23/12/2020 13:25  
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam sẽ là một phần của thế giới, luôn cởi mở hợp tác để các ứng dụng công nghệ của đất nước đến với nhiều quốc gia.
Mới nhất Cũ nhất
  • 12h13

    'Cùng nhau đưa Việt Nam thành quốc gia hùng cường về công nghệ'

    Là người chia sẻ cuối trong phiên sáng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng gửi lời cảm ơn đến tất cả các diễn giả và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. "Ngày hôm nay chúng ta hãy cùng nhận sứ mệnh mà Phó Thủ tướng giao để phát triển kinh tế, đất nước", ông Hùng nói.

    Theo Bộ trưởng, phải đặt những mục tiêu cao để biến những điều không tưởng thành khả thi. Từ những câu chuyện cách đây hàng chục năm, Việt Nam thuê công ty nước ngoài tạo dựng nền móng để thấy rằng không gì là không thể. Trong một bối cảnh thế giới biến động, cơ hội cho Việt Nam là rất lớn.

    "Vì thế chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia hùng cường về công nghệ và là nước phát triển vào năm 2045", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.

    Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tạm nghỉ trưa và sẽ tiếp tục phiên làm việc buổi chiều từ 13h30. Tại đây, các diễn giả đến từ những doanh nghiệp hàng đầu sẽ bàn thảo về con đường phát triển Make in Viet Nam và cách các doanh nghiệp số thúc đẩy phát triển quốc gia.

  • 12h00

    Việt Nam có quyền tự tin để phát triển 

    Phó thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam có quyền tự tin để phát triển và thực hiện chiến lược về công nghệ. "Chúng ta không lạc quan 'tếu', nhưng nếu có tự tin và đồng lòng thì có thể làm được", ông nhận định và cho biết, một trong những điểm Việt Nam có thể tự tin là sự phát triển mạnh mẽ trong giáo dục và chỉ số sáng tạo.

    "Dù chúng ta không hài lòng giáo dục nước nhà, nhưng trong con mắt thế giới, giáo dục Việt Nam vẫn rất tốt, giáo dục phổ thông tiệm cận chuẩn giáo dục của OECD, giáo dục đại học từng bước nâng hạng. Các chỉ số khác trên bảng xếp hạng quốc tế như thu nhập bình quân, GDP... chúng ta đều đứng thứ 70 - 80, nhưng chúng ta có chỉ số giáo dục khá cao, đặc biệt đổi mới sáng tạo luôn nằm trong top 50", phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu dẫn chứng cho việc Việt Nam có thể tự tin về giáo dục và sáng tạo để phục vụ sự phát triển công nghệ.

    Ông cho biết, sự tự tin về lòng yêu nước cũng sẽ giúp Việt Nam phát triển mạnh hơn, khơi dậy sự sáng tạo và sức mạnh toàn dân để vượt qua những thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua. "Dù không hài lòng, chúng ta vẫn thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới trong hơn 20 qua", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

    Năm nay, xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đứng thứ 49 trên thế giới. Nếu đối chiếu khát vọng chung của thế giới với Việt Nam thì rất phù hợp với các tiêu chí từ hoà bình, chăm lo cho những người yếu thế đến bảo vệ thiên nhiên. "Tại sao một quốc gia thu nhập trung bình ngoài 100 nhưng phát triển bền vững dưới 50, điều này thể hiện tính ưu việt của chính sách và hệ thống chính trị", Phó thủ tướng nói. Từ những yếu tố trên, đội ngũ công nghệ số có thể tự tin để phát triển nhanh hơn, đẩy mạnh tốc độ phát triển.

    Ngành công nghệ là một trong những lĩnh vực được đầu tư để Việt Nam tạo ra sự phát triển bứt phá, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao nhân dịp 100 năm thành lập nước. Phó thủ tướng cho rằng, phần lớn tất cả các sản phẩm được vinh danh trong sự kiện hôm nay đều hướng đến các nhu cầu thiết yếu của con người như sức khoẻ, học tập, giao thông, vui chơi. Nếu làm tốt sẽ góp phần giúp đất nước phát triển bền vững.

    Ông nhấn mạnh Việt Nam có thể tự tin dùng các giải pháp của mình để phát triển, trong đó công nghệ được trao sứ mệnh tiên phong.

