23/03/2021 11:11  
Không chỉ những tay hung hãn, côn đồ lao vào gây gổ, đập phá, đe nẹt mà ngay cả phái đẹp cũng tung võ mồm "tàn độc" không kém khi xảy ra va quệt...

Hàng ngày, khi tham gia giao thông trên đường, sự va chạm là điều khó tránh khỏi. Nhưng điều đáng bàn ở đây là chúng ta xử lý thế nào khi trót va quệt (hoặc bị va quệt) trên đường. Đó chính là văn hóa giao thông, cao hơn nữa là văn hóa giao tiếp giữa người với người trong xã hội.

 Khi tham gia giao thông trên đường, có lúc tôi vẫn băn khoăn tự hỏi: nếu mình gây ra va chạm (hoặc bị va quệt) trên đường thì mình sẽ phải làm gì? Tôi đem câu hỏi này ra trao đổi với đồng nghiệp thì nhận được những câu trả lời khác nhau: có người cho rằng: Nếu va chạm nhẹ, thì mình thành thực xin lỗi. Nếu va chạm nặng gây ra thiệt hại về tài sản thì mình thỏa thuận để đền bù. Nếu trầm trọng hơn, thì đương nhiên sẽ có công an đến giải quyết. Cũng có người lại nói: Phải xử lý bởi nếu không mọi người sẽ không tự giác. Có người lại nêu ra ý kiến: Còn tùy thuộc thái độ của "đối phương" nữa.
Nhưng thực tế khi đi trên đường, dù cẩn thận đến đâu cũng không thể tránh hết được va chạm (mình không va vào họ thì họ cũng va vào mình). Nếu chẳng may va chạm xảy ra, mà "đối phương" bất chấp đúng sai, phải trái cứ xông vào đánh mình thì mình sẽ phải làm gì? Cũng có khi mình chấp hành theo pháp luật mà bị người khác cho là "hâm, gàn" thì sao. Xin trao đổi mấy ý kiến sau:

Để tránh va quệt cần tuân thủ luật an toàn giao thông:

Xin được kể một câu chuyện của bản thân:

Có một lần, tôi đi xe máy trên đường Hoàng Quốc Việt. Đến nút giao cắt giữa đường Hoàng Quốc Việt và Phùng Chí Kiên, có tín hiệu đèn đỏ, tôi dừng lại. Bỗng một thanh niên đi đằng sau mặt búng ra sữa - chỉ đáng tuổi con mình - húc vào sau xe tôi, đã không được câu xin lỗi lại còn chửi độc: "Ngu thế! Có công an đâu mà phải dừng lại?" làm tôi "choáng".

Sao lại có thể vô lý như thế nhỉ? Nghĩ vậy nhưng vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" thôi thì "im lặng là vàng" vẫn hơn. Giả sử lúc đó tôi có gân cổ lên nói mấy câu thì chắc chắn sự việc không chỉ dừng lại ở đó mà sẽ "có chuyện" rồi. Thôi "tránh voi chả xấu mặt nào". Nhưng nếu cậu thanh niên đó cũng tuân thủ luật giao thông, dừng xe khi có đèn đỏ thì đâu phải nói. Đằng này, sau khi đã "xả" ra mấy câu khiếm nhã, cậu ta lại vượt đèn đỏ đi, cắt ngang dòng người bên kia, va tiếp vào một chị hàng trứng. Xe đổ, chị ta túm lại bắt đền…

Vậy là tôi nghiệm ra một điều: muốn tránh va quệt thì tất cả mọi người đều cần tuân thủ nghiêm túc luật giao thông, kể cả khi không có công an đứng ở đó.

Lời nói không mất tiền mua

Tâm lý chung của mọi người đều thích nghe lời nói nhẹ nhàng, nhất là khi người khác mắc lỗi với mình mà biết nhận ra lỗi, rồi có động thái sửa chữa khắc phục. Trong khi tham gia giao thông cũng vậy. Nếu bạn trót va quệt vào người khác: việc đầu tiên là xin lỗi người ta. Câu xin lỗi đầu tiên này rất có tác dụng. Nó làm dịu đi mọi cơn thịnh nộ đang "bốc hỏa" trong đầu (do bức xúc vì nạn tắc đường, hay bực mình vì áp lực công việc của một ngày).

Sau khi xin lỗi nhẹ nhàng, việc tiếp theo là hỏi xem người đó có bị sao không. Nếu không sao, có thể "tạm biệt" nhau vui vẻ. Thái độ "biết lỗi" của bạn đã làm cho đối phương "biến to thành nhỏ, biến có thành không". Như vậy sự việc sẽ được tháo gỡ nhẹ nhàng. (Tất nhiên nếu người ta bị đau thật sự, việc đầu tiên là đưa đến cơ sở y tế).

