12/04/2021 12:25  
Thất bại 0-4 của Quảng Ninh trên sân Hà Nội có thể là dấu lặng buồn cho V-League 2021 khi giải đấu vừa tìm được chút cao trào.

Quảng Ninh từng thua 0-5 tại sân Hàng Đẫy, còn cuối mùa trước, ngay trên sân nhà Cẩm Phả, họ cũng đã thảm bại 0-4 trước Hà Nội. Kể từ khi lên đá V-League năm 2015, Quảng Ninh gặp Hà Nội cả thảy 16 lần, tính cả V-League, Cup Quốc gia lẫn Siêu Cup Quốc gia. Trong đó, đội bóng đất mỏ chỉ thắng bốn, hòa ba, và đặc biệt, không lần nào hòa Hà Nội với tỷ số 0-0. Tính riêng ở V-League, 13 trận đã qua giữa hai đội chứng kiến đến 48 bàn, trung bình 3,7 bàn mỗi trận. Những trận đấu ít bàn nhất lại diễn ra trong các năm 2015, 2016, khi Quảng Ninh chưa bị xem là thuộc nhóm "năm đánh một".

Xét trên lịch sử đối đầu gần nhất, thì tỷ số 4-0 nghiêng về Hà Nội hôm qua 11/4 không bất thường. Nhưng cũng như rất nhiều lần trước kia, Quảng Ninh thường thua Hà Nội một cách bất ngờ, ở những lúc mà Hà Nội... cần thắng nhất. Đó là lý do khiến hai đội bóng này vẫn bị cho có quan hệ rất rõ ràng, thậm chí còn rõ hơn cả giữa Hà Nội với Đà Nẵng hay Sài Gòn trước đây.

Cuối mùa 2016, khi Hà Nội T&T - tên cũ của Hà Nội FC - đang thực hiện cuộc ngược dòng để đua vô địch với Hải Phòng, thì chiến thắng 1-0 ngay tại Cẩm Phả ở vòng 25 mang ý nghĩa sống còn với đội bóng thủ đô. Khi đó, Quảng Ninh vẫn còn cơ hội vô địch nếu thắng hai vòng cuối, nhưng họ thua Hà Nội, và như đã biết, Hà Nội vô địch mùa đó khi bằng điểm Hải Phòng, chỉ nhỉnh hơn hiệu số phụ.

Hai tuần sau, Hà Nội và Quảng Ninh gặp nhau ở chung kết Cup Quốc gia, và đội bóng đá mỏ thắng với tổng tỷ số 6-5 qua hai lượt trận. Vài tháng sau, Quảng Ninh lại thắng tiếp Hà Nội T&T để đoạt Siêu Cup Quốc gia. Đó là những danh hiệu quốc nội đầu tiên và duy nhất của họ. Còn với Hà Nội T&T, 2016 là năm biến động lớn với hai lần thay HLV, sau khi ông Phan Thanh Hùng rời đi, để đến Quảng Ninh. Ông Chu Đình Nghiêm lần đầu cầm quân, nếu không có chức vô địch năm đó, cũng chưa chắc đã tạo ra một thời kỳ huy hoàng cho Hà Nội với thêm hai danh hiệu khác 2018 và 2019, trước khi bị thôi việc sau vòng 7 mùa này.

HLV hiện tại của Hà Nội là ông Hoàng Văn Phúc, vốn là người đưa Quảng Nam vô địch V-League 2017 và cũng thuộc... biên chế của CLB Hà Nội. Điều thú vị là Quảng Ninh từng "giúp" ông Phúc. Nếu ở vòng cuối cùng mùa 2017, Quảng Ninh của một HLV người Đà Nẵng - Phan Thanh Hùng - không cầm hòa Hà Nội T&T 4-4 trên sân Cẩm Phả, Quảng Nam đã không thể vô địch kịch tính khi bằng điểm và hơn Thanh Hóa ở hiệu số đối đầu.

Một mối quan hệ nhằng nhịt, những trận đấu chứa đựng nhiều kịch tính giữa Quảng Ninh và Hà Nội chính là một trong những yếu tố có tính chất hủy hoại uy tín của V-League, vốn được gói gọn trong lời kết luận của bầu Đức về chuyện "năm ông ốm đánh một ông mập".