  • 11h40

    'Make in Viet Nam không hàm ý Việt Nam sẽ làm tất cả'

    Phát biểu bế mạc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc mừng tới các doanh nghiệp đạt giải trong cuộc thi, nhưng đề nghị dành tràng pháo tay dài hơn cho tất cả 239 sản phẩm đã mạnh dạn, tự tin tham gia vào cuộc thi đầu tiên. "Dù được vinh danh hay không, đây là điều chúng ta trân trọng. Chúc mừng Bộ Thông tin Truyền thông đã tổ chức diễn đàn, chính thức định danh cộng đồng doanh nghiệp số - một bước đầu rất quan trọng", Phó thủ tướng nói.

    Chia sẻ điều đặc biệt của ý nghĩa con số 12 trong ngày 12/12, được đề nghị là ngày doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Phó thủ tướng nói: "Số 1 và số 2 đặt cạnh nhau như nhịp bước mốt hai mốt. Ngày 12 nằm trong ý tưởng ấy, chúng ta cần đồng lòng, đồng sức, bước cùng nhau".

    Người Việt Nam được khơi dậy niềm tự hào, khát vọng, thôi thúc từng bước làm chủ công nghệ, chủ động để sáng tạo ra các giải pháp mới, thiết kế sản phẩm mới chứa hàm lượng trí tuệ của người Việt Nam.

    "Việt Nam không đứng đầu thế giới về trình độ y tế, nhưng chúng ta chống được dịch, điều mà nhiều nước không làm được. Chúng ta vẫn cảnh giác và không chủ quan, có giải pháp, với tâm thế biết mình đang ở đâu, điểm mạnh, hạn chế là gì, từ đó có giải pháp đúng, nhanh và kịp thời. Kết quả này là tập hợp của cả đội ngũ chuyên gia, kể cả những người không làm y tế, và nhờ công nghệ", Phó thủ tướng lấy ví dụ.

    "Nói đến Make in Việt Nam, chúng ta không mong muốn, hàm ý Việt Nam sẽ tự làm tất cả. Việt Nam đặt mình là một phần của thế giới, về công nghệ thông tin, kinh tế, xã hội, với tinh thần cởi mở, hợp tác quốc tế. Tinh thần này luôn luôn phải tiếp tục", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

    table widget
  • 11h10

    Vinh danh các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam

    Đây là năm đầu tiên Bộ Thông tin Truyền thông trao giải thưởng sản phẩm số Make in Viet Nam. Giải thưởng gồm 5 hạng mục: Sản phẩm số xuất sắc, Giải pháp số xuất sắc, Nền tảng số xuất sắc, Thu hẹp khoảng cách số, và Sản phẩm số tiềm nằng. 50 sản phẩm vào Top 10 ở mỗi hạng mục đều là những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.

    14 sản phẩm được vinh danh đều mang đến các giải pháp tiêu biểu, giúp ích cho cộng đồng, thể hiện chất xám, và trình độ công nghệ của Việt Nam và có sức cạnh tranh với thế giới:

    Hạng mục tiềm năng công nghệ số:

    Nhất: AI Smart Warning - nhận diện và đưa ra cảnh báo qua camera AI giám sát.

    Nhì: Mô phỏng 3D cơ thể người - "Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe" của trường Đại học Duy Tân.

    Thu hẹp khoảng cách số:

    Nhất: VNPT Edu - hệ sinh thái giáo dục thông minh.

    Nhì: Vỏ sò - sàn thương mai điện tử của Viettel Post.

    Ba: Hocmai.vn - dịch vụ giáo dục trực tuyến cho học sinh phổ thông từ lớp một đến lớp 12.

    Giải pháp số xuất sắc:

    Nhất: OneATS - giải pháp số của Công ty One ATS

    Nhì: AI trợ lý bác sĩ DrAid - nâng cao khả năng chẩn đoán hình ảnh chính xác trong X-quang.

    Ba: Viettel OCR - giải pháp nhận diện ký tự tiếng Việt, chuyển từ ảnh sang text.

    Sản phẩm số xuất sắc:

    Nhất: Akabot 2 - giải pháp tự động hoá cho từng quy trình của doanh nghiệp.

    Nhì: Viettel Pay - nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.

    Ba: VNPT eKYC - nền tảng xác thực danh tính người dùng bằng công nghệ hiện đại.

