26/10/2020 18:20  
Tiềm lực KH&CN của đất nước được tăng cường. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Song trình độ phát triển KH&CN còn khoảng cách so với nhóm dẫn đầu khu vực.

Đó là những lời chia sẻ của bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) diễn ra chiều 26/10.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá: So với giai đoạn 2011 - 2015, năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng từ 4,3%/năm lên 5,8%/năm; Chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% lên 45,2%. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào tăng vốn, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Quản lý nhà nước về khoa học công nghệ có nhiều đổi mới. Hành lang pháp lý cho hoạt động của thị trường khoa học công nghệ được hình thành và ngày càng hoàn thiện. Hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng; nhiều thành tựu khoa học công nghệ hiện đại được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thông tin, xây dựng, y tế, phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 vừa qua,... đã góp quan trọng vào thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng, hiện nay, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra rất mạnh mẽ. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

“Trong thời gian qua, những thành tựu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã mang đến nhiều thành công cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Song nhìn chung, trình độ phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam còn khoảng cách so với nhóm dẫn đầu khu vực.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống và còn có thể kéo dài. Trong bối cảnh đó, để phát triển đất nước nhanh và bền vững, cần thiết phải phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói.

Chính vì thế, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiếp tục đổi mạnh mẽ và đồng bộ cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.

Chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng. Nâng cao năng lực nghiên cứu, tiến tới làm chủ một số công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi, công nghệ mũi nhọn, trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách và mang lại hiệu quả cao trong các lĩnh vực trọng yếu của đất nước.

Có chính sách hiệu quả trong thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Tiếp tục phát triển thị trường khoa học công nghệ. Nâng cao hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ; thông tin, thống kê và tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ. Phát triển mạnh mẽ và toàn diện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

“Bộ Khoa học và Công nghệ cần chú trọng và tiếp tục chương trình ươm mầm sáng tạo, khởi nghiệp trong thế hệ trẻ, nhằm hình thành thế hệ cán bộ khoa học trẻ với tư duy đổi mới, có đủ trí tuệ và năng lực hội nhập với thế giới, trong đó có đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trực tiếp sản xuất trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, cũng cần phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ, trước hết phục vụ yêu cầu phát triển của ngành và địa phương, đồng thời chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, nông thôn, miền núi...”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Nguyễn Hùng (ghi)

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Công nghệ   Việt Nam   Xã hội   chuyên gia   chính sách   công nghệ tiên tiến   doanh nghiệp   hợp tác   sáng tạo   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...