22/10/2020 13:21  
Người phản biện kín do “giấu mặt” không được tiếp xúc trao đổi tương tác với nghiên cứu sinh và tập thể hướng dẫn nên rất khó để hiểu đúng luận án Tiến sĩ vì người phản biện chỉ đọc luận án trên giấy.

Đó là ý kiến góp ý và băn khoăn của PGS.TS Ngô Tứ Thành – trường Đại học Bách khoa Hà Nội về quy định: “Phản biện độc lập (kín) là quy trình bắt buộc trước khi luận án của nghiên cứu sinh được đưa ra bảo vệ ở Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở đào tạo” trong Dự thảo Thông tư Quy định quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến.

PGS.TS Ngô Tứ Thành đã phân tích và góp ý nên bỏ quy định này, cụ thể như sau:

Những ưu điểm ban đầu sử dụng  “Phản biện KÍN luận án Tiến sĩ”.

Cách đây 35 năm, tháng 10/1985, Vụ quản lý bồi dưỡng Sau đại học (vụ QLSĐH),  thuộc Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp được thành lập, có nhiệm vụ quản lý tất cả các NCS của cả nước.

Khi đó  bất cứ NCS ở cơ sở đào tạo nào khi làm thủ tục bảo vệ luận án tiến sĩ (TS) đều nộp hồ sơ luận án cho các chuyên viên của Vụ QLSĐH. Các chuyên viên này sẽ bí mật (không cho NCS biết) gửi luận án (đã xóa thông tin của NCS) cho các GS/PGS ở cơ sở đào tạo khác để đánh giá luận án. GS/PGS nhận được luận án từ Vụ QLSĐH sẽ không thể biết đang phản biện cho NCS ở cơ sở đào tạo nào.

Do cách đây 35 chưa có internet như bây giờ nên các GS/PGS phản biện sẽ không thể tra tìm thông tin của các NCS qua các tạp chí. Do vậy phản biện KÍN theo hình thức này tương đối KÍN, có nghĩa là không HỞ lắm trong thời kỳ chưa có internet.

 Thực chất là phản biện HỞ “giấu đầu hở đuôi”

Từ năm 2010, Bộ giáo dục giao các cơ sở giáo dục đào tạo quản lý NCS. Khi cơ sở đào tạo gửi luận án cho các GS/PGS phản biện, đều ghi địa chỉ cơ sở đào tạo gửi nên người nhận được luận án biết ngay NCS thuộc cơ sở đào tạo nào. Nếu GS/PGS phản biện có cùng chuyên môn với NCS sẽ biết ngay NCS thuộc Viện hay Khoa nào trong cơ sở đào tạo đó.

Còn muốn biết tên NCS chỉ việc đưa tên bài báo của NCS vào google sẽ hiện tên tác giả. Do đó, nhiều người hài hước nói rằng, phản biện KÍN như một cô gái đẹp mặc quần áo “KÍN cổng cao tường” từ đầu đến chân nhưng lại để HỞ ra những điểm nhạy cảm nhất trên cơ thể.

Phản biện kín, “Thầy bói xem voi”

Người phản biện cho dù có giỏi thế nào cũng không thể hiểu hết tất cả các hướng chuyên sâu khoa học của người khác. Luận án Tiến sĩ là sáng tạo, đóng góp cái mới cho kho tàng khoa học của nhân loại, đó có thể là những công trình khoa học của riêng tác giả  mà người làm khoa học khác không có.

Người phản biện KÍN do “giấu mặt” không được tiếp xúc trao đổi tương tác với NCS và tập thể hướng dẫn nên rất khó để hiểu đúng luận án Tiến sĩ. Không thể hiểu được ý tưởng khoa học của luận án nếu GS/PGS phản biện chỉ đọc quyển luận án khô cứng in trên giấy. 

Thậm chí có ngành khoa học, người phản biện sẽ không hiểu luận án nếu không trao đổi trực tiếp với tác giả luận án trong phòng LAB của cơ sở đào tạo. Trong trường hợp đó, GS/PGS phản biện như “Thầy bói xem voi” và đã xảy ra bao chuyện “dở khóc dở cười”.