    Nền tảng số xuất sắc:

    Nhất: Base.vn - nền tảng quản trị và điều hành doanh nghiệp số

    Nhì: Be - ứng dụng gọi xe công nghệ

    Ba: FPT.AI - nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện

    table widget
  • 10h20

    Make in Viet Nam đặt chất lượng lên hàng đầu

    Tham dự diễn đàn với phần trình bày về "Niềm tin vào Make in Viet Nam", ông Phạm Kim Hùng - Founder & CEO của Base.vn nêu quan điểm về phát triển sản phẩm, tương lai của công nghệ được phát triển bởi Việt Nam từ nhiều năm khởi nghiệp.

    Vị đại diện Base.vn cho biết, thành lập vào 4 năm trước, khi là một công ty non trẻ, các giải pháp do họ phát triển bị từ chối bởi 100% khách hàng. Tuy nhiên, điều đó đã không khiến đội ngũ phát triển lúc đó dừng bước. "Chúng tôi có một niềm tin rằng công nghệ, phần mềm sẽ là tương lai của thế giới, và một sản phẩm tốt nhất định sẽ có ngày được đón nhận", ông nhấn mạnh.

    Ông Phạm Kim Hùng cho biết: "Niềm tin vào các sản phẩm tốt, và trong thị trường luôn có chỗ cho các công ty tin vào sáng tạo sản phẩm đã giúp Base phát triển và hiện phục vụ 5.000 công ty lớn trong và ngoài nước".

    Sau nhiều năm được nghe chia sẻ của 5.000 CEO với hàng nghìn bài toán quản trị mà họ đang gặp phải và chưa thể tìm được lời giải tốt hơn, Base.vn tin rằng các công ty Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp trên thế giới.

    Trong 4 năm qua, Base đã giúp các doanh nghiệp khách hàng hoàn thành 8 triệu công việc, thực hiện 13 triệu lượt tương tác hàng tháng. Để đảm bảo sức cạnh tranh cho các sản phẩm Make In Viet Nam, Base cho biết các doanh nghiệp cần phải đặc biệt tập trung vào sản phẩm.

    Ông Phạm Kim Hùng cho biết: "Một thực tại mà chung tôi nhận ra là các công ty Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ không những trong nước mà còn trên thế giới. Để chiến thắng trên chính sân nhà và cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung phát triển sản phẩm, luôn làm việc để kiến tạo các sản phẩm tốt hơn trước".

    Theo ông, Make In Viet Nam là phải tìm ra cách để phát triển sản phẩm tốt với mức giá cạnh tranh. Nếu không đảm bảo chất lượng sẽ công thể cạnh tranh một cách lâu dài. Các sản phẩm chuyển đổi số được tạo ra phải có chất lượng tốt nhất.

    Kết thúc phần trình bày, đại diện Base.vn nhấn mạnh: "Make in Viet Nam là sự kế thừa. Đây không chỉ là tinh thần mà còn thôi thúc để các công ty kiến tạo các sản phẩm tốt hơn để Việt Nam và thế giới sử dụng".

  • 10h05

    'Khách hàng dùng sản phẩm Việt là thúc đẩy kinh tế số Việt'

    Đại diện cho nền kinh tế chia sẻ, bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Be Group dành nhiều thời gian để nói về công nghệ và cộng đồng khởi nghiệp.

    "Công nghệ số xoá đi khoảng cách giữa những lĩnh vực, quốc gia, doanh nghiệp. Công nghệ số tạo ra kinh tế số với một tiềm năng rất lớn", bà Hoàng Phương mở đầu.

    Các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài mang đến những giá trị trước mắt, bà Phương nhận ra rằng nếu doanh nghiệp trong nước không đứng lên, làm chủ những mảng kinh doanh cốt lõi sẽ thua ngay trên sân nhà. Người Việt Nam cần làm chủ công nghệ, hệ sinh thái số thuần Việt để cạnh tranh và vươn ra thế giới.

    Với bản thân Be Group, ứng dụng gọi xe đến ngày hôm nay sở hữu 30% thị phần tại Việt Nam, được cho là nỗ lực lớn của một doanh nghiệp Việt trước các đối thủ lớn. Bà Phương mong muốn xây dựng một mạng lưới với vận chuyển, logistics, giao thông, tài chính thanh toán, du lịch. Hệ sinh thái này đảm bảo tính hoàn thiện cho khách hàng khi không phải sử dụng thêm nhiều các ứng dụng khác.

