09/10/2020 20:20  
Trung Quốc vẫn chưa có phản hồi chính thức sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt vì dịch Covid-19.

Trong một video được đăng trên Twitter ngày 8/10, Tổng thống Donald Trump, người vừa trở về Nhà Trắng sau 4 ngày điều trị Covid-19 tại bệnh viện, đã tuyên bố rằng Trung Quốc “sẽ trả giá đắt vì những gì họ đã làm với thế giới, và với chúng ta”. Đây là video cảnh báo thứ 2 được ông Trump gửi tới Bắc Kinh trong 24 giờ.

Cả hai video của Tổng thống Trump đều được quay với bối cảnh khuôn viên Nhà Trắng. Đây là một phần trong hàng loạt dòng tweet, video và bài viết được Tổng thống đăng tải trong những ngày gần đây, khi ông tìm cách xây dựng hình ảnh của một nhà lãnh đạo quay trở lại làm việc sau khoảng thời gian dưỡng bệnh.

Ông Trump sau đó tiếp tục xuất hiện trên kênh Fox Business hôm 9/10 và gửi thông điệp tới Trung Quốc.

“Họ muốn tôi vui vẻ”, ông Trump nói, ngụ ý tới chính quyền Trung Quốc.

“Vì họ biết rằng tôi là người rất nóng nảy khi nhắc tới họ và tôi phát ốm với họ. Mọi thứ chúng ta phải gánh chịu, liên quan tới Covid, vi rút Trung Quốc, là do họ. Hãy nhìn lại các dịch bệnh khác mà chúng ta từng mắc phải cũng do họ - đây không phải lần đầu tiên”, ông Trump nhấn mạnh.

Thông điệp của Tổng thống Trump cũng được “phó tướng” của ông, Phó Tổng thống Mike Pence, nhắc lại trong cuộc tranh luận với ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris vào tối 7/10.

“Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì Covid-19, và Tổng thống Trump không hài lòng vì điều đó. Ông ấy đã nói rõ như vậy và hôm nay sẽ nói rõ thêm một lần nữa”, ông Pence cho biết.

“Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới đã không trung thực với người dân Mỹ. Họ đã không cho người của chúng ta vào Trung Quốc để lấy thông tin về Covid-19 cho tới giữa tháng 2”, ông Pence nói thêm.

Ông Pence cũng cho biết Tổng thống Trump sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc vì Bắc Kinh “đã lợi dụng Mỹ suốt nhiều thập niên qua”.

Sự im lặng của Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bình luận về những phát biểu của các quan chức Mỹ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng gần như không đề cập gì tới những cảnh báo của Tổng thống Trump. Global Times, ấn phẩm phụ của People’s Daily - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa tin về video của Tổng thống Trump, nhưng đã chỉnh sửa những bình luận của ông về Trung Quốc.

Các quan chức cấp cao của Trung Quốc từng nhiều lần tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không “nhảy theo điệu của Mỹ” và sẽ không bước vào con đường của một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”.

Các học giả Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh nên thực hiện chiến thuật bất cân xứng để đối phó với các chính sách cứng rắn của chính quyền Trump, từ đó tránh những đòn đáp trả ăn miếng trả miếng.

Mặc dù ông Trump liên tục đưa ra những bình luận cứng rắn với Trung Quốc, song giới phân tích nhận định ít có khả năng xảy ra các hành động cực đoan như một chiến dịch quân sự.

“Khó có thể nói là Trung Quốc phải chịu trách nhiệm được. Quan hệ Mỹ - Trung chưa bao giờ tồi tệ như lúc này, nhưng chiến tranh khó có thể xảy ra”, Pang Zhongying, nhà phân tích quan hệ quốc tế tại Đại học Hải Dương ở Trung Quốc, nhận định.

Theo ông Pang, nhiều nhân viên trong chính quyền Trump và đội ngũ tranh cử của ông mắc Covid-19. Điều này đã giới hạn khả năng của ông chủ Nhà Trắng trong việc thực hiện hành động mạnh tay với Trung Quốc.

Tuy nhiên chuyên gia Pang thừa nhận, ông Trump có thể coi việc ông mắc Covid-19 là vấn đề nghiêm trọng và làm thay đổi quan điểm của ông về Trung Quốc.

Michael Hirson, một nhà phân tích về Trung Quốc tại Eurasia Group, cho rằng việc Tổng thống Trump trở thành nạn nhân của một loại vi rút mà ông gọi là “vi rút Trung Quốc” có thể khoét sâu thêm tâm lý “thù ghét” Bắc Kinh. Kịch bản này càng dễ xảy ra nếu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng. Khi đó, Tổng thống Trump sẽ tìm cách đổ lỗi cho Trung Quốc và thúc đẩy các biện pháp cứng rắn trong 2 tháng cuối nhiệm kỳ.

“Nếu Tổng thống đối mặt với những hệ quả nghiêm trọng về sức khỏe do vi rút, sự bất mãn đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng cao và kéo dài hơn”, Hirson, người từng là đại diện của Bộ Tài chính Mỹ ở Bắc Kinh, nhận định.

Tổng thống Trump mắc Covid-19 vào tuần trước và nhanh chóng nhập viện. Kể từ đó, hơn 30 cố vấn cấp cao và nhân viên Nhà Trắng cũng mắc Covid-19.

Cho tới cuối tháng 2, trước khi đại dịch càn quét nước Mỹ, ông Trump vẫn nhiều lần ca ngợi Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình vì những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên tới tháng 5, ông Trump đã cứng rắn hơn với Trung Quốc và bắt đầu gọi Covid-19 là “vi rút Trung Quốc”.

Kể từ mùa hè năm nay, khi số ca nhiễm tăng vọt tại Mỹ, Tổng thống Trump công khai chỉ trích Trung Quốc. Trong cuộc tranh luận đầu tiên với đối thủ Joe Biden hôm 29/9, ông Trump thẳng thừng gọi Covid-19 là dịch bệnh Trung Quốc.

Theo Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung tại Bắc Kinh, cho rằng mối quan hệ này sẽ không xấu đi nhanh chóng.

“Tôi không nhận thấy có bất kỳ sự leo thang đáng kể nào từ những bình luận của Tổng thống Trump, mặc dù ông Trump có thể áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào các vấn đề như Biển Đông, Hong Kong, Tân Cương. Ông ấy có thể tăng cường ủng hộ ngoại giao với Đài Loan hoặc cử thêm quan chức cấp cao tới đây”, chuyên gia Shi cho biết.

Các phương án khả thi khác mà chính quyền Trump có thể triển khai bao gồm đẩy mạnh thực thi pháp luật chống lại các hoạt động xâm nhập của Trung Quốc, hoặc áp đặt thêm rào cản thị trường với các công ty Trung Quốc đang làm ăn tại Mỹ. Theo chuyên gia Shi, các biện pháp này có thể kéo dài cho tới tháng 1 năm sau, ngay cả khi ông Trump thua trong cuộc bầu cử tổng thống.

Tuy nhiên, ông Shi cho rằng Mỹ cần có thêm thời gian để hiện thực hóa các biện pháp trừng phạt, liên quan trực tiếp tới cách ứng phó của Trung Quốc với đại dịch Covid-19.

Thành Đạt

Theo SCMP, Reuters

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Donald Trump   Joe Biden   Nhà Trắng   Reuters   Trump   Trung Quốc   Tài chính   Tổng thống   chuyên gia   chính quyền Trump   chính sách  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...