09/01/2021 7:05  

Bắt tay” kéo giảm tội phạm

Báo cáo tổng kết 5 năm phối hợp cùng đảm bảo an ninh du lịch cho TP.HCM, thượng tá Nguyễn Thanh Tú, Phó trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an TP.HCM, cho biết tuy thực tế còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng qua 5 năm triển khai, hai đơn vị đã phối hợp thực hiện thành công nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP. Số lượt khách nước ngoài khai báo tạm trú cũng tăng đáng kể, trung bình từ 2016 đến hết năm 2019 mỗi năm có hơn 3,5 triệu lượt khách khai báo tạm trú.
Hai đơn vị đã phối hợp trong công tác kiểm tra 114 cơ sở phạm pháp hình sự  lưu trú, phát hiện 89 cơ sở vi phạm với các lỗi phổ biến như không thông báo lưu trú, không duy trì điều kiện với khách sạn đã được xếp hạng sao, không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về việc thay đổi người đại diện, không niêm yết giá công khai... Với các vụ việc trên, Thanh tra Sở Du lịch đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
“Việc xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động du lịch trên địa bàn TP giữa Công an TP và Sở Du lịch là phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn hoạt động du lịch cũng như tình hình an ninh trật tự. Quy chế đã xác định được các nội dung phối hợp cụ thể, quá trình thực hiện được sự lãnh đạo thường xuyên, sâu sát của lãnh đạo hai đơn vị, cán bộ đầu mối liên lạc hai bên có tinh thần trách nhiệm, chủ động trong công tác tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình phối hợp. Từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của hai lực lượng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn hình ảnh du lịch TP.HCM”, ông Tú đánh giá.
Là một trong những địa bàn trung tâm của TP, Q.1 với các công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử, văn hóa đa dạng thu hút rất đông du khách quốc tế đến tham quan du lịch. Thượng tá Nguyễn Trọng Đạt, Phó trưởng Công an Q.1, cho biết trong 5 năm qua, Công an Q.1 đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an TP, các cơ quan ban ngành thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Công an TP và Sở Du lịch.
Qua thống kê cho thấy, trước khi thực hiện quy chế phối hợp, ghi nhận 1.773 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến người nước ngoài nhưng từ năm 2016 đến nay phạm pháp hình sự xảy ra 1.085 vụ, trong đó có 207 vụ liên quan đến người nước ngoài bị xâm hại tài sản (trộm cắp tài sản, cướp giật...). Công tác phối hợp thực hiện quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch và xử lý các vụ việc về an ninh trật tự liên quan đến khách du lịch tương đối kịp thời, nhất là việc người nước ngoài bị mất tài sản, hỗ trợ giải quyết nhanh khi tiếp nhận tin báo mất giấy tờ, hộ chiếu, hoặc phối hợp trao đổi xử lý những vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch.
Ngoài ra, công an quận này còn phối hợp với các đơn vị chức năng trực thuộc Sở Du lịch để kiểm tra hướng dẫn phòng cháy chữa cháy ở các khách sạn và cơ sở lưu trú, các cơ sở vui chơi giải trí, tập trung đông khách du lịch, nhất là các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường...

Cướp giật, móc túi vẫn còn phức tạp

Sau 5 năm hai đơn vị thực hiện quy chế phối hợp, vấn đề an ninh, an toàn cho khách du lịch trên địa bàn TP đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, tình trạng cướp giật, móc túi, chèo kéo du khách vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Bà Nguyễn Trần Tâm Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Q.3), phản ánh điểm đến này cũng là một “điểm nóng” về an ninh, chính trị. Trung bình mỗi năm, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh phát hiện 1 - 2 vụ việc khách quốc tế mất tài sản khi đang tham quan, nghi ngờ do bị móc túi. Khu vực giao lộ Lê Quý Đôn - Võ Văn Tần cũng thường xuyên xảy ra tình trạng khách du lịch bị giật túi xách, giật điện thoại di động, taxi “dù”, người bán hàng rong chèo kéo khách... Ngoài ra, vào các dịp lễ, tính chất “nhạy cảm”, phức tạp trong công tác an ninh trật tự và an ninh chính trị tại bảo tàng này càng thể hiện rõ, nhân viên bảo tàng vừa phục vụ khách tham quan vừa như “ngồi trên đống lửa”, lo lắng và không ngừng cảnh giác.
Không chỉ tội phạm địa phương quấy rối du khách, hiện nay xuất hiện tình trạng khách du lịch “chui”, nhập cảnh trái phép đến TP.HCM tổ chức cờ bạc lừa đảo.
Thượng tá Nguyễn Thanh Tú thông tin tính đến tháng 9.2020, trên địa bàn TP.HCM có 836 doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế, 148 DN lữ hành nội địa, 71 chi nhánh - văn phòng đại diện tỉnh khác, 76 đại lý lữ hành, 14 công ty liên doanh và 20 văn phòng đại diện du lịch nước ngoài. Số lượng đông đảo DN lữ hành tại TP.HCM (chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước) là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy du lịch nội địa và du lịch quốc tế, góp phần quảng bá, xúc tiến du lịch TP.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn xảy ra tình trạng một số DN lữ hành chưa được cấp phép công khai kinh doanh, quảng cáo, chào bán sản phẩm du lịch giá rẻ, kém chất lượng, với hình thức trả tiền qua mạng, không bảo đảm quyền lợi của du khách. Không ít DN lữ hành quốc tế không tổ chức hoạt động tham quan, du lịch cho người nước ngoài mà chỉ tập trung vào việc bảo lãnh cho du khách nhập cảnh. Qua kiểm tra thực tế, đã có rất nhiều trường hợp sử dụng thị thực du lịch sai mục đích, thậm chí lao động chui, tổ chức đánh bạc trực tuyến hoạt động lừa đảo...
Bên cạnh đó, vẫn có một số DN lữ hành có hành vi lừa đảo khách du lịch, tình trạng khách VN lợi dụng du lịch nước ngoài và trốn ở lại vì nhiều mục đích, tập trung chủ yếu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Đáng chú ý, thời gian gần đây phát hiện nhiều người nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc cư trú quá hạn, nhập cảnh trái phép từ biên giới phía bắc đến TP.HCM.

Nên có cảnh sát du lịch ?

Để tiếp tục chấn chỉnh tình trạng người nước ngoài lợi dụng nhập cảnh du lịch vi phạm pháp luật, đại tá Phạm Ngọc Tiến, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM, đề xuất ngành du lịch tham mưu xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức bảo lãnh, các DN lữ hành - du lịch. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh nâng mức phạt và hình thức xử lý đối với các cơ quan, tổ chức và người nước ngoài vi phạm để tăng hiệu quả răn đe.
Đại diện Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist đề xuất TP.HCM cần có lực lượng chuyên trách về an ninh, an toàn cho khách du lịch như cảnh sát du lịch. Lực lượng này sẽ xử lý kịp thời và chuyên nghiệp khi khách gặp vấn đề về an ninh trong thời gian tham quan TP.
Hiện đội ngũ bảo vệ du khách của lực lượng thanh niên xung phong chỉ hỗ trợ, hướng dẫn khách chứ không có chức năng trấn áp, can thiệp mạnh với tội phạm cướp giật, người bán hàng rong chèo kéo khách.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Chính phủ   Công an   HCM   Nhật Bản   Trung Quốc   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   dịch vụ lữ hành   hành vi   kiến nghị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...