20/09/2020 7:49  
Hàng năm tôi có vài lần về quê  ở Đồng Hới để đến lăng mộ thắp hương ông bà nội, ông bà ngoại, ba mẹ tôi và bà con. Sau nhiều lần về mảnh đất này, đôi khi tự hỏi tại sao quê hương lại có ý nghĩa cuốn hút như thế. Hàng năm vào dịp giáp Tết, dân quê Bọ ở TpHCM vẫn không quản đường xa mệt nhọc tốn kém để về quê, người ta vất vả vượt cả nghìn cây số về quê hương thăm, cha mẹ, ông bà, sum họp với gia đình lớn, gặp lại anh chị em, thăm lại nơi mình trải qua thời thơ ấu.
     Nhìn ra nước Tàu hay xứ Tây cũng rứa, vì con người vốn là ‘một sinh vật bầy đàn’. Lễ Tạ ơn, lễ Giáng sinh hay năm mới ở Âu-Mỹ, mọi sân bay, bến tàu đều ‘tràn ngập biển người’, mất bao tiền bạc, công sức, thời gian. Vậy chắc là nó bắt nguồn từ một nhu cầu sâu thẳm và mạnh mẽ nào đó, tuy huyền bí mà ai cũng nhảy vô.
                          ***
      Năm nay tôi dành hẳn 60 ngày đạp xe vòng quanh 8 huyện thị  ở Quảng Bình để khám phá những điều mình chưa biết hết về quê hương. Sở dĩ chọn phương tiện xe đạp là vì như thế có thể ‘sống  rất chậm’, có thể dừng bất kỳ chỗ nào để chụp ảnh một bông hoa nhỏ, còn đi xe máy thì vẫn phải nhìn trước ngó sau nên ‘sống chậm’ không hề dễ (tất nhiên khi lên vùng núi cao sát biên giới Lào, đôi khi vẫn phải ngồi xe ôm).
     Từ góc độ của một người thường về quê, đôi khi tôi ngạc nhiên về thanh thiếu niên người Việt thế hệ thứ hai sống ở nước ngoài: rời quê hương khi còn thơ ấu, giờ đây nói tiếng Việt ‘ tất nhiên rất ú ớ’, nhưng họ vẫn cảm thấy một nhu cầu mạnh mẽ tìm hiểu về đất nước. Chả hiểu một số người trong số họ về thăm Việt Nam với mục tiêu gì (vì không còn gia đình hay dòng tộc), hay là ‘tìm căn cước một dân tộc’ như ta tìm một cá nhân?, kiểu như một thằng bé không biết mặt bố thì khi khôn lớn nó phải tìm kiếm cha nó. Cho dù cha mẹ nuôi có gắn bó đến mức nào, cũng sẽ có lúc đứa trẻ nung nấu ý định tìm hiểu xem cha mẹ đẻ là ai, cuộc sống của họ ra sao !
                        ***
      Vừa đi lang thang vừa nghĩ những ‘tình huống triết lý’ như thế, một lần tự nhiên nghe câu hát trong ‘Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh’ rất thiết tha “Chớ đi mô rồi cụng nhớ về Hà Tịnh... ai đi xa mô đó có nhớ lấy đường về...”. Đó là bài hát từ năm 1974, còn vài năm gần đây có nhiều bài cũng tha thiết, kiểu như bản nhạc “Mình Về Hà Tĩnh” của  Nhạc sĩ Phan Huy Hà:
         Quê hương anh, đi mô mà nỏ nhớ
         Hà Tĩnh ơi sâu nặng ân tình
         Mình về Hà Tĩnh mình đi
        Nghe câu hò tình quê dịu ngọt...
  Và đất quê Choa cũng vang lên bài  hát của Ngọc Tân-Hữu Thái:
         Về Quảng Bình đi anh
          Quê em gánh hai đầu đất nước...
...Về Quảng Bình đi anh
     Nghe giọng nói mô tê răng rứa...
   Tôi nghe nhiều người kể mấy bài hát này làm dân Bình-Tĩnh ở Hà Nội và Sài Gòn đều khen nức nở rồi ...chảy dài nước mắt, số lượt người xem YouTube lên rất nhanh, ngẫm nghĩ là với người đi xa thì quê hương là cái gì đó rất thiêng liêng, lúc ở quê thì không cảm thấy chi cả nhưng đi xa mới biết ...cũng yêu nó nhiều lắm.
