01/10/2020 3:17  
Về lý thuyết, các cuộc tranh luận tổng thống là nơi bàn những chủ đề quan trọng, nhưng thực tế đây là dịp để ứng viên thể hiện bản lĩnh.

Theo giới quan sát, sức hút của một ứng viên tổng thống Mỹ trong các cuộc tranh luận thường không chỉ nằm ở kiến thức của họ về chính sách. Những người có thể đưa ra phát ngôn ấn tượng được đánh giá cao hơn người thuyết trình dài dòng về các chủ đề phức tạp. Nói cách khác, phong cách được cho là quan trọng hơn nội dung tranh luận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần chứng minh điều này khi lấn át các đối thủ trong những phiên tranh luận tổng thống hồi năm 2016. Ông được đánh giá vận dụng kỹ năng của một sao truyền hình thực tế và tập trung nhiều hơn vào việc thu hút khán giả bằng những lời châm biếm, thay vì đưa ra bình luận chuyên sâu về các vấn đề.

Trong cuộc tranh luận trực tiếp hôm nay, Trump tiếp tục áp dụng chiến thuật quen thuộc, liên tục ngắt lời đối thủ Joe Biden, tung ra những lời công kích cá nhân thay vì tập trung vào trả lời các câu hỏi về cách ứng phó với Covid-19 hay chính sách phục hồi kinh tế.

Với nỗ lực gây ấn tượng trước công chúng dưới "ánh đèn sân khấu chính trị", nhiều ứng viên tổng thống Mỹ từng để lại dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử của các cuộc tranh luận.

Cuộc tranh luận giữa John Kennedy và Richard Nixon năm 1960 là lần đầu tiên sự kiện được phát sóng trên truyền hình. Chủ đề được bàn tán nhiều nhất là việc Kennedy đã trang điểm, còn Nixon từ chối. Giới sử học tranh cãi về mức độ ảnh hưởng của yếu tố này đối với thất bại của Nixon. Tuy nhiên, các bình luận đều đánh giá Kennedy trông trẻ trung và mạnh mẽ, trong khi Nixon hốc hác và nhợt nhạt.

Trong cuộc phỏng vấn năm ngoái, Julian Zelizer, giáo sư lịch sử tại Đại học Princeton, Mỹ, nhận định điều này đã giúp thiết lập "tiêu chuẩn" và hình thành quan điểm rằng "các cuộc tranh luận không đơn giản là về nội dung, mà còn cần hình thức".

Màn thể hiện của Kennedy được đánh giá đã thay đổi lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ, khiến các ứng viên nhận ra sức mạnh của truyền hình và tầm quan trọng của ngoại hình. Một số ứng viên thậm chí cảnh giác với tầm ảnh hưởng của truyền hình đến mức từ chối tranh luận, như tổng thống Lyndon Johnson hồi năm 1964. Nixon cũng không tham gia tranh luận trong cả hai chiến dịch năm 1968 và 1972.

Cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan, một cựu diễn viên, được cho là người tận dụng tốt các cuộc tranh luận tổng thống. Ông mang phong thái rất tự nhiên trước đám đông và có khả năng chiếm được cảm tình nhờ những câu đùa khéo léo. Kỹ năng này được thể hiện trong cuộc tranh luận với Jimmy Carter năm 1980.

Sau khi Carter trình bày một đoạn dài và phức tạp về chính sách y tế, Reagan mỉm cười nhìn thẳng vào đối thủ và nói: "Ông lại thế rồi". Những bài báo về cuộc tranh luận tại thời điểm đó mô tả Carter thiếu hài hước và quá nghiêm túc, trong khi Reagan được đánh giá "bình tĩnh và cư xử hợp lý".

Màn thể hiện của Reagan dường như chứng minh việc đưa ra câu đùa bất ngờ trong một cuộc tranh luận có thể làm cuộc hội thoại chuyển hướng nhanh chóng và "giáng đòn" vào đối thủ. Cựu thống đốc California cuối cùng đánh bại Carter, biến đối thủ thành tổng thống một nhiệm kỳ.

