30/10/2020 9:30  
Giao ban Quản lý nhà nước quý III/2020, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu ngành TT&TT phát huy vai trò trong các tình huống thiên tai, dịch bệnh, chẳng hạn như áp dụng giải pháp pin đặc biệt trong những vùng bị thiên tai.

Để tránh chuyện người dân bị mất sóng điện thoại, không thể liên lạc, kêu gọi sự cứu trợ, hỗ trợ thì Cục Viễn thông phải cùng với các nhà mạng bàn phải pháp, lên kế hoạch hành động đảm bảo thông tin liên lạc; lập quy hoạch các trạm phát sóng cho các doanh nghiệp chia nhau cùng làm.

Không chỉ cần có mì tôm cứu đói, người dân bị thiên tai, bão lũ còn cần có giải pháp pin đặc biệt (ví dụ như pin có thể sử dụng trong vòng 7 ngày) để duy trì liên lạc bằng điện thoại. Các cơ quan chức năng và cộng đồng có thể sử dụng hệ thống GPS để nhanh chóng tìm kiếm những người bị mất tích do sạt lở đất.

Ứng phó tình huống khẩn cấp

Bộ trưởng đánh giá cao hệ thống báo chí – truyền thông, mạng xã hội, hệ thống nhắn tin qua mạng viễn thông, hệ thống loa phường, loa xã đã phát huy tốt vai trò của mình trong phòng chống dịch Covid-19. Chỉ trong thời gian rất ngắn, ứng dụng Bluezone đã có 23 triệu lượt tải. Chưa ứng dụng nào có hiệu quả lớn và số lượng tải trong thời gian ngắn lớn như vậy.

Thời gian tới, khi Việt Nam mở cửa trở lại, cần tiếp tục duy trì Bluezone để có thể chung tay xử lý nhanh chóng, hiệu quả nếu dịch bệnh tái bùng phát.

Phải “đi trước” thay vì “đi cùng các nước”

“Chúng ta cần dám nghĩ những việc lớn. Thay vì việc “đi cùng” các nước, giờ phải “đi trước” mới có thể phát triển tốt, tạo được sự thay đổi vượt bậc”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ công bố các nền tảng số cơ sở để đẩy nhanh ứng dụng CNTT, công bố các ứng dụng đạt chuẩn và giá của các ứng dụng cơ bản, qua đó tăng sự tin cậy cho các bộ, ngành, địa phương.

Quan điểm của Bộ TT&TT là phát triển công nghệ theo hướng mở; thu hút sự tham gia của nhiều nước, tạo niềm tin số. Đặc biệt, cần lưu ý sự hợp tác xây dựng chính sách. Các đơn vị trong Bộ khi ban hành văn bản pháp luật cần phải tham vấn các doanh nghiệp cũng như các đối tượng chịu sự quản lý của chính sách sắp ban hành. Các doanh nghiệp cần đầu tư bộ phận nghiên cứu, phản biện, đề xuất chính sách. Khi có đề xuất mới có thể trực tiếp gửi tới lãnh đạo Bộ.

 VietNamNet

Nguồn tin: ictnews.vietnamnet.vn


Covid   Covid-19   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   hợp tác   quy hoạch  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...