04/04/2021 18:11  
Cây bình bát mọc tự nhiên rất nhiều ở bờ sông, ít khi người dân quan tâm đến. Một nhóm sinh viên đại học Trà Vinh lấy hạt cây bình bào chế thành thuốc trừ sâu cho cây trồng.

Ngày nay ảnh hưởng của dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật còn là bài toán nan giải khi các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng một cách tùy tiện, gây độc hại với người sử dụng, ô nhiễm môi trường và có thể gây ảnh hưởng đến cây trồng nếu không kiểm soát tốt liều lượng.

Từ thực tế trên, nhóm sinh viên Trường Đại học Trà Vinh gồm: em Nguyễn Thị Tiểu Mi (lớp Đại học Ngôn ngữ Anh A khóa 2017), em Nguyễn Phương Khánh (lớp Đại học Hóa học ứng dụng khóa 2016) và em Nguyễn Thị Ngọc Hân (lớp Đại học Quản trị Kinh doanh tổng hợp B khóa 2018) đã tìm tòi, nghiên cứu dùng hạt cây bình bát để tạo thành Chế phẩm sinh học phòng trừ sâu cho cây trồng.

Cây Bình bát được xem như là một trong những loại cây thích ứng với biến đổi khí hậu, cây có thể thích nghi với môi trường sống khác nhau. Là một trong các loại dược liệu được tận dụng từ lá, thân, rễ, trái và ngay cả hạt bình bát cũng được bà con nông dân tận dụng một cách triệt để nhưng hiệu quả chưa cao.

Em Nguyễn Thị Tiểu Mi, Trưởng nhóm nghiên cứu dự án cho biết: "Chế phẩm là sự kết hợp của dịch chiết hạt bình bát và nano kẽm mang thương hiệu Bio-Exa, sản phẩm có chức năng bảo vệ thực vật, phòng trừ các loài sâu bệnh trên cây ăn quả, rau màu".

Sản phẩm được đóng chai với dung tích 250ml với liều lượng phun xịt là 125ml cho bình 16 lít. Chế phẩm sinh học có chứa nano kẽm có thể phòng trừ các loại sâu, rệp hại cây trồng, hiệu quả của sản phẩm được tăng lên do ứng dụng công nghệ nano, đồng thời sản phẩm còn tăng khả năng hấp thụ các chất cho lá mà vẫn an toàn cho sức khỏe của người sử dụng đặc biệt là thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế nông nghiệp xanh với quy trình độc đáo, sáng tạo, tiết kiệm chi phí sản xuất. 

Em Nguyễn Phương Khánh, thành viên nhóm nghiên cứu bày tỏ sự mong muốn đem đến cho cộng đồng một sản phẩm trừ sâu sinh học có nguồn gốc từ thiên nhiên, tiện ích, tiết kiệm thời gian góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp ở nước ta.

Đặc biệt là tạo ra sản phẩm sinh học thay thế các sản phẩm khác bảo vệ môi trường, tạo cơ hội việc làm cho bà con lao động và khẳng định bản thân và làm giàu chính đáng.

Theo nhóm nghiên cứu, để sản xuất sản phẩm cần lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào. Nguyên liệu sau khi đạt chuẩn và được chọn sẽ tiến hành rửa sạch loại bỏ phần vỏ và thịt lấy hạt và sấy khô hạt.

Sau khi đã có hạt sấy khô tiến hành nghiền nhuyễn hạt, trích ly, lọc và thu được dịch chiết từ hạt bình bát theo quy trình tách chiết. Sau đó, tổng hợp chế phẩm sinh học theo quy trình kết hợp với một số tinh dầu và dược liệu trong tự nhiên và đóng chai thành phẩm.

Ông Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Trường Đại học Trà Vinh cho biết: "Chế phẩm góp phần giúp cho cây giúp tăng cường quá trình quang hợp, tổng hợp protein, giảm rụng hoa và quả non,…Góp phần tăng năng suất cây trồng.

Sản phẩm đem lại hiệu quả diệt sâu, rệp với liều lượng nhỏ, an toàn với người sử dụng, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí, tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có ở địa phương, quy trình tổng hợp chuyên nghiệp và an toàn đã đánh dấu sự khác biệt và nổi bật của sản phẩm.

Nguyễn Hành - Hoàng Nam

Nguồn tin: dantri.com.vn


Khởi nghiệp   Kinh doanh   hành vi   làm giàu   sáng tạo   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...