09/04/2021 14:21  
Cứ 7-10 ngày có thể thu hoạch về bán, người nuôi con vật này có thể thu về từ 120 – 150 triệu đồng mỗi năm, nếu thuận lợi.

“Thuận lợi ở đây tức là thời tiết phù hợp, con ong mật không bị bệnh tật và do con người...”, anh Phan Vình (Đồng Nai) – một người có kinh nghiệm hàng chục năm nuôi ong lấy mật cho biết. Theo đó, thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng mật, nắng hạn hay mưa nhiều quá đều không tốt, bởi nắng sẽ khiến cây và hoa không tươi tốt, mật ở hoa ít, mưa nhiều thì hoa và lá dễ hỏng. Tiếp theo, con ong khỏe mạnh, không bệnh tật gì mới sản sinh nhiều mật. Và thứ nữa là con người tác động từ việc phun thuốc bảo vệ thực vật cũng khiến ong nhiễm độc và chết hàng loạt...

Anh Vinh cho rằng mọi thứ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Cách đây 3 năm, đàn ong của nhà anh bị nhiễm bệnh thối ấu trùng và chết hàng loạt. Nhiều hộ gia đình nuôi ong ở khu vực của anh sinh sống cũng bị như vậy. Người nuôi ong điêu đứng, “có người thua lỗ cả tiền tỷ, còn tôi cũng thua lỗ đến cả trăm triệu đồng”, anh nói.

Số tiền thua lỗ tuy không nhiều nhưng lại khiến những người nuôi ong như anh nản và một vài người còn có ý định đi làm công nhân để ổn định. Dần dần, mọi người cũng tìm ra bệnh và thuốc chữa chúng. Đến nay, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.

Mùa nào thức ấy, ong sẽ lấy mật hoa của mùa đó về làm mật. Trung bình từ 7-10 ngày vào chính vụ, còn nghịch mùa sẽ lâu hơn, anh sẽ thu mật về một lần để bán. Số lượng mật tùy thuộc vào từng đợt.

“Tháng chạp tới đầu tháng 3 (Âm lịch) là vụ mật chính trog năm ở miền nam. Khi khí hậu chuyển sang mùa mưa, người nuôi ong sẽ chuyển những tổ ong đến những vùng có mật, từ miền trung trở vào Phú Yên là nhiều nhất. Thời gian này sẽ có mật cây keo, thường gọi là cây tràm...”, anh cho hay.

Tùy vào thời điểm và nhu cầu người tiêu dùng mà anh đưa ra thị trường bao nhiêu. Nếu tính ra hàng năm anh xuất ra thị trường khoảng 2 tấn mật lẻ, sỉ tùy thuộc vào khách. Nhưng anh chủ yếu bán lẻ với giá dao động từ 120.000 – 150.000 đồng/lít và giá này không đổi theo mùa.

Anh cho biết nghề này mọi người tưởng đơn giản, dễ kiếm tiền nhưng thực sự rất cực. Vì anh yêu thích và luôn nghĩ công việc nào cũng có vất vả riêng nên cứ cố gắng mỗi ngày.

Nói thêm về cách phân biệt mật ong giả - thật, anh cho biết bản thân anh thường sử dụng cách nhỏ mật ong vào ly nước. Nếu giọt mật đó còn ở dạng dây khi xuống đáy ly, không hòa tan với nước ngay, khi nào lấy muỗng khuấy đều và lâu mới tan hết thì là mật ong thật.

Hiện tượng kết tinh ở mật ong, tức là khi để lâu mọi người sẽ thấy có kết tinh trắng ở đáy chai. Anh cho rằng đây là phản ứng hóa học tách nước ra khỏi đường tự nhiên. Hiện tượng này sẽ xuất hiện vào một số thời điểm trong năm. Và sẽ có hiện tượng như vậy ở mật lá, tức là ong lấy mật tiết ra ở lá, ví dụ như mật cao su, keo,... Không phải như mọi người nghĩ đó là mật pha đường.

Trên thị trường, anh cho rằng mật ong rừng mới dễ bị làm giả. Mọi người nên cẩn trọng. Còn việc người nuôi cho ong ăn đường, đó là cách giúp ong sống qua ngày và nuôi con non vào những thời điểm không có mật ngoài tự nhiên. Một số người không hiểu lại quy chụp và nghĩ rằng đó là điều không tốt, ảnh hưởng tới rất nhiều người nuôi ong. Việc cho ăn đường sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng mật hay không còn tùy thuộc vào người nuôi.

Theo anh, mật ong để lâu sẽ xuống màu và mất chất nên sử dụng tốt nhất là khoảng dưới 10 tháng.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...