15/04/2021 16:13  
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ trước tình cảnh bi đát, không có tiền trả lương cho hơn 11.000 lao động, nguy cơ không trụ vững hết tháng 4 này.

Văn bản của VNR nêu rõ kiến nghị về các vấn đề liên quan tới về việc xây dựng Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư và việc giao nguồn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Theo VNR, để thực hiện quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) quốc gia, VNR phải tổ chức một hệ thống nhân lực đồng bộ, chặt chẽ từ công ty mẹ tới các đơn vị cơ sở dọc các tuyến đường sắt với tổng số lao động là 11.315 người.

Hiện nay, bộ máy tổ chức của Cục Đường sắt Việt Nam chỉ có hơn 100 định biên (đa số là cán bộ văn phòng và lực lượng thanh tra an toàn giao thông đường sắt). Nếu thực hiện phương án theo Đề án được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất thì thực tế VNR vẫn phải bố trí đầy đủ  11.315 nhân lực như trên để thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài sản và tổ chức bảo trì tài sản KCHTĐS quốc gia, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ trở thành cơ quan trung gian làm chậm trễ, gây ách tắc quá trình thực hiện công tác bảo trì và điều hành giao thông vận tải, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu.

VNR cho biết, tính đến thời điểm này, do ảnh hưởng kéo dài, bất thường của đại dịch Covid-19 cũng như việc thi công gói đầu tư 7.000 tỷ thuộc nguồn vốn trung hạn, trong điều kiện đường đơn, vừa chạy tàu, vừa thi công, ngành đường sắt đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn.

Bên cạnh đó, các vướng mắc về kinh phí bảo trì KCHTĐS quốc gia năm 2021 vẫn chưa được giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 20 công ty thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống KCHTĐS quốc gia hiện chưa có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và đặc biệt là trả lương cho người lao động 4 tháng đầu năm 2021, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 25.000 lao động trong VNR.

"Nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì không có thu nhập. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021" - văn bản nêu rõ.

Nhằm khắc phục triệt để những tồn tại, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa phát triển ngành Đường sắt, VNR khẩn thiết kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nghiêm túc, thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 1956/VPCP-CN ngày 24/3/2021 về việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản KCHTĐS quốc gia.

Căn cứ Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, VNR kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế cho công tác quản lý, bảo trì tài sản KCHTĐS quốc gia giai đoạn từ năm 2021 trở về sau cho VNR như các năm trước.

Cần phải nói thêm rằng, tình hình nói trên cũng từng xảy ra hồi tháng 3/2020. VNR cho biết một số vướng mắc của VNR không phải do cơ chế chính sách. 

Việc giao dự toán ngân sách VNR cho biết theo định kỳ hàng năm thực hiện trước ngày 31/12, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách bảo trì để tuần đường, gác chắn hoạt động bình thường, đảm bảo hoạt động đường sắt. Tiếp đó, VNR ký hợp đồng công ích với 20 công ty của VNR với tổng số 11.315 người lao động trong khối hạ tầng, đảm bảo tuần đường gác chắn trên 1.519 đường ngang và 3.059 km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài đất nước.

Trước những bế tắc về dự toán ngân sách và tiền trả lương cho người lao động, lãnh đạo VNR đã khẳng định sẽ dừng chạy tàu đường sắt quốc gia trong tháng 4/2020. Sau đó, ngày 17/4/2020, VNR đã được giao tự toán ngân sách để duy trì hoạt động.

 Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Nghị định   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   kiến nghị   Đường sắt  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...