Còn nếu bạn bị người khác va quệt vào. Hãy nhớ: lòng vị tha giúp ta xoa dịu hết nỗi bực trong lòng mình. Tha thứ và khoan dung nếu người ta biết lỗi hoặc không cố ý, "vỗ vai nhau" dàn hòa là ổn; đừng "đao to búa lớn" làm gì. (Tất nhiên nếu bạn không bị đau lắm và xe của bạn chỉ trầy xước nhẹ). Trường hợp nặng hơn có thể tự điều đình. Nếu "đối phương" sai mà vẫn tỏ ý không khoan nhượng bạn cần đến sự trợ giúp của công an, tránh tự xử vì lúc đó rất khó kiềm chế, sẽ gây hậu quả khôn lường.

Câu chuyện về anh shipper khi tham gia giao thông đã bất cẩn va chạm trên cầu Bình Phước ngày 8-3-2021, đã biết nhận lỗi và xin lỗi người lái xe. Rồi anh được người tài xế hỏi thăm và giúp chút tiền để sửa xe, tiếp sau đó được tặng lại 1 xe máy tốt hơn… đã khiến chúng ta thấy rưng rưng. Lời nói không mất tiền mua, thái độ nhận lỗi, ôn hòa khi tham gia giao thông đã có một cái kết đẹp như mơ.

Tối kỵ "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay"

Câu chuyện những người mới chỉ va quệt đã dừng xe đánh nhau, gây ùn tắc khiến chúng ta phải suy nghĩ về cách ứng xử khi tham gia giao thông. Trong mọi tình huống của cuộc sống, chúng ta hãy kiềm chế khi xảy ra va chạm. Câu đó càng cần thiết "nằm lòng" cho tất cả chúng ta khi dắt xe ra đường. Đã có không ít những vụ va chạm giao thông trở thành án mạng kinh hoàng không phải vì xe đâm chết người mà là vì người đâm chết nhau sau va chạm.

Bạn có thể có võ nghệ hoặc không, bạn có thể dạn đòn hoặc chưa từng to tiếng với ai ở đời, chưa bao giờ biết dùng vũ lực để phân biệt phải trái. Nhưng nếu khi bạn bị người khác va quệt vào mình, cũng chớ nên "nổi khùng" mà xô xát. Dù có bản lĩnh để đả lại đối phương, nhưng xô xát nơi công cộng có nên chăng?

Khi bạn trót va vào người ta, cho dù bạn sẵn sàng đền bù thiệt hại - thậm chí gấp đôi so với những gì mà mình gây ra - nhưng bấy giờ nếu không phải là tiền bạc mà bạn phải đối diện với những quả đấm vô lý từ một kẻ tự cho mình cái quyền được hành hung người mắc lỗi mình.

Tốt nhất nên tìm mọi cách để "những nắm đấm" ấy không xảy ra, đấu dịu giảng hòa được là ổn nhất. Nếu không ổn, hãy tìm đến lực lượng chức năng (là cơ quan công an gần nhất). Không phải không có lý do mà người ta cho phép người gây tai nạn chạy đến cơ quan công an trình báo và tự thú. (Tất nhiên phải cấp cứu người bị nạn rồi).

Trong bức tranh giao thông ngày nay, khi xe nọ vượt xe kia không phải bằng luật lệ mà bằng sự tranh giành, thì người đi đường, vốn đã bức xúc do biết bao áp lực của cuộc sống mưu sinh từ trước đó, đến khi xảy ra va chạm giở "luật rừng" ra là điều dễ hiểu. Không chỉ những tay hung hãn, côn đồ lao vào gây gổ, đập phá, đe nẹt. Mà ngay cả phái đẹp cũng tung võ mồm "tàn độc" không kém khi xảy ra va quệt.

Văn hóa giao thông tất nhiên, không chỉ được duy trì bằng sự kiềm chế mà còn có pháp luật. Khi va chạm xảy ra, nặng thì đã có pháp luật, nhẹ thì là sự thỏa thuận dân sự giữa đôi bên.

Đi đường dù cẩn thận đến đâu cũng không thể tránh hết được va chạm. Nếu chẳng may va chạm xảy ra, mà "đối phương", bất chấp đúng sai, phải trái cứ xông vào đánh mình thì mình sẽ phải làm gì? Hãy kiềm chế khi va quệt và vị tha khi bị va quệt. Đó là một nét đẹp trong văn hóa giao thông.

Nhưng trên hết, vẫn là chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông ở mọi nơi mọi lúc, kể cả khi không có lực lượng chức năng. Như vậy mới thể hiện là người văn minh lịch sự. Nếu ai cũng làm được như vậy, chắc chắn văn hóa giao thông sẽ sớm được thực hiện trên đường phố, nhất là tại thủ đô.

Nhịp sống ngày càng hối hả, nhiều áp lực, ai cũng vội vàng khi đi đường. Dù vội đến mấy, xin mọi người hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, đặc biệt cần biết kiềm chế khi chẳng may va quệt. Có như thế, văn hóa giao thông nói chung và "văn hóa ứng xử khi va quệt" nói riêng sẽ được thực thi, trật tự giao thông được lập lại, tai nạn giao thông sẽ giảm dần.

Đó là niềm hạnh phúc của tất cả mọi người. Lẽ nào chúng ta lại không làm theo?

Diễm Nguyệt

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bình Phước   Thái độ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...