Reagan một lần nữa chứng tỏ bản lĩnh trong cuộc "so găng" năm 1984 với ứng viên đảng Dân chủ Walter Mondale. Sau màn thể hiện bị đánh giá yếu kém của Reagan trong buổi tranh luận đầu tiên trước Mondale, một số người bắt đầu lo ngại về tuổi tác của tổng thống 76 tuổi. Họ cảm thấy ông đã quá già để phục vụ nhiệm kỳ thứ hai.

Tuy nhiên, trong buổi tranh luận tiếp theo, khi người dẫn chương trình hỏi Reagan rằng tuổi tác của ông có phải điều đáng lo hay không, cố tổng thống Mỹ cho biết ông "sẽ không biến tuổi tác thành một vấn đề của chiến dịch". "Tôi sẽ không lợi dụng sự non trẻ và thiếu kinh nghiệm của đối thủ vì mục đích chính trị", Reagan đáp.

Khán giả, thậm chí cả Mondale, đều bật cười trước câu trả lời hóm hỉnh này. Sức hút đã mang lại lợi thế cho Reagan một lần nữa và giúp ông tái đắc cử.

Đôi khi, yếu tố giúp đánh giá màn thể hiện của các ứng viên trong buổi tranh luận không chỉ nằm ở lời nói, mà cả cử chỉ, như cuộc đối đầu năm 1992 giữa George H.W. Bush và Bill Clinton.

Khi một khán giả bắt đầu đặt câu hỏi cho Bush về nợ quốc gia, ông đã nhìn nhanh xuống đồng hồ, gây cảm giác ông không quan tâm đến vấn đề, hoặc không có thời gian lắng nghe mối lo ngại của người dân Mỹ. Ông chịu thất bại trước Clinton và chỉ phục vụ một nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, cử chỉ lại là yếu tố giúp George W. Bush, con trai George H.W. Bush, ghi điểm trong cuộc tranh luận năm 2000 với Al Gore. Người giữ chức phó tổng thống Mỹ lúc đó đã công kích Bush gay gắt suốt buổi tranh luận. Có thời điểm, khi Bush đang trả lời câu hỏi, Gore đột ngột đứng dậy và tiến về phía ông.

Gore dường như muốn gây áp lực cho đối thủ bằng hành động này, nhưng không hiệu quả. Bush đã nhìn ông và gật đầu nhẹ, khiến đám đông bật cười, rồi tiếp tục trình bày câu trả lời. Đội ngũ của Gore sau đó nhận định ông đã thắng về chính sách, nhưng thất bại vì cách cư xử.

Cuộc "so găng" giữa Barack Obama và ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney năm 2012 cũng được cho là đáng nhớ. "Thập niên 1980 đang đòi trả lại chính sách đối ngoại, bởi Chiến tranh Lạnh đã trôi qua được 20 năm", Obama phát biểu trong buổi tranh luận.

Đây được cho là câu nói ấn tượng nhất của cựu tổng thống Mỹ khi đối đầu với Romney, trong bối cảnh ông đang tìm cách bác bỏ quan điểm của đối thủ rằng Nga là "kẻ thù địa chính trị số một" với nước Mỹ. Phát ngôn này nằm trong số những điều được nhắc tới nhiều nhất sau cuộc tranh luận, trở thành "đòn giáng" mạnh vào Romney, người cuối cùng thất bại.

Tuy nhiên, ấn tượng về phát ngôn của Obama không tồn tại lâu, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Điều này chứng minh ứng viên tổng thống không nhất thiết phải thể hiện tầm nhìn đúng đắn để giành chiến thắng trong cuộc tranh luận.

Ánh Ngọc (Theo Business Insider)

Nguồn tin: vnexpress.net


Barack Obama   Covid   Covid-19   Donald Trump   Joe Biden   Kỹ năng   Nga   Trump   Tổng thống   chính sách   diễn viên   khán giả   khán giả   tập trung  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...