Cuối mùa trước, nếu không có chiến thắng 4-0 trên sân Cẩm Phả, Hà Nội khó tạo ra sự căng thẳng đến phút cuối trong cuộc đua với Viettel. Dù Hà Nội sau cùng cũng chỉ về nhì, người hâm mộ vẫn bất mãn khi Quảng Ninh chơi thiếu động lực ở trận cuối cùng. Và những gì đã diễn ra ở trận đấu đó, tiếp tục tái hiện ở trận đấu tại Hàng Đẫy.

 
 

Một đội bóng chỉ mới thủng lưới một bàn duy nhất trong năm trận gần nhất, chỉ lĩnh ba bàn thua trong suốt tám vòng trước đó, nhưng dễ dàng bị Hà Nội dẫn 4-0 chỉ trong 45 phút đầu. Tỷ số ấy cứ như một trò đùa. Bởi trước khi ra sân, một số cầu thủ Quảng Ninh cho biết họ vừa nhận được một phần tiền mà CLB nợ suốt gần một năm qua. Khi không có tiền, Quảng Ninh đá thật xuất sắc. Vừa có tiền, họ trình diễn một thứ bóng đá vô hồn.

Cách Quảng Ninh chơi và bại trận tại Hàng Đẫy không khỏi tạo nên nghi ngờ. Hà Nội đang rất cần một chiến thắng nhằm cứu vãn cơ hội vào top 6 hòng đua vô địch ở giai đoạn II. Quảng Ninh thì gần trụ hạng an toàn và ở tình hình hiện tại, họ chẳng có nhu cầu cũng như thực lực để vào top 6. Các cầu thủ Quảng Ninh còn như muốn gửi "lời nhắc nhở" đến những ai có trách nhiệm trả nợ lương, thưởng cho họ. Theo kiểu đấy, trong phần còn lại của mùa giải, Quảng Ninh thích thì đá, không thích có thể thua bất kỳ lúc nào. Và như thế, họ có thể là một "ngân hàng điểm" với tình trạng thiếu động lực như hiện tại.

Những nhà quản lý bóng đá Việt Nam đã không thể tìm được giải pháp cho chuyện "một ông chủ, nhiều đội bóng". Họ cũng không biết phải làm gì trước tuyên bố "năm ốm đánh một mập" và "đá cho vui" của bầu Đức. Bây giờ, họ cũng không thể can thiệp vào trường hợp Quảng Ninh, dù họ hiểu một đội bóng dư điểm, thiếu tiền như thế thì sẽ là đích đến của các yếu tố tiêu cực. Giả sử Quảng Ninh cứ tiếp tục thua như vậy, cầu thủ có thể giải thích, họ không thể đá bằng niềm tin. Đá như thế thì thua ai mà chẳng được, thua đội mạnh như Hà Nội càng đương nhiên. Để tình trạng một đội bóng công khai "lãn công" như vậy, là lỗi của ai?

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định, đội bóng là một doanh nghiệp độc lập, tự hạch toán kinh doanh. Các nhà quản lý CLB nói rằng CLB không thuộc sở hữu của họ. Bóng đá thì không tự thân kinh doanh, sống bằng nguồn tiền tài trợ, nhưng nhà tài trợ thì chưa hoặc có thể là không giải ngân do vấn đề kinh doanh sa sút. Nhưng thương hiệu của họ vẫn nằm chình ình trên ngực áo, vì hợp đồng đã ký từ lâu, được xem là "nghĩa vụ địa phương". Tiền tài trợ chưa chuyển về, thì lấy gì trả lương, thưởng.

Chẳng có ai bị xem là có lỗi trong chuyện này cả, và chỉ tội nghiệp các CĐV chân chính. Họ cứ nghĩ là khi CLB ký vào điều lệ thi đấu, chấp nhận tham gia giải, khi các cầu thủ ra sân đá bóng, sẽ phải có trách nhiệm với cam kết. Chỉ tội nghiệp cho V-League, khi HAGL vừa từ bỏ chuyện "đá cho vui" để hướng đến cuộc đua hấp dẫn trước mắt, giải lại chứng kiến chuyện bầy hầy, đá cho xong ở Quảng Ninh.

Song Việt

Nguồn tin: vnexpress.net


Bóng đá   HLV   Hà Nội   Lãnh đạo   Thể thao   V-League   Việt Nam   căng thẳng   doanh nghiệp   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...