22/03/2021 20:11  
Nghiêm cấm cán bộ thanh tra sử dụng mạng xã hội trong giờ làm, nhận quà tặng của đối tượng thanh tra. Cán bộ cũng phải tránh các quan hệ xã hội có thể dẫn đến việc nhân nhượng trong thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Thông tư số 01/2021/TT-TTCP quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân (có hiệu lực từ ngày 1/5 tới).

"Không sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc"

Điều 5 Thông tư số 01/2021 quy định, khi giao tiếp qua điện thoại và các phương thức giao tiếp trực tuyến khác, cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, chức danh, chức vụ, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, cụ thể với âm lượng vừa đủ nghe, thái độ hòa nhã.

"Không sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc; không sử dụng thư điện tử, mạng xã hội để tuyên truyền, đăng tải thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan, đơn vị"- Thông tư nêu rõ.

Đồng thời ứng xử có văn hóa, tôn trọng danh dự, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác; chân thành, có tinh thần hợp tác, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Trong trường hợp cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có quan hệ công tác có phát ngôn, thái độ, hành vi không phù hợp thì phải bình tĩnh, chủ động, linh hoạt xử lý phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Việc phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cho cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ khi có kết luận chính thức của cấp có thẩm quyền và được lãnh đạo giao theo quy định của pháp luật.

Cán bộ, công chức, viên chức có thể trả lời phỏng vấn, khảo sát dựa trên kinh nghiệm công tác chuyên môn nhưng không được làm lộ bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của cơ quan, đơn vị.

"Tránh các quan hệ xã hội có thể dẫn đến việc phải nhân nhượng"

Thông tư số 01 yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước không được lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức, viên chức thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật; lạm quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; sử dụng phương tiện, tài sản của đối tượng thanh tra vì lợi ích cá nhân.

Tư vấn, môi giới cho các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và các công việc khác mà việc tư vấn, môi giới đó có khả năng gây phương hại đến lợi ích quốc gia, đến cơ quan, đơn vị.

Nghiêm cấm nhận quà tặng của đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức. Trường hợp không từ chối được phải báo cáo người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra để quản lý, xử lý quà tặng theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan thanh tra không được kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý trái pháp luật; báo cáo sai sự thật; bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật; truy ép, gợi ý cho đối tượng thanh tra trả lời, trình bày sự việc theo ý muốn chủ quan của mình.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức báo cáo với người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra khi cán bộ, công chức, viên chức thanh tra có mối quan hệ với đối tượng thanh tra có thể ảnh hưởng không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Báo cáo kịp thời với trưởng đoàn thanh tra khi phát hiện xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

"Tránh các quan hệ xã hội có thể dẫn đến việc phải nhân nhượng trong hoạt động thanh tra. Kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo với người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra khi phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực"- Thông tư số 01 nêu rõ.

Thế Kha

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   bí mật nhà nước   hành vi   hợp tác   kiến nghị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...