30/12/2020 10:35  
- Trong năm 2020, dưới tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhiều hãng sản xuất hàng hiệu phải  đóng cửa hoặc ghi nhận mức  sụt giảm doanh thu khủng khiếp.
Chuỗi cửa hàng trang sức Tiffany
Tiffany - chuỗi cửa hàng trang sức hàng hiệu chịu ảnh huởng nặng nề bởi lượng du khách sụt giảm. Theo Bloomberg, doanh thu thuần trên toàn cầu của Tiffany giảm 29% trong quý kết thúc vào ngày 31/7. Tuy nhiên, điều này cho thấy hoạt động kinh doanh cải thiện hơn so với mức giảm 45% được báo cáo trong giai đoạn trước đó.
Hồi tháng 9, "ông chủ" của LVMH cho biết chính phủ Pháp đã yêu cầu họ trì hoãn thương vụ thâu tóm Tiffany với giá 16 tỷ USD vì những lý do liên quan đến mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Pháp.
Sự bất ổn trên thị trường hàng xa xỉ kể từ khi dịch bệnh bùng phát là nguyên nhân khiến nhiều ý kiến cho rằng LVMH muốn thực hiện thương vụ với mức giá thấp hơn.
Rolls-Royce PLC
Rolls Royce PLC là nhà cung cấp một số loại động cơ cho hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Airbus và Boeing.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động đi lại bằng đường hàng không trên toàn cầu đình trệ trầm trọng. Theo Warren East - Giám đốc điều hành (CEO) của hãng chế tạo động cơ máy bay Rolls Royce PLC, COVID-19 đã tác động nặng nề chưa từng có tới hoạt động kinh doanh của hãng trong năm 2020.
Hồi tháng 5/2020, Rolls Royce PLC thông báo cắt giảm 9.000 việc làm, tương đương 17% lực lượng lao động toàn cầu của doanh nghiệp.
Trong nửa đầu năm 2020, Rolls-Royce PLC ghi nhận mức lỗ ròng 5,4 tỷ bảng Anh (7,1 tỷ USD). Kết quả kinh doanh này khủng khiếp hơn rất nhiều nếu so với mức lỗ 909 triệu bảng Anh trong cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, Rolls Royce PLC cũng công bố một chương trình thanh lý tài sản trị giá 2 tỷ bảng như một phần của kế hoạch cải cách đang diễn ra tại doanh nghiệp này.
Inditex - công ty sở hữu thương hiệu thời trang Zara
Đầu tháng 7, tờ Strait Times đưa tin Inditex, công ty sở hữu thương hiệu thời trang Zara, tuyên bố sẽ đóng cửa 1.200 cửa hàng. Số cửa hàng này tương đương 16% điểm bán lẻ của Inditex trên toàn cầu. Đa số điểm bán lẻ đóng cửa thuộc châu Á châu Âu, hầu hết thuộc nhóm cửa hàng nhỏ.
Ngày 10/6, tập đoàn Inditex thông báo mức thua lỗ trong quý I năm nay lên tới 409 triệu euro (465 triệu USD), trong bối cảnh doanh thu tụt dốc do dịch COVID-19. Đây là một trong những kết quả kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử tập đoàn này.
Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu của Inditex giảm 44% so với năm 2019, từ 5,9 tỷ euro xuống 3,3 tỷ euro. Inditex đã phải đóng cửa 88% trong tổng số hơn 7.400 cửa hàng trên toàn cầu.
Nike lao đao vì COVID-19
Ngày 28/7, Hãng sản xuất trang phục thể thao lớn nhất thế giới quyết định rút lại kế hoạch đầu tư sản xuất đế giày cho dòng Nike Air ở vùng ngoại ô thành phố Phoenix (bang Arizona), do tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ vẫn đang diễn biến phức tạp.
Trước đó, Nike từng lên kế hoạch đầu tư 184 triệu USD vào dây chuyền sản xuất thứ ba ở Mỹ dành cho loại giày thể thao Nike Air ở thành phố Goodyear.
Trong 3 tháng (từ tháng 3 đến 5/2020), Nike thua lỗ 790 triệu USD, do doanh số bán hàng điện tử không thể bù đắp cho doanh thu bị mất từ việc phần lớn các cửa hàng phải đóng cửa trên toàn cầu.
Ngoài ra, thương hiệu đồ lót nổi tiếng một thời Victoria's Secret cũng lâm vào cảnh khó khăn. L Brands, công ty chủ quản của Victora's Secret, buộc phải nhượng lại thương hiệu vào đầu năm nay sau 4 quí lỗ liên tiếp. Hồi giữa tháng 5, Victoria's Secret đóng thêm 250 điểm bán hàng ở Mỹ và Canada. 
Trong khi đó, Chanel phải ngừng sản xuất trong 2 tuần từ giữa tháng 3. Còn thương hiệu Hermes tạm ngưng một số kế hoạch sản xuất nhất định tại Pháp.

Nguồn tin: kienthuc.net.vn


Airbus   CEO   doanh nghiệp   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...