04/03/2021 21:45  

Trao đổi với TBKTSG Online chiều 4-3, ông Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội) cho biết, hiệp hội đã có cuộc họp với Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) về thông tin thiếu hụt nguồn cung ứng phân bón DAP và những kiến nghị của doanh nghiệp xung quanh việc tạm hủy thuế tự vệ đối với sản phẩm DAP nhập khẩu.

Theo ông Hà, hiện bên nhà sản xuất DAP và nhà nhập khẩu DAP có những ý kiến trái chiều về tình trạng khan hiếm DAP trên thị trường khiến giá DAP tăng vọt nên sau cuộc họp, Cục Phòng vệ Thương mại và Hiệp hội thống nhất với nhau sẽ phải đợi các bên có liên quan (doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp nhập khẩu phân bón DAP – PV), báo cáo số liệu cụ thể. Từ đó, mới đưa ra quyết định có tiếp tục gia hạn thuế tự vệ đối với phân bón DAP nhập khẩu hay hủy bỏ loại thuế này.

Cũng theo ông Hà, hiện thông tin về sản lượng DAP sản xuất trong nước không được các doanh nghiệp báo cáo đến Hiệp hội. Do đó, việc thiếu hay thừa sản phẩm DAP vẫn là một “ẩn số”. “Nhanh nhất trong một đến hai tuần nữa sẽ có kết quả”, ông Hà nói với TBKTSG Online.

Nhà nhập khẩu nói thiếu hụt phân bón DAP

Trước đó, từ cuối năm 2020 đến nay, giá phân bón tăng đột biến, đặc biệt là sản phẩm DAP - một loại phân vô cơ với thành phần chính là đạm (18%) và lân (46%) dễ hấp thu cho cây trồng nhưng phải nhập khẩu khoảng 60-70%. Ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam, một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành phân bón tại Việt Nam, cho biết, đến sáng ngày 4-3, báo giá nhập khẩu phân bón DAP Trung Quốc về Việt Nam đã chạm mức 16 triệu đồng/tấn, tăng hơn 6 triệu đồng/tấn so với thời điểm hồi tháng 11-2020.

Trên thị trường, giá các loại phân DAP sản xuất trong nước của hai nhà máy là nhà máy DAP Lào Cai và nhà máy DAP Đình Vũ (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem) cũng đã tăng gần 2 triệu đồng/tấn, hiện ở mức 10,4 triệu đồng/tấn. 

Theo đánh giá của ông Hải, dù giá tăng cao nhưng hiện tại, lượng tồn kho các sản phẩm DAP nhập khẩu tại Việt Nam không còn nhiều, trong khi mùa vụ hè thu đang đến gần, nhu cầu sử dụng DAP cho sản xuất là rất lớn. Cụ thể, tồn kho DAP của Vinacam đến đầu tháng 3-2021 là bằng không, trong khi những năm trước, thời điểm này, Vinacam có ít nhất trong kho từ 30.000 - 40.000 tấn DAP sẵn sàng đưa ra thị trường.

“Với kinh nghiệm của mình và qua khảo sát hệ thống đại lý, Tập đoàn Vinacam cho rằng tình hình thiếu hụt DAP trong nước hiện nay là rất nghiêm trọng”, ông Hải nhận định.

Trước tình hình trên, Vinacam đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP (một loại phân bón lá cao cấp) nhập khẩu. Qua đó, bổ sung nguồn hàng nhập khẩu cho thị trường Việt Nam, giúp các giao dịch trên thị trường trở lại bình thường.

Doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước nói đủ

Tuy nhiên, phản hồi trước thông tin khan hiếm nguồn cung DAP, đại diện các nhà máy sản xuất DAP trong nước cho rằng, thông tin này chưa chính xác. Hiện nay, tại Việt Nam có ba nhà máy sản xuất DAP gồm nhà máy DAP Đình Vũ và nhà máy DAP Lào Cai (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) và nhà máy DAP Đức Giang với tổng công suất thiết kế khoảng 810.000 tấn/năm.

Trả lời trên báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 3-3, đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), cho rằng năm 2020, do khó khăn về thị trường tiêu thụ nên hai nhà máy DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai chưa huy động hết công suất. Để giảm hàng tồn kho, hai đơn vị này phải tìm thêm thị trường xuất khẩu.

Riêng trong hai tháng đầu năm 2021, sản lượng DAP nhà máy DAP Đình Vũ đạt trên 46.000 tấn, tăng 162,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhà máy DAP Lào Cai cũng có mức tăng trưởng tương ứng về sản lượng. Hai nhà máy này khẳng định đảm bảo cung ứng ra thị trường sản lượng 24.000 - 26.000 tấn/tháng trong 2 tháng tới.

Trước đó, để bảo trợ cho các nhà máy sản xuất trong nước, chủ yếu là DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai (trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), ngày 2 tháng 3 năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản số 686/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP.

Theo đó, mức thuế tự vệ đối với các sản phẩm DAP nhập khẩu là 1.128.531 đồng/tấn, sau đó được gia hạn đến ngày 6-3-2019. Từ ngày 7-3-2019 đến ngày 6-3-2020, mức thuế là 1.072.104 đồng/tấn. Đến tháng 3-2021 cũng là thời hạn rà soát để xem xét việc gia hạn thuế tự vệ đối với phân bón nhập khẩu DAP và MAP.

Theo đánh giá của ông Vũ Duy Hải, sau hơn ba năm thực hiện, biện pháp tự vệ thương mại đối với sản phẩm phân bón DAP nhập khẩu đã phần nào phát huy tác dụng bảo trợ sản xuất trong nước. Hai nhà máy DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai nhờ có giá bán thấp hơn sản phẩm nhập khẩu nên đã dần tìm kiếm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và có tham gia xuất khẩu.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, việc tiếp tục duy trì biện pháp áo thuế tự vệ và thuế nhập khẩu nói trên góp phần khiến giá phân bón trong nước ở mức cao. Từ đó, làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

“Hiện, doanh nghiệp không dám nhập hàng về vì giá cao, khó tiêu thụ. Do đó, điều cần thiết bây giờ là áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm hủy thuế tự vệ ngay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, kịp thời cung cấp ra thị trường đúng mùa vụ cho bà con nông dân”, ông Hải cho biết. 

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Hiệp hội   Trung Quốc   Việt Nam   doanh nghiệp   kiến nghị   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...