24/01/2021 6:05  
Đó là Nghị quyết 03/2020 (gọi tắt Nghị quyết 03), được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 30.12.2020 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15.2.2021.
Trong đó, tại điều 5, Nghị quyết 03 nêu rõ 3 nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ, đó là: phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự; quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử. Đồng thời, xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt khi người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, điều 51, bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể...

Nộp 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ...

Quy định về hình phạt tử hình đối với “quan” tham, khoản c, điều 40, BLHS năm 2015 nêu, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình với họ; khi đó chánh án TAND tối cao chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân.
Giải thích rõ quy định này, Nghị quyết 03 định nghĩa “chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ” là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội. Cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ đối với trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất 3/4 tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.
Đối với “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm”, Nghị quyết 03 nêu rõ nghĩa là sau khi phạm tội tham nhũng hoặc các tội phạm khác về chức vụ, người phạm tội đã chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội. Ví dụ như chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội...
Về tình tiết “lập công lớn”, Nghị quyết 03 hướng dẫn đó là trường hợp người phạm tội đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên của nhà nước, tập thể, cá nhân trong thiên tai, dịch bệnh...; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Ngoài những trường hợp nêu trên, Nghị quyết 03 còn giải thích rõ, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” và “lập công lớn” nhưng tòa án phải nhận định rõ trong bản án.

Nộp tiền giai đoạn nào, chuyển hình phạt giai đoạn đó

Đó là phân tích, đánh giá của các chuyên gia pháp luật khi được đề cập đến việc nộp 3/4 tài sản tham ô ở giai đoạn nào thì “quan” tham được chuyển hình phạt từ tử hình xuống chung thân.
Ông Nguyễn Minh Cảnh (nguyên thẩm phán TAND TP.HCM) cho biết điều 40, BLHS năm 2015 là quy định đối tượng đã bị kết án tử hình, nhưng sau khi bị kết án, lại đủ điều kiện để được chuyển hình phạt, là: nộp 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thì: “Khi đó người bị kết án có quyền làm đơn kiến nghị mình được ân giảm. Và chánh án TAND đã xét xử sơ thẩm chủ trì, phối hợp với công an, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp rà soát, báo cáo ngay chánh án TAND tối cao để chánh án TAND tối cao ra quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân”, ông Cảnh nêu.
Trường hợp “quan” tham đủ điều kiện để chuyển hình phạt từ tử hình xuống chung thân ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, luật sư Nguyễn Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết điều 5, Nghị quyết 03 cũng nêu rõ, khi đó chính tòa án đang xét xử ở giai đoạn nào sẽ có thẩm quyền “không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử”. “Vì vậy, thẩm quyền chuyển hình phạt từ tử hình xuống chung thân hoặc mức án nào khác sẽ do HĐXX nhận định và chịu trách nhiệm với phán quyết của mình”, luật sư Hùng đánh giá và dẫn chứng trường hợp cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son được TAND TP.Hà Nội xử sơ thẩm, tuyên án tù chung thân (Viện kiểm sát đề nghị án tử hình - PV) khi bị cáo này đã nộp lại toàn bộ số tiền mình nhận hối lộ là 66 tỉ đồng (vụ MobiFone mua AVG). Mức án này sau đó được TAND cấp cao tại Hà Nội y án khi xử phúc thẩm.

Nguồn tin: thanhnien.vn


HCM   Hà Nội   chuyên gia   chính sách   hợp tác   kiến nghị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...