20/01/2021 19:45  
Content_lblContentHtml">

Chia sẻ tại tọa đàm "Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng “đen" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 20-1, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, đánh giá tình trạng phát triển rầm rộ của tín dụng đen đang là vấn nạn rất lớn hiện nay.

Theo ông Tú, quan điểm của ngành Ngân hàng luôn coi việc đấu tranh xóa bỏ tệ nạn tín dụng đen trong xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và được triển khai liên tục trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Do đó, ở góc độ là đơn vị quản lý các trung gian tài chính, Phó Thống đốc cho biết nhiệm vụ của các tổ chức tín dụng sẽ là đẩy mạnh các hoạt động cho vay chính thức, đặc biệt là cho vay tiêu dùng, để “lấn sân” và kiên quyết tiến tới xóa bỏ tín dụng đen.

“Cần chú trọng đến cho vay tiêu dùng, coi tiêu dùng là hướng đầu tư mới của các tổ chức tín dụng, vì xu hướng hiện nay là tiêu dùng quyết định sản xuất”, Phó Thống đốc cho biết.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết cơ quan quản lý đã xây dựng cơ chế chính sách cho việc mở rộng tín dụng tiêu dùng. Theo đó, các nhu cầu chính đáng, cấp bách của người dân như đi khám chữa bệnh, học hành…, thì sẽ được tạo điều kiện tiếp cận tối đa về tín dụng.

Tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho các hộ nghèo cũng là điều mà NHNN đang tìm hiểu và tính toán. “Bà con nghĩ ngân hàng khó vay, nên không bao giờ đến ngân hàng cả, không biết xã mình có bao nhiêu ngân hàng”, ông Tú chia sẻ trường hợp khảo sát tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Phó thống đốc cũng dẫn lại trường hợp thành công của Ngân hàng chính sách xã hội, hiện đang là đơn vị cho vay theo chính sách vì tính hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp. Do đó, trong tương lai, không chỉ có các ngân hàng chính sách mà còn có thể các ngân hàng thương mại cũng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa với những chương trình cho vay đặc thù, có sự tham gia của nhiều bên.

Trong khi đó, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Agribank, đơn vị có 50% tín dụng tập trung ở thị trường nông thôn, đánh giá mỗi vùng miền có sự tiếp cận và tập quán vay khác nhau. “Cơ bản nhiều người dân ngại thủ tục, vô tình vướng phải tín dụng đen do thiếu hiểu biết”, ông Vượng cho biết.

Tuy nhiên, Phó thống đốc cũng nhấn mạnh các hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc và tuân thủ pháp luật, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn của chính tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo NHNN, câu chuyện tín dụng đen còn gắn liền với các tệ nạn khác trong xã hội như lô đề, bài bạc… nên việc xóa bỏ tín dụng đen cũng đồng nghĩa với việc chung tay góp sức của nhiều bộ, ban ngành khác nhau.

Về phía quản lý nhà nước, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng Hà Thu Giang cho biết trong hơn một năm qua, NHNN đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận vốn chính thức. Chẳng hạn như Thông tư 18 sửa đổi, bổ sung hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, Thông tư 01 hỗ trợ tái cơ cấu nợ vì Covid-19, triển khai cho vay tái cấp vốn lãi 0% đối với người lao động; Tăng mức cho vay các hộ nghèo và chính sách; đề án mobile money; thí điểm sandbox cho fintech và kế hoạch phát triển tài chính toàn diện ở quy mô quốc gia.

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   NHNN   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...