09/04/2021 15:06  
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết vừa phát hiện bảng tên bằng đá, có khắc 3 chữ Đoan Gia môn (Cửa Đoan Gia) một công trình tại Lục viện, nơi ở của phi tần trong Tử Cấm Thành triều Nguyễn - Đại nội Huế
Hiện vật được phát hiện khi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành làm vệ sinh cảnh quan trong khu vực Lục Viện. Theo đó, bảng tên bằng đá được phát hiện có kích thước 90x33 cm, dày 8,5 cm, xác định nguyên được gắn trên cửa Đoan Gia, một trong các cửa để đi vào khu Lục viện.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cửa này đã được sử sách ghi lại rất cụ thể trong quá trình xây dựng và mở rộng khu Lục viện. Đây là hiện vật còn sót lại rất quan trọng, giúp cho quá trình nghiên cứu về cuộc sống và phân khu trong khuôn viên Lục viện. Hiện nay, tấm bảng mang tên Đoan Gia Môn được chuyển về lưu trữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn khu vực Lục viện trong tương lai.

Lục viện không chỉ có 6 viện

Cũng theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Lục viện bao gồm các viện được các vua nhà Nguyễn lần lượt cho xây dựng làm nơi ăn ở của các bà phi tần trong Tử Cấm Thành.
Lục viện là bao gồm 6 viện nên mới có tên gọi này. Tuy nhiên, tra cứu trong sử nhà Nguyễn thì Lục viện không phải chỉ có 6 viện dành cho cung tần mỹ nữ mà tùy theo từng thời kỳ số lượng các viện không giống nhau.
Dưới thời Gia Long, Lục viện chỉ có viện Thuận Huy và điện Trinh Minh (xây năm 1810 dành cho các bà Nhất, Nhị giai phi), thời Minh Mạng có 6 viện, đến đầu thời Thiệu Trị sau khi xây thêm hai viện Đoan Thuận, Đoan Hòa (1843) thời điểm này Lục viện đã lên đến 11 viện (Thuận Huy viện, Tần Trang viện, Lý Thuận viện, Đoan Huy viện, Đoan Trang viện, Đoan Tường viện, Đoan Chính viện, Đoan Thuận viện, Đoan Hòa viện, Đông Tòng viện, Tây Tòng viện) và 1 điện là Trinh Minh.
Nếu tính cả điện Trinh Minh chỗ ở dành cho các bà Nhất, Nhị giai phi, thì Lục viện cũng có số lượng là 12 cung, viện tương tự như Lục Viện của Tử Cấm Thành - Bắc Kinh. Điều này cũng phù hợp với kiến trúc trong Hoàng cung thường lấy con số 9 làm quy chế xây dựng, ở Lục Viện lại dùng số 6 phù hợp với cách nói "hậu lập lục cung".
Sau biến cố tháng 2.1947, khu Lục viện đã bị sụp đổ và cháy hoàn toàn được ông Nguyễn Bá Chí, chuyên viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) báo cáo trong bản tường trình về tình trạng Hoàng cung ở Huế.

Nguồn tin: thanhnien.vn


ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...