Cách đây 20 năm, khi Bộ đang quản lý NCS, đã xảy ra trường hợp “hy hữu”. Có một phản biện KÍN, do không hiểu luận án nhưng lại yêu cầu NCS chỉnh sửa luận án theo cái hiểu sai của phản biện.

Thời gian sửa gần 1 năm mà phản biện KÍN vẫn bảo thủ không đồng ý cho NCS bảo vệ tiếp. NCS và GV hướng dẫn gửi đơn kiện lên Bộ trưởng Bộ giáo dục yêu cầu công khai tên người phản biện để đối chấp và đích thân Bộ trưởng đứng ra phân xử.

Những cách làm vô hiệu hóa phản biện KÍN, tiền đề “Khoán 10 trong đào tạo Tiến sĩ”

 Khi Bộ giáo dục giao cho cơ sở đào tạo quản lý NCS, trên tinh thần lấy người học làm trung tâm, lấy NCS làm trung tâm, nhiều cơ sở đào tạo  đã có cách làm hay để vô hiệu hóa phản biện KÍN.

Đó là lãnh đạo cơ sở đào tạo Tiến sĩ yêu cầu cấp dưới (Viện, khoa hay trung tâm) lập danh sách gồm 7 đến 10 người là các GS/PGS ngoài cơ sở đào tạo am hiểu luận án Tiến sĩ của NCS. Lãnh đạo cơ sở đào tạo sẽ mời các GS/PGS đó đến tham dự buổi Xemina bộ môn luận án TS do NCS trình bày cùng với các Thầy Cô trong bộ môn.

Các GS/PGS ngoài cơ sở đào tạo sẽ đóng góp ý kiến cho luận án TS của NCS một cách chi tiết. Đây đươc xem là khâu then chốt quyết định xem luận án của NCS có đủ tầm của Luận án TS không, có được đưa ra bảo vệ ở các Hội đồng không. Nếu sau khi NCS chỉnh sửa Luận án, được tất cả các thành viên tham dự trong buổi Xemina bộ môn thông qua thì các buổi bảo vệ luận án TS chỉ là hình thức.

Bởi vì khi chọn phản biện KÍN, cơ sở đào tạo đó  sẽ chỉ chọn các ủy viên đều là những người đã đọc luận án, đã góp ý cho NCS ở buổi Xemina bộ môn. Đến các buổi bảo vệ cấp cơ sở, bảo vệ cấp Trường… các  ủy viên đến chỉ trình diễn đọc nhận xét, nhận phong bì, vỗ tay, ăn liên hoan, chụp ảnh, rồi ra về.

 Trường hợp trong buổi Xemina bộ môn, nếu các GS/PGS ngoài cơ sở đào tạo nào có ý kiến trái chiều hoặc không đồng ý cho NCS bảo vệ luận án thì khi đưa phản biện KÍN, cơ sở đào tạo sẽ  không đưa Luận án cho  những vị GS/PGS đó.

Với cách làm trên, nhiều cơ sở đào tạo chỉ có 05 Tiến sĩ nhưng có năm tuyển được 5 NCS, trong khi có cơ sở đào tạo có gần 100 GS/PGS nhưng máy móc làm theo quy chế của Bộ, một năm chỉ tuyển được 3 NCS ?!.

Khoán 10 trong đào tạo Tiến sĩ ở Việt Nam đang được manh nha. Cho dù còn nhiều ý kiến bảo thủ, muốn duy trì phản biện KÍN  để hành người học, nhưng trước xu thế của thời đại, khoán 10 trong đào tạo Tiến sĩ  sẽ nhanh về đích.

Nếu Bộ GD&ĐT vẫn duy trì Phản biện kín trong bảo vệ luận án Tiến sĩ, thì sẽ đưa các nhà khoa học “Thầy bói mù xem voi” vào tranh luận trong bóng tối và kìm hãm bước phát triển khoa học.

PGS.TS Ngô Tứ Thành – trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Nguồn tin: dantri.com.vn


Hà Nội   Lãnh đạo   Việt Nam   hành vi   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...