04/04/2021 11:40  
"Để hiện thực hóa mục tiêu dần đưa nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi thành nền kinh tế số, cần phải tin tưởng vào chính các DN trong nước nhằm tạo ra các chuỗi giá trị “thuần Việt”, đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị.
Quan trọng là sự quyết tâm

Theo quan điểm cá nhân ông, hiện tại Việt Nam có đủ tiềm lực để thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế số được không và Việt Nam cần làm những gì để cuộc chuyển đổi thành công?

- Việc đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và tới năm 2045 thành nước phát triển với mức thu nhập cao thì điều kiện kiên quyết là nền kinh tế phải hoàn thành chuyển đổi sang kinh tế số.

Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta có quyết tâm và tiếp tục đẩy mạnh số hóa đang thực hiện trong năm 2020 hay không. Rõ ràng, ở đây đang có rất nhiều đòi hỏi về cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống mạng... Như vậy, công việc đầu tiên là phải gắn với số hóa từ mạng chung cho đến mạng nội bộ phải được thực hiện đồng bộ.

Ngoài ra, cũng cần phải có được một đội ngũ nhân sự công nghệ cao đáp ứng được yêu cầu đó. Nhu cầu này thời gian qua đã đáp ứng được một phần nào, nhưng khách quan mà nói thì vẫn còn thiếu rất nhiều. Đặc biệt là những chuyên gia có thể ứng dụng được công nghệ cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, là phải có được sự đầu tư một cách thỏa đáng về các thay đổi trong từng DN cũng như toàn bộ nền kinh tế, để thích ứng với việc số hóa nền kinh tế.

Đây là vấn đề không đơn giản, vì liên quan đến số hóa đòi hỏi phần tự động hóa, trong khâu quản lý đòi hỏi những thiết bị máy móc và nền tảng phù hợp.

Hiện nay người dân sử dụng điện thoại thông minh tương đối nhiều. Tuy nhiên, vấn đề bảo mật và an toàn cho các hệ thống vẫn là câu chuyện lớn. Đặc biệt, thông qua thương mại điện tử, hàng giả, hàng nhái hay thông tin số... đang làm cho một bộ phận người dân không hài lòng, thậm chí còn nghi ngờ về chất lượng và hiệu quả của kinh tế số.

Việc này yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt quản lý trong thương mại điện tử cũng như các giao dịch như huy động vốn hoặc biến tướng như hình thức hoạt động đa cấp. Để từ đó thanh lọc và làm lành mạnh quá trình hoạt động của nền kinh tế. Có như vậy thì người dân mới thật sự yên tâm và tin tưởng và triển khai tốt kinh tế số.

Cùng với đó là có sự phối hợp và thừa nhận kết quả của nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng là một trong những vấn đề rất quan trọng. Vì cho đến thời điểm hiện nay, nếu muốn phát triển nền kinh tế số thì cùng một thủ tục như nhau, những phần nào tương đồng nhau thì phải được chấp nhận. Nhưng việc này vẫn chưa có sự ăn khớp nhau giữa các bộ, ngành.

Đồng thời, cũng cần có bộ tiêu chuẩn và các yêu cầu để từ đó có thể quản lý hoạt động kinh tế cũng như xã hội trong trạng thái số.

Nguồn nhân lực và sự tin tưởng doanh nghiệp trong nước

Nói về nguồn nhân lực cao, đây được xem là thành phần cốt lõi của kinh tế số, ông đánh giá như thế nào về khía cạnh này của Việt Nam hiện nay?

- Thực tế hiện nay nguồn nhân lực cho nền kinh tế số của Việt Nam vừa thừa nhưng lại vừa thiếu. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu của một nền kinh tế số đang là đòi hỏi cấp thiết.

Sự thay đổi trong đào tạo để phân tầng những người có thể thiết kế lên phần cứng, phần mềm với người ứng dụng các công nghệ đó trong DN hay công sở cũng cần phải triển khai rốt ráo, để từ đó chúng ta có được một lực lượng lao động có chuyên môn cao, kỹ thuật giỏi, đặc biệt có đạo đức nghề nghiệp.

Chỉ khi đó Việt Nam mới có thể phát triển được một nền kinh tế số an toàn.

Như vậy, rõ ràng là việc đầu tư vào nhân lực để cho ra đời các sản phẩm công nghệ lõi “Make in VietNam” là yêu cầu bắt buộc?

- Đúng vậy. Thực tế có rất nhiều các yêu cầu khác nhau, như hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, con người, máy móc thiết bị... Việc này đòi hỏi phải có sự đồng bộ của toàn nền kinh tế để đáp ứng được yêu cầu số hóa.

Nếu chúng ta trông mong vào máy móc thiết bị từ nước ngoài thì không những không đáp ứng được yêu cầu kịp thời, chuẩn xác của hoạt động kinh tế số trong nền kinh tế, mà còn có thể xảy ra các vấn đề không an toàn về an ninh số, an ninh kinh tế...

Câu chuyện nghẽn lệnh sàn HOSE trong thời gian qua có phải là sự minh chứng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam đang bị thiếu hụt, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu, thưa ông? Hay có một câu chuyện khác đáng bàn ở đây?

Điều này cho thấy có thể chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng của lực lượng khoa học công nghệ, và nguồn nhân lực trong nước. Bởi vì bản thân các DN đã xây dựng lên những hệ thống tương tự, có thể nhỏ hơn trên sàn HNX hoặc chỉ là một bộ phận nhỏ trên sàn HOSE.

Nhưng câu chuyện đáng bàn ở đây là chính chúng ta lại không tin tưởng vào trình độ nguồn nhân lực trong nước, với tư duy “cái gì cũng phải nước ngoài làm mới tốt”.

Dù còn có thể nghi ngại chất lượng nhưng cũng cần phải tạo điều kiện để DN trong nước triển khai hoặc có được sự hợp tác một cách đầy đủ. Để từ đó có được một chuỗi sản xuất kinh doanh nói chung, chuỗi giá trị “thuần Việt” nói riêng.

Riêng trong lĩnh vực số, chúng ta cũng cần phải tạo ra được chuỗi hay dây chuyền để đảm bảo cho quá trình số hóa của chúng ta vừa chủ động, vừa tích cực. Chỉ khi đó, chúng ta mới hết lo lắng về vấn đề rò rỉ, mất an ninh hoặc bị trục trặc thì có thể xử lý được ngay.

Chỉ khi có được sự tin tưởng và “giao việc” thì các DN trong nước mới có động lực phấn đấu và mục tiêu đầu tư phát triển lĩnh vực họ đang theo đuổi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


HOSE   Kinh tế   Việt Nam   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   doanh nghiệp   hợp tác   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...