27/01/2021 10:40  
Với mục tiêu cung ứng nguồn nông sản an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các DN, hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đến nay, Hà Nội đã dẫn đầu cả nước về phát triển chuỗi nông sản an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Hiệu quả kinh tế cao

Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, những năm qua, HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) đã xây dựng chuỗi rau Văn Đức. "Với diện tích 250ha sản xuất rau an toàn, trong đó có 15ha sản xuất theo quy trình VietGAP, trung bình mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường 50 tấn rau các loại, mang lại hiệu quả kinh tế 450 - 500 triệu đồng/ha/năm" - Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho hay.

Tương tự, từ khi tham gia chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ (năm 2018), gà Mía Sơn Tây đã được nhiều đơn vị ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây Nguyễn Quốc Quân chia sẻ, với quy mô chăn nuôi 100.000 con gà, hiện chuỗi cung cấp ra thị trường 0,5 tấn thịt gà/ngày và hơn 1 triệu con gà giống/tháng, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Đây là 2 trong số 141 chuỗi liên kết nông sản an toàn trên địa bàn Hà Nội phát huy hiệu quả, tạo nguồn cung thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô. Đáng chú ý, các hộ sản xuất, HTX tham gia chuỗi liên kết giúp gia tăng giá trị sản phẩm lên 10 - 15% so với khi chưa sản xuất theo chuỗi. Nhiều sản phẩm đã tìm được thị trường đầu ra ổn định là hệ thống cửa hàng phân phối tiện ích, bếp ăn tập thể...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Đến nay, cả nước có 1.642 chuỗi liên kết nông sản thì Hà Nội có 141 chuỗi (chiếm 8,8%). Đây là điều kiện thuận lợi cho TP kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường và ổn định khâu tiêu thụ. Từ đó, tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Thủ đô ở thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi

Việc xây dựng chuỗi nông sản an toàn mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng, tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, sự kết hợp giữa các khâu trong chuỗi còn lỏng lẻo, với trồng trọt, sản phẩm chưa có tính rải vụ, phần lớn tiêu thụ ở dạng tươi, không qua sơ chế. Trong chăn nuôi, việc kết nối các khâu giết mổ, sơ chế, bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm còn khó khăn do chăn nuôi và giết mổ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao. Chưa kể, việc kết nối DN trong bao tiêu sản phẩm cho nông dân chưa chặt chẽ dẫn tới giá nông sản không ổn định.

Nhằm tạo động lực mới phát triển các chuỗi nông sản, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, TP đã và đang đưa ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi về chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hạ tầng phục vụ liên kết; giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm... Mặt khác, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường kết nối các đơn vị, HTX sản xuất, chế biến, xuất khẩu có lợi thế của từng địa phương với DN, siêu thị, chuỗi phân phối… từ đó đẩy mạnh phát triển chuỗi nông sản an toàn.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Hà Nội   Kinh doanh   Nghị định   chính sách   dịch vụ   hợp tác   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...