17/04/2021 21:12  
Khi kế nhiệm cựu Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Joe Biden gặp phải nhiều bài toán đau đầu, trong đó có việc dòng người di cư ồ ạt kéo tới biên giới Mỹ với hi vọng đặt chân tới "miền đất hứa".

"Áp lực" cho chính quyền

Từ nhiều năm qua, nhập cư vẫn là vấn đề nan giải tại Mỹ. Dưới thời ông Trump, nhiều chính sách mạnh tay đã được thực hiện nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, sau khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã ký một loạt sắc lệnh đảo ngược một số chính sách về nhập cư, an ninh biên giới của người tiền nhiệm. Theo đó, ông Biden cho ngừng xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico và đề xuất dự luật tạo điều kiện cho gần 11 triệu người sống bất hợp pháp tại Mỹ được cấp quốc tịch.

Dự luật mới quy định những người có 8 năm sinh sống và làm việc tại Mỹ có đủ điều kiện nhập quốc tịch. Một số đối tượng như người làm nông và trẻ em tới Mỹ, sẽ ngay lập tức được tạo điều kiện cấp thẻ Xanh. Mục tiêu của ông Biden là "khôi phục niềm tin vào hệ thống nhập cư hợp pháp của Mỹ và thúc đẩy quá trình hội nhập của người Mỹ".

Sắc lệnh về an ninh biên giới bao gồm việc xem lại chính sách buộc những người xin tị nạn phải chờ đợi ở các thành phố biên giới Mexico. Các chính sách giam giữ những người xin tị nạn tại Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới cũng được chấm dứt. Tổng thống Biden yêu cầu "chiến lược nhập cư an toàn và có trật tự vào Mỹ theo từng giai đoạn" đối với những người đã đăng ký và đang chờ ở Mexico.

Với những người ủng hộ mở rộng chính sách nhập cư, đó được xem là quyết định đáng khích lệ. Tuy nhiên, nhiều người lại ủng hộ cách nhìn nhận vào thực tế, đó là xem xét lại toàn bộ hệ thống nhập cư của Mỹ có "suy yếu" hay không khi có tới khoảng 11 triệu người nhập cư đang cư trú không giấy tờ tại nước này.

Sau hơn 2 tháng từ khi bước chân vào Nhà Trắng tương đối "thuận buồm xuôi gió", Tổng thống Biden đang phải đối mặt với làn sóng người di cư ồ ạt tràn vào từ khu vực biên giới phía Nam giáp Mexico, bất chấp thông điệp của ông "Bây giờ không phải là lúc để đến". Điều này dường như đúng với dự báo của ông Trump trong chuyến thị sát bức tường biên giới ngày 12/1, những thay đổi chính sách sẽ dẫn đến "một làn sóng nhập cư bất hợp pháp chưa từng thấy trước đây".

Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đưa ra thống kê, năm 2020, tại châu Mỹ có 669 trường hợp, chiếm hơn 21% trong tổng số 3.174 người chết và mất tích do di cư trên toàn thế giới. Ðáng chú ý, có tới 381 người chết và mất tích do di cư trái phép tại biên giới Mỹ-Mexico. Từ đầu năm đến nay, khoảng 2 triệu người di cư dồn tới biên giới phía Nam nước Mỹ.

Theo dữ liệu sơ bộ được chia sẻ với Reuters, giới chức Mỹ bắt hơn 171.000 di dân tại biên giới Mỹ-Mexico trong tháng 3. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas thừa nhận Mỹ đang phải đối mặt với khó khăn khi số lượng người di cư tới khu vực biên giới Tây Nam nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong vòng 20 năm qua.

Các thành viên của Đảng Cộng hòa cho rằng, sự đảo chiều chính sách đã khiến số người di cư tìm cách vượt biên trái phép vào Mỹ tăng mạnh, gây ra một cuộc khủng hoảng ở biên giới. Thượng nghị sĩ Ted Cruz nhận định "người dân Mỹ đang bắt đầu hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình hình". Hai thượng nghị sĩ, John Cornyn của đảng Cộng hòa và Kyrsten Sinema của đảng Dân chủ đã viết một bức thư chung kêu gọi chính quyền Biden tăng cường các biện pháp để giải quyết tình hình hiện nay. 