    Be đang phát triển từng yếu tố trong hệ sinh thái của mình nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của khách hàng. Trong 2 năm vừa qua, Be cũng gặp một số khó khăn nhất định. Bà Phương cho rằng khối nội phải cạnh tranh với doanh nghiệp ngước ngoài. Nhiều doanh nghiệp quốc tế đang thâu tóm lẫn nhau, sáp nhập dẫn đến tình trạng độc quyền.

    "Chúng tôi hy vọng sẽ có những chính sách tốt hơn cho doanh nghiệp thuần Việt song song với quy định chung. Các startup là những mầm cây, khi bước ra khởi vườn ươm, chúng tôi mong muốn nhận nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ Chính phủ và khách hàng", bà Phương nói.

    table widget
  • 9h48

    Ngân hàng mở trong kỷ nguyên số

    Đại diện đến từ giới nhà băng, ông Nguyễn Hưng - CEO TPBank chia sẻ về kinh nghiệm thiết lập nền tài chính số Make in Viet Nam trong chính ngân hàng này.

    Là một ngân hàng non trẻ, thành lập năm 2008, 4 năm đầu xếp chót trong bảng xếp hạng các ngân hàng thương mại, nhưng chuyển đổi số, hướng về công nghệ là định hướng ngay từ những ngày đầu của TPBank, đặc biệt khi có cổ đông là các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như FPT, Mobifone, Softbank.

    "TPBank định hướng chuyển đổi số, trở thành ngân hàng công nghệ, ngân hàng số, vì không có sức cạnh tranh với các ngân hàng lớn, lâu đời", đại diện nhà băng chia sẻ.

    Định hướng này đem lại nhiều thành tựu, minh chứng bằng việc từ vị trí đứng thứ 42 trong số các ngân hàng thương mại Việt Nam, hiện TPBank là 1 trong 10 ngân hàng vững mạnh nhất về chất lượng, với tổng tài sản hơn 200 nghìn tỷ, bình quân tăng trưởng 30-40% mỗi năm, nhưng số nhân sự chỉ tăng 4-5%, vì các lao động giản đơn được thay thế bằng công nghệ.

    Hiện TPBank là khách hàng lớn nhất của FPT Akabot, với 70 robot hoạt động ở từng quy trinh khác nhau, mỗi robot thay thế ít nhất một nhân sự hoặc có thể thay thế vài nhân sự toàn thời gian, hoạt động liên tục không ngừng nghỉ.

    Theo ông Hưng, ngân hàng trong thời đại mới chuyển dịch từ các lĩnh vực kinh doanh truyền thống như huy động, cho vay vốn sang coi khách hàng là trung tâm, dữ liệu là quan trọng. Sắp tới, một số mô hình ngân hàng truyền thống sẽ thay đổi, chuyển sang mô hình mới, ứng dụng tự động hóa nhiều hơn, sử dụng trí tuệ nhân tạo nhiều hơn.

    "Ngân hàng phải xây dựng hệ sinh thái, kết nối với các ngân hàng khác, fintech, doanh nghiệp, nhà bán hàng, nền tảng thương mại điện tử... Ngân hàng đang dần dần trở thành ngân hàng mở ", đại diện TPBank nhấn mạnh.

    Tại TPBank, ngân hàng này có hệ thống Livebank giao dịch tự động 24/7 từ năm 2017, hiện có 330 điểm giao dịch toàn quốc. 3 Livebank có thể tương đương một chi nhánh, mang lại trải nghiệm chưa từng có cho khách hàng như mở tài khoản, phát hành thẻ, lấy pin... lấy ngay, đảm đương 80% giao dịch truyền thống.

    Đặc biệt, hệ thống sử dụng Big Data, AI, Machine learning, dùng khuôn mặt và vân tay để giao dịch, ko cần giấy tờ, tài liệu.

    Bên cạnh các sản phẩm dịch vụ, TPBank thực hiện số hoá ngay trong quy trình nội bộ, "phải số hóa, paperless". Ông Hưng cho biết, 90% hoạt động của TPBank hiện không cần dùng giấy tờ. 70 robot triển khai trong ngân hàng, dự kiến tăng lên 140 robot trong năm sau.

