16/09/2022 23:27  
Trong bối cảnh Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau, các đòn trừng phạt của phương Tây đối với Cộng hòa Liên bang Nga đã không mấy phát huy tác dụng mà còn gây chia rẽ trong nội bộ NATO và EU, ảnh hưởng lên kinh tế nhiều nước...

Nới lỏng

Bước nới lỏng đầu tiên là Liên minh châu Âu (EU) bổ sung các điều khoản miễn trừ trong các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng và công ty nhà nước Nga, như Rosneft. Những điều khoản miễn trừ này dành cho các công ty được phép ký hợp đồng vận chuyển hoặc bảo hiểm đối với hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, nông sản, dầu mỏ đến các nước ngoài EU.

EU dường như đang cố gắng giải thích rằng các lệnh trừng phạt Nga hoàn toàn không liên quan đến tình trạng gián đoạn nguồn cung thực phẩm hoặc năng lượng, hoặc ít nhất là EU không muốn những điều này xảy ra. Tuy nhiên, nỗ lực thuyết phục của EU cũng phản ánh một phần sự thật, đó là việc EU cấm vận dầu mỏ của Nga đã khiến giá năng lượng tăng cao, đẩy lạm phát tại chính các nước phương Tây lên mức cao nhất trong vài thập niên.

Các nhà hoạch định chính sách của EU, Anh và Mỹ đã nhận ra rằng, trừng phạt Nga không dễ dàng như trừng phạt một nhà xuất khẩu dầu riêng lẻ. Nga xuất khẩu nhiều hàng hóa quan trọng, như thực phẩm và phân bón để nuôi sống người dân ở nhiều nước. Dù động thái giảm cấm vận với Nga không được xem là nhượng bộ, nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy phương Tây không thể không điều chỉnh chính sách này. 

Nhiều thông tin cho thấy, dù quyết tâm cấm vận hàng hóa của Nga nhưng châu Âu lại đang âm thầm mua rất nhiều dầu của Nga thông qua các kênh bí mật  nhằm tích trữ và do đó, việc nới lỏng các lệnh cấm bán dầu của Nga đối với nước thứ ba có thể cũng là vì mục đích đó. Nga vẫn đang bán được rất nhiều dầu khí cho các nước ngoài châu Âu, như Trung Quốc và Ấn Độ...

Chia rẽ 

Đại sứ Trung Quốc tại Liên bang Nga Zhang Hanhui mới đây cho biết, hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với Nga đang trên đà phát triển và kim ngạch thương mại đang vững vàng hướng tới mục tiêu 200 tỷ USD trong năm nay, thậm chí có thể cao hơn. Cụ thể, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng 29% từ đầu tháng 1/2022 đến nay.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, gồm hạn chế sử dụng đồng đô xanh trong giao dịch quốc tế, đang đẩy các công ty Nga gần hơn với Trung Quốc và đồng nhân dân tệ. Do đó, họ đã tìm cách "luồn lách" để giao dịch quốc tế mà không cần thanh toán bằng USD. Mới đây, hãng sản xuất nhôm United Co. Rusal International PJSC - công ty được niêm yết tại Hồng Kông và Moscow, đã huy động được 4 tỷ nhân dân tệ từ đợt phát hành trái phiếu bằng đồng tiền của Trung Quốc đầu tiên ở Nga. 

Trong bối cảnh Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau, các đòn trừng phạt của phương Tây đã không mấy phát huy tác dụng, mà còn gây chia rẽ trong nội bộ NATO và EU, ảnh hưởng lên kinh tế nhiều nước trong hai khối này. Mới đây, chủ tịch Quốc hội Hungary Kover chỉ trích các biện pháp trừng phạt Nga của EU, đã áp đặt 7 vòng liên tiếp từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng hai, là "sai trái" và có thể tàn phá nền kinh tế của khối này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Litva Landsbergis nói rằng, mong muốn áp thêm trừng phạt Nga của EU đã cạn kiệt trong bối cảnh châu Âu lo ngại về nguồn cung khí đốt. Nhiều nước châu Âu đang lo lắng mùa Đông sắp đến vì nó liên quan tới giá khí đốt và năng lượng. Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt cho châu Âu, nhưng từ sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2, nguồn cung này ngày càng giảm.

Không chỉ EU nới lỏng biện pháp trừng phạt Nga, mới đây nhiều ngân hàng lớn của Mỹ, từ JP Morgan Chase, Bank of America, Citibank cho đến Tập đoàn Jeffries cũng nối lại giao dịch trái phiếu Nga, khi Bộ Tài chính Mỹ "bật đèn xanh" cho phép trái chủ Mỹ bán bớt lượng trái phiếu Nga mà họ nắm giữ.

Các nước EU từ cuối tháng 7 thông qua kế hoạch cùng cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong mùa Đông nhằm giảm tác động từ nguồn cung của Nga. Nhiều nước châu Âu lo ngại Nga có thể kéo dài thời gian giảm nguồn cung khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, làm xáo trộn kế hoạch tích trữ cho mùa Đông và đẩy cuộc khủng hoảng khí đốt tại khu vực leo thang.

Đáng lưu ý là không chỉ EU nới lỏng trừng phạt Nga, mới đây nhiều ngân hàng lớn của Mỹ, từ JP Morgan Chase, Bank of America, Citibank cho đến Tập đoàn Jeffries cũng nối lại giao dịch trái phiếu Nga, khi Bộ Tài chính Mỹ đã "bật đèn xanh" cho phép trái chủ Mỹ bán bớt lượng trái phiếu Nga mà họ nắm giữ vào tháng trước.

Biện pháp này được triển khai sau lời kêu gọi từ các nhà đầu tư, khi họ cho rằng không rõ số phận của tài sản ở Nga sẽ thế nào sau khi các lệnh trừng phạt của Washington khiến Bộ Tài chính Nga không thể trả cổ tức bằng đồng USD. Một số ngân hàng lớn của châu Âu như Barclays và Deutsche Bank cũng đang có những động thái tương tự. Diễn biến mang tính đột phá này xảy ra vài tháng sau khi Washington và các nước đồng minh phương Tây siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngân hàng và các tổ chức tài chính của Nga. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Trung Quốc   Tài chính   Tập đoàn   chính sách   hợp tác   khủng hoảng   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...