vn


Việt Nam   âm nhạc  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...