16/01/2021 10:10  
Kênh thủy lợi xã Buôn Chóah dù được đầu tư tiền tỷ nhưng đang khiến hàng trăm ha lúa đối diện nguy cơ "chết khát". Theo chủ đầu tư, công trình thi công đúng thiết kế đã được phê duyệt trước đó.

Chủ đầu tư nói gì?

Ngay khi nhận được thông tin phản ánh, ông Phan Vận, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông (Ban QLDANN) khẳng định, qua kiểm tra thực tế đầu tháng 1/2021, công trình được thi công đúng thiết kế.

Tuy nhiên, khi xem hình ảnh PV ghi nhận tại hiện trường, ông Vận cho biết, ngày 15/1 đã thành lập đoàn kiểm tra lại, tìm hiểu phản ánh của người dân về việc thiếu nước sản xuất.

Ông Vận cho biết, công trình đang được thi công chứ chưa bàn giao. Theo dự kiến phải hoàn thành ngày 31/12/2020, tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết nên việc thi công không đảm bảo, công trình được UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý gia hạn đến ngày 31/5/2021.

Tại buổi làm việc ngày 15/1, ông Vận một lần nữa khẳng định, đơn vị đã cho kiểm tra rất nhiều lần và hệ thống kênh được thi công theo thiết kế. Giải thích về vấn đề "nước ở kênh chảy ngược", ông Vận cho rằng, do đầu kênh là phía nguồn, khi bơm lên thì nước chưa chảy kịp và tràn ra.

"Nguyên tắc thiết kế đã được phê duyệt rồi. Công trình đang trong giai đoạn thi công nên có những phát sinh, mong các bên đóng góp ý kiến để khắc phục", ông Vận cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Ban QLDANN tỉnh Đắk Nông, công trình này do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Đường Việt (TP Đà Nẵng) thiết kế, thi công là Công ty Cổ phần xây dựng Đắk Lắk (tỉnh Đắk Lắk).

Công ty Cổ phần xây dựng Đắk Lắk thông tin thêm, trạm bơm số 3 cơ bản hoàn thành được khoảng hơn 90% khối lượng. Công trình này cũng được thi công đúng như thiết kế.

"Nguyên nhân do có 17 cửa xả nên mạnh ai nấy xả, thành ra cuối kênh không có nước", đại diện đơn vị thi công đưa ra quan điểm.

"Chưa thấy con kênh nào như này!"

Ông Phạm Văn Tác (68 tuổi, trú thôn Bình Giang, xã Buôn Chóah) gắn bó với mảnh đất Buôn Choah gần 30 năm nay. Gia đình ông có khoảng hơn 3ha lúa đứng trước nguy cơ "chết khát".

"Chúng tôi là người nông dân, quanh năm chỉ trông chờ vào việc sản xuất lúa. Thế nhưng vụ mùa này coi như bỏ vì gieo sạ muộn, lúa có đủ nước đâu mà phát triển. Người dân chỉ muốn góp ý, làm sao cho việc đầu tư của nhà nước hợp lý, đúng chỗ, người dân được hưởng lợi từ công trình này", lão nông cho hay.

Ông Tác cũng cho biết, ngay khi có đoàn kiểm tra tới làm việc, ông cùng hàng chục hộ dân khác đã ra phản ánh với đoàn công tác. Việc xây dựng con kênh dẫn nước không những không mang lại lợi ích cho người dân mà còn bất hợp lý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất.

"Gần 30 năm làm ruộng, tôi chưa thấy con kênh nào đầu kênh thì nước ngập cả lên đường, cuối kênh thì không có nước. Nền kênh cao nên nước không đẩy về cuối kênh được khiến lần đầu tiên chúng tôi gặp cảnh dở khóc dở cười này", ông Tác bức xúc.

Tương tự, một nông dân khác chứng kiến buổi kiểm tra thực trạng cũng cho biết, khi đoàn kiểm tra đến, cho vận hành cùng lúc 2 máy bơm, đồng thời đóng tất cả các phay (cửa chắn) cống thì phía đầu kênh nước tràn ra cả ngoài đường, còn phía cuối kênh nước chỉ cao khoảng 15 cm so với miệng kênh.

"Nếu mà mở tất cả các phay cống lên thì làm sao phía cuối kênh có nước được!", anh này ngán ngẩm.

Tại buổi làm việc ngày 15/1, ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô một lần nữa khẳng định, sự bức xúc của người dân là có. Trước đây, khi còn kênh cũ, người dân vẫn lấy nước bình thường, nước vẫn đảm bảo cho sản xuất. Thế nhưng khi có kênh mới người dân lại không đủ nước dùng, vì vậy chủ đầu tư phải xem lại thiết kế của công trình.

"Lượng nước chưa đủ để đảm bảo phục vụ sản xuất. Bây giờ chủ đầu tư phải coi lại thiết kế, nếu thấy không ổn thì phải có giải pháp nâng lại đầu toàn tuyến kênh để hoàn thiện.

Ngoài ra, huyện cũng sẽ thống kê, rà soát lại, nếu khu vực nào không đảm bảo nước sẽ cảnh báo người dân để không gieo trồng", Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô nêu ý kiến.

Như Dân trí đã phản ánh, công trình trạm bơm và kênh dẫn nước xã Buôn Chóah thuộc Dự án Nâng cấp các công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; có tổng mức đầu tư gần 170 tỷ đồng (giai đoạn 1). Đến thời điểm hiện tại, hàng trăm ha lúa của vùng trọng điểm lương thực tỉnh Đắk Nông đang thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng.

Nguyên nhân là trạm bơm không thể phát đồng thời 2 máy, nước ở đầu kênh thì ngập còn cuối kênh thì không có nước.

Dương Phong

Nguồn tin: dantri.com.vn


Nông nghiệp   sản xuất   Đà Nẵng   Đầu tư   Đắk Nông  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...