22/10/2020 21:15  

Đô thị thông minh giúp nền kinh tế chuyển mình

Chiều 22-10, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đã đồng chủ trì và tổ chức diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) với chủ đề “Đô thị thông minh - hướng tới Cộng đồng, Bản sắc và Phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.

Phát biểu tại diễn dàn, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương –cho rằng việc phát triển đô thị thông minh là cần thiết khi dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu tạo ra những tác động tiêu cực trên toàn cầu. Đặc biệt, hơn một nửa dân số tại các quốc gia ASEAN đang sinh sống tại các đô thị - đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao, gồm: tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường, sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết Việt Nam đang ở cấp độ đầu tiên trong năm cấp độ phát triển của đô thị thông minh. Vì vậy việc cần làm là  mở rộng quan hệ hợp tác, tích cực trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới để thúc đẩy quá trình đô thị thông minh của Việt Nam, gắn kết với sự thịnh vượng chung của khu vực ASEAN.

Theo ông Hà, Việt Nam cần xác định rõ bản chất của đô thị thông minh là sự liên kết, chia sẻ và tích hợp thông tin, phát triển theo chiều sâu, đổi mới cơ chế và thể chế. Vì vậy Bộ Xây dựng - với vai trò là bộ quản lý ngành - sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, với các tổ chức trong và ngoài nước liên quan để thúc đẩy mạnh quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam theo những chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.

Ông Hà chia sẻ: “Thực tế phát triển đô thị ở Việt Nam đã cho thấy cần những thay đổi lớn về tư duy quản lý phát triển đô thị để đảm bảo rằng quá trình này sẽ đóng góp toàn diện vào mục tiêu trở thành nước thu nhập cao trong thập kỷ tới”.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết Việt Nam sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, sự thông minh của đô thị được xác định ở nhiều yếu tố. Về tầm nhìn, cần lựa chọn thúc đẩy đô thị hóa nhanh, xây dựng hệ thống đô thị hiệu quả về liên kết và chia sẻ chuỗi giá trị.

Ông Hà cũng nhấn mạnh việc phải chuyển đổi mô hình phát triển đô thị dựa trên thâm dụng tài nguyên sang sử dụng hiệu quả tài nguyên, đi sâu vào chất lượng và tăng khả năng tự phục hồi, tái tạo, thực hiện phát triển theo mô hình xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, có bản sắc và văn minh đô thị, hướng đến phát triển bền vững.

Về quy hoạch đô thị thông minh, ông cho biết Chính phủ sẽ từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công cụ phân tích dữ liệu để nâng cao chất lượng của quy hoạch cũng như quản lý xây dựng theo quy hoạch. Đông thời, đưa những yếu tố thông minh vào nội dung về xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch.

Về quản lý thông minh, sẽ thực hiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số để nâng cao năng suất, chất lượng của bộ máy chính quyền, đồng thời là công cụ chủ yếu để hình thành và củng cố các cơ sở dữ liệu nền tảng.

“Quản lý thông minh tập trung vào lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài nguyên, quản lý nguồn lực phát triển đô thị”, người đứng đầu ngành xây dựng cho biết.

Về cung cấp tiện ích thông minh, việc này theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân cũng như phát triển năng lực của cộng đồng trong bối cảnh mới, mà còn nằm trong nhiệm vụ thiết lập nền tảng hạ tầng xã hội thông minh, kết nối các nguồn lực xã hội – gồm tiện ích hạ tầng (phần cứng) và nguồn nhân lực chất lượng cao – để sử dụng hiệu quả hơn.

“Các tiện ích này giúp kết nối nguồn nhân lực gồm: bác sỹ, kỹ sư, các nhà tri thức để cùng đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đô thị và quốc gia”, ông Hà chia sẻ.
Cũng theo ông Hà, việc phát triển các ứng dụng thông minh sẽ dựa trên nguyên tắc kế thừa hệ thống cơ sở dữ liệu đã được tích lũy.

Về xây dựng tiềm lực đề phát triển đô thị thông minh bền vững, sẽ gồm các nội dung: Đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực; Phát triển nghiên cứu chế tạo, ứng dụng khoa học công nghệ đô thị thông minh; Thúc đẩy các hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ và phát triển đô thị thông minh bền vững.

Không phát triển đô thị thông minh theo phong trào

Tại diễn đàn, Ông Vivian Balarkrishnan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore đã có đã có bài phát biểu trực tuyến về “Phát triển quốc gia thông minh của chúng tôi: Kinh nghiệm của Singapore”. Theo ông Vivian, tầm nhìn quốc gia thông minh của Singapore là xây dựng một nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ - cho phép sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề trong thế giới thực nhằm mang lại lợi ích cụ thể cho người dân theo cách thức toàn diện và lấy công dân làm trung tâm.

Ông nhấn mạnh ba nguyên tắc quan trọng trong phát triển thành phố thông minh, gồm: cơ sở hạ tầng, tính toàn diện, khả năng tương tác.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra không gian mới cho phát triển đô thị thông minh - không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn dự báo các rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn – qua đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị. Vì vậy, Việt Nam xác định xây dựng đô thị thông minh là một trong ba nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ đã ban hành chính sách phát triển Đô thị thông minh bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030. Ngoài ra, ba thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng đã tham gia mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN (ASCN).

Thủ tướng cho rằng, phát triển đô thị thông minh thực sự làcuộc chơi lớn nên cần có những “người cùng chơi” có tầm nhìn” và “tiềm lực để hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững.

“Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo ông, Việt Nam sẽ phát triển đô thị thông minh với một số yêu cầu, gồm: Có sự gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh; Xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam.

Ngoài ra, việc phát triển đô thị thông minh phải dựa trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương.

“Không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình”, Thủ tướng dặn dò.
Theo Thủ tướng, các địa phương cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh. Đồng thời, thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh song song với phát triển các tiện ích thông minh cho đô thị.
 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   HCM   Kinh tế   TPHCM   Việt Nam   hạ tầng kỹ thuật   quy hoạch   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...