17/03/2021 22:45  

Quy hoạch giao thông năm lĩnh vực (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không và hàng hải - PV) cho ĐBSCL đã được Bộ Giao thông Vận tải hoàn tất và tới đây sẽ trình lên Chính phủ, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tại hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu diễn ra ở TP Cần Thơ vào cuối tuần vừa qua. Trong tháng 4 tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông nêu trên để Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

“Trong quá trình làm, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với 13 địa phương ĐBSCL và cũng yêu cầu các địa phương điều chỉnh quy hoạch giao thông của họ để kết nối với giao thông Trung ương thành một hệ thống giao thông vận tải tốt nhất”, ông Thể cho biết.  

Cảng lớn nhất ĐBSCL, tiếp nhận tàu 100.000 tấn

Ông Thể nhấn mạnh, bảng quy hoạch vận tải lần này đề cập đến một điểm mới, mang tính đột phá cho vùng ĐBSCL. Đó là sau khi nghiên cứu, Bộ Giao thông Vận tải thấy vùng này cần phải có một cảng nước sâu để đưa hàng hóa đi trực tiếp ra thế giới và ngược lại. “Do đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất quy hoạch cảng nước sâu Trần Đề với khả năng tiếp nhận tàu 100.000 tấn”, ông cho biết.

Theo ông Thể, việc đầu tư cảng Trần Đề sẽ theo hướng xã hội hóa bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư để hình thành cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL. “Cùng với sân bay quốc tế Cần Thơ và cảng biển Trần Đề, tôi tin chắc khu vực này sắp tới sẽ có chuyển đổi cơ cấu kinh tế rất tốt”, ông nhấn mạnh và cho biết thêm, một số vùng đất không còn tiềm năng, thế mạnh, bị nhiễn mặn được chuyển thành khu, cụm công nghiệp để tạo công ăn việc làm và sẽ là động lực cho phát triển vùng.

Theo tìm hiểu của KTSG Online, cảng biển Trần Đề được đề xuất quy hoạch thành cảng biển loại IA với tổng diện tích khoảng 5.750 héc ta, bao gồm khu dịch vụ, hậu cần, logistics và cầu cảng vượt ra hướng biển cách bờ khoảng 10-16 km. Dự kiến, tổng vốn đầu tư cảng biển Trần Đề khoảng 40.000 tỉ đồng.

Cảng biển Trần Đề dự kiến được kết nối vào tuyến cao tốc Châu Đốc - Long Xuyên (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng (sẽ hình thành trong tương lai). “Cao tốc từ Châu Đốc đến Long Xuyên - Cần Thơ và Sóc Trăng sẽ được nối đến cảng quốc tế Trần Đề. Chúng tôi cũng đã xây dựng xong việc xin chủ trương đầu tư và trong nhiệm kỳ này (2021-2025), chúng tôi sẽ cố gắng khởi công”, ông Thể cho biết.

5 năm tới, vốn cho giao thông ĐBSCL tăng gấp đôi

Ông Thể cho biết, về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, đối với lĩnh vực giao thông vận tải của vùng ĐBSCL, đơn vị này đã thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ đầu tư khoảng 57.000 tỉ đồng vào khu vực này.

Theo ông Thể, với nguồn lực như nêu trên, trong năm năm tới (2021-2025), tổng vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông vùng tăng 96% so với nhiệm kỳ trước đó (2016-2020), tức đạt 57.000 tỉ đồng so với 29.000 tỉ đồng của nhiệm kỳ trước.

“Chúng tôi nghĩ rằng, các tỉnh sẽ cùng với bộ sẽ cố gắng thực hiện tốt kế hoạch này để đến 2025, giao thông vận tải vùng ĐBSCL sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn, giúp cho khu vực này chuyển đổi và phát triển bền vững”, ông nhấn mạnh.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Cao tốc   Chính phủ   dịch vụ   logistics   quy hoạch   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...