    Với ứng dụng Big Data, Blockchain... theo ông Hưng, TPBank là thuộc nhóm các ngân hàng dẫn đầu mà các chứng từ, hồ sơ nhận diện bằng OCR, áp dụng vào các giao dịch trên kênh số và quầy giao dịch, cho phép khách hàng truy cứu lịch sử giao dịch... hay chuyển tiền từ Hàn, Nhật qua công nghệ blockchain.

    "Phương châm của TPBank là nghĩ lớn, làm từ việc nhỏ, triển khai thành công, nhân rộng sang các lĩnh vực khác. Làm sao để mọi người nghĩ chuyển đổi số không quá khó khăn", đại diện TPBank chia sẻ.

    table widget
  • 9h35

    Câu chuyện phát triển AI trong y tế của VinBrain

    Rời bỏ vị trí cấp cao tại Microsoft AI về Việt Nam sau 36 năm sống và làm việc tại nước ngoài, ông Trương Quốc Hùng - Tổng giám đốc Công ty VinBrain chia sẻ 3 câu chuyện phát triển AI trong lĩnh vực y tế với tên gọi Biết, hiều và cảm.

    Câu chuyện đầu tiên - "Biết" được đại diện Vinbrain kể về sự nhận biết tầm quan trọng của một hệ thống trong lĩnh vực y tế. Theo ông, hiện nay nhiều người bị chẩn đoán sai bệnh, dẫn đến hàng loạt hệ quả tiêu cực trong chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, bài toán AI cho ngành y tế chưa có định vị, các giải pháp cho lĩnh vực này chỉ nhận được đầu tư rải rác trên thế giới. "Ai cũng biết điện thoại thông minh với những doanh nghiệp hàng đầu là Samsung, Apple, nhưng Ai cho y tế, chưa nghe thấy tên tuổi đứng đầu", ông Trương Quốc Hùng nhấn mạnh.

    Câu chuyện thứ hai là "Thấy". Ông cho biết trong thời gian về Việt Nam chăm sóc mẹ do bị đột quỵ, nhận thấy nỗi khổ của các bệnh nhân phải xếp hàng trong bệnh viện từ 3-4h sáng để đợi khám bệnh. Ông cái nhìn rõ hơn tương lai và sứ mệnh của mình. Thay vì là một người Việt Nam hợp tác với các kỹ sư nước ngoài để thay đổi thế giới, ông trở về nước và xây dựng AI trong y tế.

    Theo ông, tại Việt Nam, những thách thức cho AI trong y tế là dữ liệu nằm rải rác ở các vùng miền, kiến thức của các bác sĩ thiếu đồng bộ do sự khác biệt trong môi trường đào tạo và kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, Covid-19 đã phản ánh một cách đặc biệt về Việt Nam với một đội ngũ bac sĩ giỏi và Chính phủ phản ứng tốt. Hệ thống 5G và đám mây sẽ giúp Việt Nam phát triển cao trong AI. Chính phủ đã có một tầm nhìn sâu rộng, đặt quyết tâm vào công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Nếu phát triển AI trong y tế, các bác sĩ làm việc với nhau hiệu quả và đồng bộ hơn.

    Câu chuyện cuối cùng là "Cảm". Người đứng đầu VinBrain cho biết, AI trong y tế sẽ giúp giải quyết các bài toán khám chữa bệnh và mang đến ý nghĩa cho cộng động. Đồng thời đẩy mạnh công nghệ chuyển đổi số trong y tế, không phim cứng, bệnh án giấy, tạo ra môi trường làm việc nhanh chóng, liên kết hiệu quả cho bác sĩ và bệnh nhân.

     
     

    Ông Trương Quốc Hùng cho biết, hướng đến giải quyết bài toán cho cộng đồng là một ước mơ. "Hành trình thực hiện ước mơ cũng gắn liền với nỗi sợ thất bại và mất mát, nhưng khi cảm nhận được đều mình đang làm mang lại ý nghĩa trong cộng đồng thì sẽ học được cách trân trọng, yêu những gì mình làm ra".

    Tại VinBrain hiện nay, 95% nhân lực là những người Việt Nam từ nước ngoài cùng hơn 50 bác sĩ chuẩn đoán hình ảnh đầu ngành tại Việt Nam và hội đồng chuyên môn gồm các bác sĩ, giáo sư đầu ngành Đây là đội ngũ đang hợp sức để xây dựng sản phẩm AI cho y tế của Vietnam đạt chuẩn quốc tế và mang chất lượng của người Việt, với 18 loại bệnh có thể chuẩn đoán, nhận 3 bằng sáng chế ở Mỹ và Việt Nam chỉ sau một năm triển khai.