Tổng thống Biden đã phản bác những ý kiến chỉ trích về cách ông xử lý vấn đề người nhập cư tăng mạnh. Ông nhấn mạnh rằng tình trạng gia tăng số người di cư đến Mỹ hiện nay là hiện tượng xảy ra định kỳ, đồng thời khẳng định cách tiếp cận của ông nhân đạo hơn so với người tiền nhiệm Trump.

Ông Mayorkas cho rằng, chính quyền Tổng thống Biden đã phải xây dựng lại hệ thống nhập cư an toàn, hợp pháp và có trật tự dựa trên các ưu tiên cơ bản của Mỹ, đó là giữ an toàn cho biên giới, giải quyết hoàn cảnh của trẻ em như luật pháp yêu cầu và cho phép các gia đình ở bên nhau.

Đau đầu tìm kiếm giải pháp

Chính quyền ông Biden đang có các giải pháp tích cực nhằm giải quyết vấn đề di cư hiện nay. Tổng thống Biden hối thúc những người di cư không đến Mỹ. Trong một trả lời phỏng vấn hãng tin ABC gần đây, ông Biden nói: "Tôi có thể nói rõ rằng đừng qua đây… Đừng rời thị trấn, thành phố hay cộng đồng của các bạn".

Mỹ cùng với Mexico phối hợp triển khai cách tiếp cận mới đối với vấn đề di cư, bao gồm cả việc xây dựng hạ tầng khu vực và biên giới, tăng cường năng lực nhằm đưa ra cách tiếp cận nhân đạo và có trật tự hơn. Hai nước đã thảo luận các biện pháp nhằm giải quyết gốc rễ của vấn đề di cư, hợp tác và phát triển ở Trung Mỹ và miền Nam Mexico để đảm bảo di cư an toàn, có trật tự và hợp pháp.

Thỏa thuận lao động nhập cư giữa Mỹ với Mexico đang được thúc đẩy nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động nhập cư và góp phần quản lý dòng người di cư vào Mỹ. Tổng thống Mỹ Biden và người đồng cấp Mexico Andrés Manuel López Obrador đã có cuộc hội đàm trực tuyến, thảo luận quan hệ song phương, trong đó đề cập tới vấn đề di cư.

Để giảm tải sức ép khu vực biên giới như một giải pháp ngắn hạn, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) đang xây dựng hai cơ sở tạm trú để chăm sóc cho trẻ em vị thành niên không có người đi kèm ở Dallas và Midland, bang Texas trước khi trao trả cho người thân hoặc các gia đình bảo trợ. Ngoài ra, Mỹ cũng hợp tác với Mexico để tiếp nhận các gia đình bị trục xuất và phát triển một chương trình tị nạn chính thức hơn.

Mỹ cũng dành một khoản trị giá 4 tỷ USD để giúp các nước Trung Mỹ, gồm Honduras, El Salvador và Guatemala, giải quyết các vấn đề như nghèo đói, bạo lực, khủng hoảng môi trường và thất nghiệp, khuyến khích mọi người ở lại quê hương. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa các chính phủ nhằm giải quyết vấn đề di cư còn gặp nhiều khó khăn do chưa có sự hòa hợp.

Mới đây, ngày 2/4, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Mayorkas thông báo, việc xây tường biên giới với Mexico có thể được tiếp tục để lấp "khoảng trống" giữa các đoạn tường, lắp "cổng" và bổ sung công nghệ cho các phần của bức tường đã hoàn thành nhưng chưa được gắn thiết bị giám sát, nhằm ngăn chặn làn sóng di cư ồ ạt vào Mỹ. Tuy nhiên, dự định này đã vấp phải sự chỉ trích một số nghị sĩ Mỹ.

Có thể thấy tình trạng nhập cư trái phép đã, đang và sẽ tiếp tục là một "bài toán khó" cho chính quyền Biden trong thời gian tới. Thế nhưng sự nỗ lực tìm kiếm giải pháp là dấu hiệu cho thấy chính quyền mới đang xây dựng một chính sách chắc chắn, song vẫn mang tính nhân đạo để từng bước gỡ rối cho vấn đề này.

Nguyễn Nhâm

Nguồn tin: dantri.com.vn


Donald Trump   Joe Biden   Mục tiêu   Nhà Trắng   Reuters   Trump   Tổng thống   chiến lược   chính sách   hành vi   hợp tác   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...