20/10/2020 17:20  
Tái cơ cấu lại nền kinh tế đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập, trong đó cơ chế quản lý tài chính, quản lý cán bộ tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích, tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước.

Chiều nay (20/10), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết thể chế, chính sách và hệ thống pháp luật thúc đẩy cơ cấu lại DNNN tiếp tục được hoàn thiện. Cổ phần hóa và thoái vốn tại các DNNN có tín hiệu khả quan, thực hiện thoái vốn nhà nước thành công tại một số DNNN quy mô lớn. Số nhóm ngành, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giảm mạnh.

Tuy nhiên, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nâng cao chất lượng quản trị và năng lực cạnh tranh của DNNN còn chậm so với kế hoạch.

“Quy định và chính sách hiện hành chưa tạo cho DNNN có đầy đủ các quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để vận hành theo cơ chế thị trường. Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chưa thật rõ ràng và phù hợp; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm.

Cơ chế quản lý tài chính, quản lý cán bộ và lao động chưa tạo động lực và trách nhiệm để nâng cao hiệu quả DNNN; vẫn còn tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích, tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Người đứng đầu ngành KH&ĐT cũng thông tin về các quy định về vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp trong các Luật, như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng còn nội dung thiếu nhất quán, cần phải điều chỉnh dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.

Về tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng khung chính sách quản lý đầu tư công được cải thiện, đồng bộ, nổi bật với việc ban hành Luật Đầu tư công năm 2019 thay thế Luật Đầu tư công năm 2014 và 04 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công năm 2019. Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được nâng cao, giảm tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công được tăng cường. Các quy định về công khai, minh bạch và giám sát đầu tư cộng đồng giúp cho người dân có thể phát huy quyền giám sát trong các hoạt động đầu tư công. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những năm qua còn chậm; hiệu quả đầu tư công được cải thiện, song còn chưa đáp ứng được với yêu cầu của nền kinh tế cũng như trong tương quan cạnh tranh với các khu vực kinh tế khác.

Đề cập tới việc cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng (TCTD), vị Bộ trưởng này cho biết tiếp tục có chuyển biến, đóng góp đáng kể vào hiệu quả hoạt động của các TCTD và ổn định hệ thống tài chính. Xử lý nợ xấu tại các TCTD được thực hiện thực chất và hiệu quả hơn; lãi suất cho vay trung bình giảm, dòng vốn tín dụng chuyển dịch nhiều hơn vào các ngành sản xuất để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Việc triển khai Basel II được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn.

“Tuy nhiên, việc thực hiện cơ cấu lại đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gặp khó khăn về bổ sung vốn; tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có cổ đông lớn là các Tập đoàn/Tổng Công ty nhà nước còn chậm; nợ xấu vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động bởi dịch Covid-19” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thực hiện cơ cấu lại và phát triển nhanh các ngành dịch vụ, duy trì tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP: Cơ cấu lại khu vực dịch vụ được tích cực triển khai theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm có năng lực cạnh tranh.

Ngành du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ chưa cao, chưa tương xứng tiềm năng. Hệ thống phân phối còn bất cập, chưa kết nối hiệu quả, thông suốt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Các ngành dịch vụ mang tính chất “động lực” hay “xương sống” của nền kinh tế như tài chính - tín dụng, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Mức độ tham gia của tư nhân trong phát triển dịch vụ còn thấp.

Đánh giá chung kết quả tăng trưởng kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện năm 2019, toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt mục tiêu được Quốc hội thông qua. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02%, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,9% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt khoảng 269 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục thực hiện nhằm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016-2020 đồng thời bổ sung các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế với bước đi phù hợp.

Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Nghị định   Tập đoàn   chính sách   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   sản xuất   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...