    Tuy nhiên để phát triển hơn nữa hệ thống AI trong y tế, ông Trương Quốc Hùng nhấn mạnh: "AI sẽ không hoàn hảo nên cần sự phát triển thí điểm đánh giá và kết hợp trí tuệ với các doanh nghiệp hàng đầu".

    Vị đại diện VinBrain nhận định, dự án AI luôn cần sự hẫu thuẫn của Chính phủ, bộ, ban ngành trong chế tài về phát triển công nghệ. Để làm AI tốt cần dữ liệu lớn và sạch để tránh rải rác, vì vậy ông kêu gọi sự ủng hộ về chia sẻ dữ liệu để xây dựng thành công cho y tế.

    table widget
    table widget
  • 09h17

    "Việt Nam đã có tên trên bản đồ công nghệ thế giới"

    Trong 15 phút, người đứng đầu Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình đã có những chia sẻ tâm huyết về hành trình phát triển của nền công nghệ Việt Nam. Theo ông cộng đồng công nghệ thông tin Việt Nam, trong đó có FPT hưởng ứng nhiệt liệt hoạt động chuyển đổi số. "Bởi khát vọng làm chủ và sáng tạo công nghệ, muốn Việt Nam vươn ra thế giới đi cùng FPT suốt 20 năm qua", ông Bình nói.

    Chia sẻ 3 câu chuyện khát vọng trong quá khứ, hiện tại và tương lai, ông Bình nhắc lại thời điểm khởi đầu của FPT cách đây 20 năm. Tập đoàn lúc đó đứng trước nhiều khó khăn đã quyết định vươn ra thế giới từ rất sớm với một đội ngũ kỹ sư công nghệ giàu nhiệt huyết. Tuy nhiên những công ty mở cửa tại Silicon Valley (Mỹ) đều phải đóng cửa vì không tạo ra doanh thu. Nhiều năm sau công ty đầu tiên của FPT mở tại Nhật Bản mới có lãi.

    Từ không có khách hàng nào, FPT nay đã có đến 700 khách hàng, trong đó nhiều doanh nghiệp top đầu. Từ một đơn vị nhỏ bé, FPT đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ lớn mạnh không chỉ ở Việt Nam mà cả những thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ.

    Theo ông Bình, lực lượng làm công nghệ thông tin của Việt Nam lúc này đang ở mức tương đương nhiều quốc gia phát triển, có thể giải quyết nhu cầu chuyển đổi số cho Việt Nam và cả các nước khác.

    "Sự thật là Việt Nam đã có tên ở trên bản đồ số thế giới", Chủ tịch tập đoàn FPT khẳng định.

    Đến giai đoạn 2, khi cả thế giới hướng về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, Việt Nam lại đứng trước một cuộc đua mới, nhưng công bằng hơn về điểm xuất phát. 3 năm trước, FPT đã đi vào lĩnh vực nóng nhất của chuyển đổi số là robot tự động hoá. FPT xây dựng akabot, giúp doanh nghiệp tự động hoá quy trình.

    "Chúng tôi ban đầu xây dựng 135 con akabot để xử lý 135 tác vụ. 50 doanh nghiệp thế giới đã đặt mua akabot của FPT. Sản phẩm này đang nằm trong top 6 hay nhất thế giới", ông Bình chia sẻ.

    Kể câu chuyện cuối cùng về tương lai, ông Bình nói kinh tế số là sản phẩm nền tảng và chia sẻ. Lợi thế của Việt Nam là chưa có nhiều ứng dụng, quá trình trung gian có thể bỏ qua mà đi thẳng lên chuyển đổi số. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin, startup dễ dàng cùng nhau xây dựng sản phẩm cho người dân, Chính phủ.