                           ***
     Hành trình vòng quanh quê hương ban đầu tôi nhắm vào tìm hiểu cuộc sống người dân các huyện vùng cao, vì xưa nay ít khi đến những nơi ấy. Đi thoáng qua, biết là quê Choa nắng gió, mưa bão, cảm giác rất khắc nghiệt, nhắc đến quê là lại nhớ giọng nói địa phương " răng, mô, chi, rứa,..". Nhắc tới quê là lại nhớ những món ăn ngàyTết xưa:
             Tết về câu đối bánh chưng,
        Chẳng ham giò chả, chỉ ưng Ngứa, Xoè.
    Hai loại cá Ngứa, cá Xoè thường mùa Tết mới có, cứ xuân về là ‘tìm đặc sản’ để ‘nhớ lại quê Choa’ vì khó mà có thể miêu tả"Quê Hương" qua những lời nói thân thương mà chỉ có thể miêu tả một cái chi đó tuyệt vời.
                       ***
    Nhưng chỉ sau vài ngày ở vùng cao huyện Lệ Thuỷ, thấy dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây có cảnh quan ‘Đẹp và Lạ’, nên tôi bắt đầu bấm máy về những cảnh mình chả mấy khi thấy. Càng đi lên vùng cao Tuyên Hoá, Minh Hoá, Bố Trạch... lại thấy 2 chữ  ‘Quê Hương’ dường như rất đơn giản mà nó chứa đầy những bí ẩn huyền bí, dường như tôi khó cách nào tả một cách chân thành cái cảm xúc ấy để mọi người xung quanh hiểu được. Sau khi lên lèn đá cao nhìn xuống, thấy sông Gianh vắt vẻo qua ‘những cánh đồngHoa Lúa’, rồi xuống hang đá Minh Cầm có tàu hoả chạy dọc bờ sông, có cảm giác mình đang ở một ‘Thế giới khác’, có một sức mạnh tiềm ẩn phi thường nào đó thấp thoáng quanh ta. Cái sự huyền bí này có lẽ như nhà khoa học đi tìm những bằng chứng dị đoan về chuyện ma cỏ trên trái đất này, vậydù chẳng hẹn ngày nào có thể tìm ra lời giải đáp, nhưng nhiều người... vẫn cứ tin.
                             ***
    Tất nhiên lớp trẻ có một khác niệm khác về quê hương, nhất là các chàng Tây học, cứ hình dung quê Choa còn bao nhiêu xấu xí, nhiều hủ tục như Lễ Tết Nguyên Đán quá nhiều tốn kém, giảm năng suất lao động. Nhưng họ chưa hiểu câu chuyện ngày Lễ tình nhân (Valentine’s Day) năm 2016, người Mỹ đã tiêu thụ hết 19,7 tỷ USD cho quà tặng của các cặp tình nhân. Với các dịp lễ đoàn viên gia đình như Lễ tạ ơn, Giáng sinh và Năm mới, con số tiêu thụ gấp khoảng chục lần.
    Thực sự những ngày Tết là những cơ hội để thúc đẩy tiêu thụ và phát triển kinh tế, khi sức kích cầu của dân ta tăng khủng khiếp. Văn hoá người Việt có cái truyền thống ngày Tết hấp dẫn nhất mà một số người cứ đòi bỏ, ai cũng thấyvô cảm.
   Tôi nghĩ nên thương nhưng người trẻ như thế, dù họ làm chúng ta xấu hổ, họ đau khổ bởi những gì không phải là lỗi của họ. Chỉ có một điều chắc chắn: thiếu hơi ấm của quê hương, thiếu sợi vô hình mà mạnh mẽ ấy, có lẽ một số “sẽ không lớn nổi thành người”. Quê hương như máu thịt mà từ khi lọt lòng ta đã trao cho nửa linh hồn để rồi đi đâu cũng mãi nhớ, mãi thương…


Hoàng Quang Vinh

Quảng Bình   Quê hương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...