01/03/2021 20:40  
Brahma Chellaney - Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi nhận định, lời kêu gọi của phương Tây về việc trừng phạt Myanmar vì những bất ổn chính trị lúc này sẽ dẫn đến một sự cô lập quốc tế ngày càng lớn đối với quốc gia mang tính chiến lược trong khu vực. Và kịch bản này sẽ là sai lầm.
Theo ông Brahma, cách tiếp cận trừng phạt sẽ đi kèm cái giá phải trả là làm đình trệ quá trình tự do hóa kinh tế của Myanmar, cản trở sự phát triển của xã hội dân sự cũng như đảo ngược sự chuyển hướng của nước này sang việc gắn kết chặt chẽ hơn với các cường quốc dân chủ. Vì thế, "nạn nhân" thực sự của các biện pháp trừng phạt sẽ là dân thường vô tội, thay vì các nhà lãnh đạo hay tướng lĩnh.
"Trong thập kỷ trước, khi quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar diễn ra, phương Tây đã bỏ qua việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với một lực lượng không nhỏ đứng sau - quân đội. Thay vào đó, cách tiếp cận phổ biến khiến tất cả chỉ tập trung vào bà Aung San Suu Kyi", Giáo sư Brahma Chellaney - tác giả của loạt cuốn sách nghiên cứu về châu Á - viết trong một bài xã luận trên tờ Bangkok Post.
Cách tiếp cận mất cân bằng này của phương Tây được cho cũng đã góp phần vào chính biến hôm 1/2 tại Myanmar. Rõ ràng, Mỹ hiện có rất ít ảnh hưởng đối với quân đội Myanmar, khi thủ lĩnh cuộc đảo chính - Tướng Min Aung Hlaing và cấp phó của ông, Tướng Soe Win - những người đã chịu các lệnh trừng phạt của Washington cách đây 14 tháng, do quyết định trục xuất người Hồi giáo Rohingya của quân đội Myanmar.
Bất chấp hiệu quả không rõ ràng và những hậu quả khó lường, các biện pháp trừng phạt vẫn là một công cụ ưa thích trong ngoại giao phương Tây, đặc biệt là khi đối phó với những nước nhỏ. Ngược lại, theo ông Brahma, các nền dân chủ ngoài phương Tây lại thích những tương tác mang tính xây dựng.
Chẳng hạn, Nhật Bản có một chương trình hợp tác với quân đội Myanmar, bao gồm hỗ trợ và đào tạo nâng cao năng lực. Tương tự như vậy, quan hệ quốc phòng của Ấn Độ với Myanmar cũng được duy trì thông qua các cuộc tập trận và hoạt động chung, cũng như cung cấp khí tài quân sự - một phần là nhằm ngăn chặn thế lực bên ngoài cung cấp vũ khí và các khoản viện trợ khác cho quân nổi dậy vào Ấn Độ thông qua miền Bắc Myanmar.
"Các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu từ cuối những năm 1980 đã mở đường cho Trung Quốc trở thành đối tác thương mại và nhà đầu tư thống trị của Myanmar", Giáo sư Brahma Chellaney viết, "nhưng vào năm 2011, việc Myanmar mạnh dạn đình chỉ một siêu dự án gây tranh cãi - đập Myitsone - đã trở thành một bước ngoặt cho sự mở cửa dân chủ của đất nước... giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, cân bằng chính sách đối ngoại và thúc đẩy cải cách trong nước".
Những nỗ lực - tương tự lời cảnh báo trừng phạt Naypyidaw của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây - có thể lại là một sự cô lập dễ bị lợi dụng đối với quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng, và được tin là "một cửa ngõ chiến lược" để từ Đông Nam Á tiến vào Ấn Độ Dương, như Myanmar.
Do đó, theo Giáo sư Brahma, để nắm bắt được "quỹ đạo" của Myanmar lúc này, chính quyền Biden nói riêng và phương Tây nói chung không có lựa chọn nào khác ngoài việc khắc phục một điểm yếu trong chính sách của mình - thiếu mối quan hệ với quân đội tại quốc gia mà chủ nghĩa dân tộc vẫn còn mạnh mẽ. 

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Joe Biden   Nhật Bản   Trung Quốc   Tổng thống   chiến lược   chính sách   hợp tác  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...