    "Trong một hoàn cảnh như vậy FPT muốn làm trí tuệ nhân tạo để giảm đi các công việc có tính lặp đi lặp lại trong ngành ngân hàng, dịch vụ, bảo hiểm. 11 triệu người đang tương tác với AI do FPT phát triển", ông Bình nói. Bên cạnh đó, tháng 6 này, ông cho biết FPT ra mắt một nền tảng cho giáo dục với nhiều điểm mới.

    table widget
     
     
  • 9h00

    Con đường Make in Vietnam của Viettel

    Câu chuyện Viettel - doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu cùng những thành tựu được ông Nguyễn Thanh Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ tại diễn đàn.

    Hơn 30 năm, từ một công ty xây lắp nhỏ thành lập năm 1989, đến nay, Viettel là tập đoàn Công nghệ viễn thông hàng đầu Việt Nam nhờ chuyển đổi số. Trong dịch Covid-19, doanh số không tăng trưởng âm, tỉ trọng đóng góp doanh thu từ các lĩnh vực chuyển đổi số, các ứng dụng trong nước và 10 thị trường nước ngoài đã bù đắp cho doanh thu ảnh hưởng bởi dịch.

    Đến nay Viettel có doanh thu hàng năm đạt 20 tỷ USD, lợi nhuận 40 nghìn tỷ đồng, vào top 500 thương hiệu lớn nhất thế giới. Thương hiệu viễn thông của Viettel đứng số 1 Đông Nam Á, đứng thứ 28 của thế giới.

    Để đạt được những thành tựu số, đại diện Viettel cho biết, tập đoàn chú trọng đổi mới tổ chức văn hoá và xây dựng nhân tài. Từ năm 2019, tập đoàn tái cơ cấu tổ chức, thành lập các tổng công ty chuyên trách về chuyển đổi số.

    Bên cạnh đó, Viettel xây dựng văn hoá số với các đặc tính như linh hoạt, sáng tạo, hướng tới khách hàng, tư duy số, văn hoá mở... Tập đoàn chú trọng chuyển dịch nguồn nhân lực phục vụ công nghệ thông tin, công nghệ cao với chế độ đãi ngộ xứng đáng. Hiện trong lĩnh vực an ninh mạng, trong top 100 cao thủ thế giới có 4 người làm tại Viettel.

    Viettel đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ quản trị nội bộ, đồng nhất, thông suốt, áp dụng công nghệ hiện đại với các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện Viettel số hoá 100% văn bản giấy tờ, giải phóng 50% công việc thủ công, tự động hoá 30-40% các tác vụ.

    Với hạ tầng mạng, Viettel đã phủ sóng tới 100% các xã và 95% dân số cả nước, là hạ tầng 4G lớn nhất Việt Nam, đang bắt đầu giai đoạn xây dựng và phát sóng mạng 5G. Tập đoàn sở hữu hệ thống data centre chuẩn tier III, IV.

    Hệ sinh thái sản phẩm số cung cấp dịch vụ B2C, B2B trải dài trên nhiều lĩnh vực như tài chính (Viettelpay), digital marketing, OTT (Mocha, Keng), Chăm sóc khách hàng (MyViettel, Viettel++), Chính phủ điện tử, SmartCity, dược phẩm, tiêm chủng...

    Đặc biệt, trong dịch Covid-19, Viettel đã triển khai ứng dụng telehealth, dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, trong 2 tháng đã triển khai với quy mô hơn 1.000 điểm, tiến tới sẽ mở rộng tới 4.000 cơ sở y tế cấp xã phường. Mới đây, cuộc gọi 5G đầu tiên của Viettel đã khởi động tại Hà Nội và TP HCM.

    Đại diện Viettel cũng đưa ra kiến nghị, việc đổi mới công nghệ, chuyển đổi số nên lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời thu hút các công ty công nghệ thế giới trên thế giới, có những chính sách ưu tiên, ưu đãi để xây dựng trung tâm tại Việt Nam, có cơ chế, chính sách xây dựng thúc đẩy thiết bị hạ tầng viễn thông trong nước, ưu tiên các doanh nghiệp Việt đảm nhận xây dựng các giải pháp an ninh mạng, hạ tầng trọng yếu.

    table widget
     
     

Nguồn tin: vnexpress.net


Apple   CEO   Chính phủ   Covid   Covid-19   Công nghệ   HCM   Hà Nội   Ngân hàng   Nhật Bản   OCR   Silicon   Top 10   Tập đoàn   Việt Nam   an ninh mạng   chiến lược   chuyên gia   chính sách   diễn đàn   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   hợp tác   kiến nghị   logistics   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...