27/02/2021 12:10  
thời nào cũng thế, đánh đập hay sỉ nhục học sinh chưa bao giờ là phương pháp giáo dục tốt cả, đã ai thống kê được số học sinh thời xưa nhờ bị các cô giáo dục bằng cách đánh đập mà nên người chưa?

Cho cả lớp cào mặt, tát học sinh;  nhét giẻ lau vào mồm học sinh, bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau; đánh học chân bầm chân tay, bắt ăn ớt... những hình phạt kì quái, không có nhân tính trong môi trường giáo dục này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của các vị phụ huynh cũng như toàn xã hội.

Chúng ta cũng chưa thể quên vụ việc một nữ sinh lớp 7 ở tỉnh An Giang mới đây đã chọn cái chết để phản đối cách xử phạt của nhà trường, là kiểm điểm em dưới cờ - trước toàn trường, một hình thức xử phạt phản giáo dục đã bị Bộ Giáo dục yêu cầu cấm thực hiện...

Vậy phạt học sinh bằng cách quỳ gối trước lớp; dùng thước đánh vào tay trò khi viết chữ xấu, gọi học sinh lên trước lớp và mắng mỏ... liệu có là cách dạy để trò nên người?

Cộng đồng mạng mới đây đã "được dịp" xôn xao về hình ảnh một cậu học trò bị phạt quỳ gối dưới bảng, kèm theo là một bài thơ được cho là của cháu Thế Mạnh ở huyện Thanh Chương - Nghệ An.

Bài thơ có tiêu đề Mẹ ơi!, Dân trí xin dẫn đăng:

Mẹ ơi!

Nếu một ngày người quỳ gối là con

Mẹ có giận hay trách hờn cô giáo?

Vì dạy học mà nặng tay chỉ bảo

Để cho con rèn giũa đạo làm người

Con biết rằng cô mắng nạt con thôi

Mẹ sẽ nói với cô lời ác ý

Nhưng mẹ ơi có bao giờ mẹ nghĩ

Cô phạt con là có lý hay không?

Trong lòng mẹ sao phải nổi bão giông?

Khi đứa con từng bế bồng chăm sóc

Đi đến trường không nghe lời, nhác học

Phải quỳ gối ở trong góc một mình

Mẹ phải hiểu con đang tuổi học sinh

Con chẳng sợ những phê bình kiểm điểm

Mà chỉ sợ hình phạt cô chủ nhiệm

Phạt để con rút kinh nghiệm lần sau

Con quỳ gối mẹ đừng sợ con đau

Nếu không muốn con mai sau sa đọa

Không chịu học sống lọc lừa dối trá

Bởi là do cha mẹ quá nuông chiều

Nếu muốn con lớn lên sống biết điều

Hãy để cô phạt thật nhiều mẹ nhé!

Dạy con cái phải từ khi còn trẻ

Không bạo hành mẹ cứ để vậy đi

Sinh con ra mẹ chẳng dạy được chi

Không dám đánh cũng là vì thương xót

Muốn cho cây có hoa thơm trái ngọt

Thì người ta phải nắn nót khi trồng.

Nhiều quan điểm của các vị phụ huynh được đưa ra xung quanh chủ đề này, các quan điểm thể hiện rõ ở 2 góc cạnh là: ủng hộ việc xử phạt học sinh nghiêm khắc, thậm chí giáo viên có thể bắt quỳ phạt hoặc đánh vào tay học sinh nếu cần thiết, theo kiểu "thiết quân luật"; đối lập lại là quan điểm không chấp nhận việc xử phạt học sinh bằng những hình thức đánh đập hay sỉ nhục mà phải kỷ luật theo đúng phương pháp giáo dục!

Bình thường mà, ngày xưa đi học cũng bị thế suốt!

Nhiều bậc phụ huynh như thấy hình ảnh thời xưa của mình, và thấy biết ơn vì ngày xưa thầy cô đã từng nghiêm khắc với mình như thế: "Ngày xưa mình viết chữ xấu, cô giáo lớp 1 đánh thước vào tay tím luôn và mình luôn biết ơn cô";

"Lớp 1 mình bị cô chủ nhiệm véo tai, cốc đầu bằng nhẫn hột xoàn to bự, ghè tay bằng thước kẻ gỗ lim to đùng... nhớ và biết ơn cô mãi đến tận giờ. Bản thân mình không sợ thầy cô nghiêm mà sợ nhất là thầy cô thờ ơ không quan tâm tới học sinh. Thấy học sinh yếu kém về mọi mặt mà vẫn luôn mồm bảo là con học tốt với con ngoan".

