17/09/2022 0:05  
Sang chấn tuổi thơ là tình trạng tâm lý xảy ra rất phổ biến trong xã hội. Nhưng, những ảnh hưởng từ tình trạng này vẫn chưa được đánh giá đúng và có hướng khắc phục kịp thời, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe tinh thần của trẻ em, thậm chí kéo dài đến suốt cuộc đời.

Nhận diện sang chấn tuổi thơ

Nhà trị liệu tiềm thức Liam Đặng định nghĩa sang chấn tuổi thơ là những vấn đề tiêu cực xảy ra ở tuổi thơ mà con người phải chịu trong trạng thái bị động. Bởi vì lúc nhỏ chúng ta thường không có sự chủ động, chịu ảnh hưởng bởi các tác nhân xung quanh. Những vấn đề tiêu cực đó tạo thành một vết hằn trong tiềm thức của đứa trẻ và sẽ tác động đến đứa trẻ cả đến khi đã trưởng thành.

Sang chấn tuổi thơ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của con người. Một người trải qua tuổi thơ càng bất hạnh thì càng tăng nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, tim mạch, tiểu đường, đột quỵ...  Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Los Angeles (Mỹ), những trẻ em trải qua các sự kiện tiêu cực thời thơ ấu thường có các hành vi tiêu cực và dễ bị các biến chứng về tâm lý nguy hiểm như trầm cảm, xấu hổ, sợ hãi, lo lắng, cáu gắt...

Tuy nhiên, các vấn đề sức khỏe tinh thần và thể chất nêu trên đôi khi bị nhầm lẫn với các tình trạng bệnh lý khác. Người bị ảnh hưởng bởi sang chấn tuổi thơ không nhận diện được nguyên nhân, đó là lý do khiến các tình trạng trên kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống. 

Theo bà Liam Đặng: “Để nhận diện sang chấn tuổi thơ, chúng ta nên xem trong cuộc sống hiện tại chúng ta có bị “vướng” điều gì không. Chúng ta có dễ nổi nóng, bốc đồng không. Hay cách chúng ta nhìn cuộc đời đang tích cực hay tiêu cực...”.

Một số cách khác để nhận diện sang chấn tuổi thơ là nhìn vào cách mà chúng ta đối mặt và giải quyết một vấn đề, ta có dám đối diện và xử lý nó không, hay trốn tránh; hoặc nhìn vào nỗi sợ của bản thân, chúng ta đang sợ hãi điều gì. Bởi vì những sang chấn tuổi thơ sẽ tác động lên nỗi sợ của con người, từ đó ảnh hưởng đến hành động và suy nghĩ của họ. Nếu cách chúng ta hành động đang tiêu cực nhưng lý do không bắt nguồn từ những sự việc hay con người trong cuộc sống ở hiện tại, rất có thể ta đang gặp vấn đề liên quan đến sang chấn tuổi thơ. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Danny Võ - diễn giả truyền cảm hứng về sức khỏe tinh thần chia sẻ: “Cách nhận diện đơn giản nhất là thỉnh thoảng dành ra 5 - 10 phút để xem nỗi sợ của mình nằm ở đâu và mình dùng phương pháp loại trừ để xem cái nỗi sợ có nằm ở xã hội, tuổi thơ hay ba mẹ hay không... Chúng ta bắt đầu từ những nỗi sợ, nếu nỗi sợ liên quan đến một vấn đề trong quá khứ, trong tuổi thơ, nghĩa là chúng ta đang bị sang chấn tuổi thơ”.

“Chữa lành” cho chính mình

Có rất nhiều cách khác nhau để phá bỏ những chướng ngại tâm lý, cảm xúc và thể chất do sang chấn tuổi thơ gây nên. Thực tế, khả năng tự chữa lành của con người là rất lớn. Nhiều người có thể sử dụng ý thức để đẩy những sang chấn tuổi thơ và tự phục hồi. Tuy nhiên vẫn có một phần lớn người bị ảnh hưởng bởi sang chấn tuổi thơ không thể tự mình thoát ra hoặc không thể tự kết nối với tiềm thức để tháo gỡ những “nút thắt” trong lòng. Vì vậy, họ cần sự hỗ trợ từ những người xung quanh hoặc chuyên gia, bác sĩ tâm lý để kết nối họ vào tiềm thức của chính mình.

