28/10/2020 16:10  
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện để xây dựng Hồ sơ đề nghị công nhận, công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 93/2015 về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan soạn thảo), khoản 2 Điều 3 Nghị định 93 quy định: Doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp hiện nay được Bộ Quốc Phòng giao thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh là các công ty con do Công ty mẹ Tập đoàn, Tổng công ty sở hữu 100% vốn điều lệ như Công ty TNHH MTV Thông tin M1, Thông tin M3 (thuộc Tập đoàn Viễn thông quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ); Công ty TNHH MTV Hải Sơn X50, Hải Minh X51 (thuộc Tổng công ty Sông Thu).

“Việc không được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng an ninh đã tạo ra một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế chính sách khi doanh nghiệp hạch toán kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh”- tờ trình dự thảo cho hay.

Hơn nữa, theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, việc quy định thời gian 3 năm phải thực hiện công nhận lại là doanh nghiệp quốc phòng an ninh đối với doanh nghiệp thuộc khối công nghiệp quốc phòng; bảo đảm kỹ thuật và các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chiến lược là ngắn, chưa phù hợp và thống nhất với thời gian thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của doanh nghiệp…

Vì thế, dự thảo nghị định đề xuất quy định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được thành lập hoặc tổ chức lại để thực hiện các nhiệm vụ mang tính ổn định, thường xuyên trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc bảo đảm bí mật và an ninh quốc gia và hoạt động theo loại hình sau: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; đã được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh...

Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trên cơ sở đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư định kỳ 5 năm.

Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành và 6 tháng trước kỳ phải công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện để xây dựng Hồ sơ đề nghị công nhận, công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; đồng thời gửi 3 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định.

Sau khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, lấy ý kiến của Bộ Tài chính và bộ quản lý ngành trong trường hợp cần thiết. Bộ Tài chính, bộ quản lý ngành phải có ý kiến về hồ sơ đối với các nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình trong vòng 15 ngày làm việc sau khi nhận được đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trường hợp có ý kiến khác nhau về những nội dung chủ yếu của hồ sơ đề nghị công nhận, công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp với các cơ quan liên quan để thống nhất các nội dung thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Dự thảo quy định, trong trường hợp thành lập mới doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, văn bản phê duyệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập mới doanh nghiệp được coi là quyết định công nhận doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Thế Kha

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Công an   Nghị định   Tài chính   Tập đoàn   chiến lược   chính sách   doanh nghiệp   sản xuất   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...