Một vị PH cho rằng: "Mọi người cứ dạy trẻ con quyền này quyền kia mà quên mất rằng cũng phải dạy các con trách nhiệm và nghĩa vụ"; quan điểm này đã vấp phải sự phản đối: "Bản thân mình ủng hộ việc các con khi không học hay chưa ngoan thì bị phạt nhưng hình thức này mình cực lực phản đối dù cô giáo có đưa ra bất cứ lý do gì để dùng hình thức phạt này!".

"Nếu cô giáo dạy bảo để nên người, quỳ cũng không sao cả, ngày xưa mình cũng bị thế suốt mà, có sao đâu"; "Quỳ như thế này là bình thường, hư mới chết, quỳ không chết được. Hư là phải phạt, không tự dưng mà giáo viên phạt học sinh thế này đâu". 

"Đây không phải là giáo dục mà làm nhục học trò!"

Nhiều vị phụ huynh có chung quan điểm cực lực phản đối hình thức phạt học trò trước cả lớp, hiện ngành giáo dục đã cấm các trường sử dụng hình thức phạt cảnh cáo, khiển trách học sinh trước toàn trường thì việc phạt trước cả lớp cũng là một cách giáo dục phản giáo dục.

"Đã là giáo viên thì nên dùng biện pháp sư phạm để dạy học sinh, quỳ không phải là biện pháp";

"Bài thơ hay nhưng mình cực lực phản đối hình thức kỷ luật bắt học sinh quỳ! Đấy không phải là giáo dục mà là làm nhục học trò! Không thể giáo dục đạo đức cho học trò bằng một hành vi vi phạm nhân phẩm người khác như vậy. Có nhiều cách để giáo dục thay vì bắt các con quỳ gối trước mặt rất nhiều người;

"Giáo dục chứ không phải xỉ nhục, tôi không đồng ý hình thức giáo dục như thế này"

"Giáo dục có nhiều phương pháp nhân văn và hiệu quả để xử phạt học sinh chứ không được sỉ nhục con trẻ như thế này. Đánh đập hay sỉ nhục… đều không thể chấp nhận được"

"Quỳ, tát, chửi mắng, miệt thị... là một trong nhiều hình thức phạt mà một số thầy cô đã áp dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều cách giáo dục khác nhau của thầy cô giáo với học sinh, chứ không phải lúc nào cũng áp dụng hình thức nặng nhất như thế này.

Mỗi đứa trẻ có tính cách khác nhau, nếu dập khuôn đứa trẻ này vào đứa trẻ khác thì không được. Chính vì thế, giáo viên là nghề vô cùng khó khăn, nhiều đứa trẻ cần thầy cô nhẹ nhàng, phân tích là chúng ổn lên (nhưng sau lại quên, cô lại phải nhắc nhở). Có cháu lại cần mắng mỏ, dọa nạt. Có cháu sợ nhất cô miệt thị, mắng mỏ mà cô cứ mắng mỏ, nó sẽ tìm cách chống chế cô, như thế, hình thức phạt của cô không có tác dụng như mong muốn nữa";

"Bạn đi làm mà sai sếp bắt bạn quỳ coi cảm giác bạn thế nào? Trẻ con cũng có tự trọng và sĩ diện của chúng chứ";

"Tôi có cậu bạn thân, hồi bé anh em cậu ấy hay bị bố mẹ đánh mỗi khi phạm lỗi; và giờ đây tôi lại chứng kiến mỗi khi vợ con của mấy anh em cậu ấy mắc lỗi gì thì họ lại đánh vợ con. Ở thời nào cũng thế, đánh đập hay sỉ nhục học sinh chưa bao giờ là phương pháp giáo dục tốt cả, đã ai thống kê được số học sinh thời xưa nhờ bị các cô giáo dục bằng cách đánh đập mà nên người chưa mà ở trên có mấy vị phụ huynh lại cho đó là "cái ơn" để nhớ mãi?".

Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy gửi ý kiến của mình vào khung bình luận bên dưới nhé!

Khả Vân 

Nguồn tin: dantri.com.vn


Dạy con   Giáo dục   Trẻ con   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...