Reiki - phương pháp trị liệu tinh thần có nguồn gốc từ Nhật Bản - là một biện pháp hiệu quả trong điều trị sang chấn tuổi thơ. Ngoài ra còn nhiều phương pháp khác để điều trị sang chấn tuổi thơ hiệu quả như: Ăn chay, tập yoga, chuông xoay, thiền, thêu... Việc thử qua nhiều phương pháp và sau đó tự cảm nhận hiệu quả của các phương pháp đó đem lại, chúng ta sẽ tìm được cách chữa lành phù hợp nhất với mình. 

Điều trị sang chấn tuổi thơ không chỉ đòi hỏi bản thân người gặp sang chấn phải nỗ lực vượt qua, mà còn rất cần đến sự thấu hiểu, hỗ trợ từ những người xung quanh. Bởi chỉ khi thấu hiểu thì mới có sự đồng cảm và yêu thương. Nói về cách để thấu hiểu, ông Danny Võ chia sẻ công thức LOVES: 

“Chữ thứ nhất là lắng nghe (Listen), để thấu hiểu, chúng ta phải dành thời gian lắng nghe người khác nhiều hơn. Chữ thứ hai là cởi mở (Open), muốn thương người khác thì chúng ta phải mở lòng ra và tiếp nhận những thông tin từ những người xung quanh mình. Chữ thứ ba là giá trị (Value), mình muốn hiểu người ta thì mình phải biết mình có những giá trị nào, có những điểm mạnh, điểm yếu gì thì chúng ta mới dễ dàng lắng nghe, cảm thông và thấu hiểu họ. Chữ thứ tư là năng lượng (Energy), năng lượng luôn xung quanh chúng ta, những người xung quanh khi có cùng năng lượng với nhau thì mới hút nhau. Mình phải hiểu năng lượng của mình là gì thì mình mới có thể lan tỏa, kết nối năng lượng với mọi người. Cuối cùng là giác quan (Sense), muốn hiểu, muốn thương không phải chỉ qua lời nói mà còn phải dùng cả các giác quan để “cảm”.

Ngày nay, có một nhiệm vụ quan trọng mà các bậc phụ huynh cần phải làm, đó là bảo vệ cho con trẻ của mình tránh khỏi nguy cơ bị sang chấn tuổi thơ. Để làm được điều đó, trước hết, chúng ta phải làm bạn với con. Nguyên tắc đầu tiên để làm bạn với con là sự tôn trọng.

Khi chúng ta tôn trọng con trẻ như một người bạn tri kỷ, chúng ta sẽ tạo cho con một cảm giác an toàn. Như vậy, tự động con trẻ sẽ mở lòng ra và chia sẻ với chúng ta như một người bạn. Thứ hai, hãy cho con cái quyền được quyết định. Đó cũng là bước để xây dựng cho con trẻ một nền tảng vững chắc để con trưởng thành.

Con trẻ có quyền quyết định và chịu trách nhiệm cho những quyết định đó. Việc tự quyết định sẽ đưa đứa trẻ vào lộ trình của một người trưởng thành, một người độc lập, không phụ thuộc và không đổ thừa cho hoàn cảnh.

Một tinh thần lạc quan sẽ là nền tảng để xây dựng một cơ thể khỏe mạnh. Vì vậy quan tâm đến sức khỏe tinh thần, chữa lành những sang chấn trong quá khứ của bản thân và của những người xung quanh có thể xem là sứ mệnh của tất cả mọi người, góp phần xây dựng một môi trường sống lành mạnh, tốt đẹp hơn...

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Nhật Bản   chuyên gia   hành vi   tiểu đường   yoga  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...