04/04/2021 7:05  

Di sản Trịnh Công Sơn, ký ức Trịnh Công Sơn ngày một nhân lên nhiều hơn

20 năm qua kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở về cát bụi, đó cũng là khoảng thời gian đủ để một thế hệ mới sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Và 20 năm qua, những thế hệ nghệ sĩ hát, biểu diễn âm nhạc Trịnh, những lớp khán giả nghe, tìm đến với nhạc Trịnh chưa bao giờ ngừng khai phá, mở rộng biên độ lan tỏa, khơi dậy tình yêu đối với âm nhạc của ông. Như niềm xúc động và hạnh phúc mà em gái ông - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh thổ lộ: “Thật đáng mừng là 20 năm đã trôi qua, nhưng di sản Trịnh Công Sơn, ký ức Trịnh Công Sơn ngày một nhân lên nhiều hơn trên quê hương của chúng ta”. Để mỗi một mùa tưởng niệm, những người mộ điệu thêm một lần hòa trong không gian âm nhạc của “gần lại với nhau, ngồi gần nhau hơn, ngồi kề bên nhau”; để cùng thấm với nhau rằng “Trịnh Công Sơn đã để lại trong trái tim của chúng ta, trong trí óc của chúng ta đôi ba hạt mầm mặc định “tâm hồn Việt”, giúp chúng ta yêu nhau hơn, chia sớt cho nhau nhiều hơn, hiểu được hơn giá trị của hòa bình và trân quý cuộc sống bình an nhiều hơn”, như ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ.
20 năm qua, những con đường mang tên Trịnh Công Sơn dần quen thuộc với người Hà Nội, Huế, rồi TP.HCM. Tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được đặt tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), nơi in dấu nhiều kỷ niệm đẹp của ông với thành phố biển này khi ông theo học sư phạm vào những năm 1962 - 1964, nơi cho ông cảm hứng để có những Biển nhớ, Dã tràng ca, Biển nghìn thu ở lại, Cát bụi, Vết lăn trầm... Tại TP.Hội An (Quảng Nam), không gian văn hóa Trịnh Công Sơn sắp hình thành...
20 năm qua, như tâm tình của em gái Trịnh Công Sơn: “Nhờ tất cả những nỗ lực của những người yêu nhạc Trịnh mà giờ đây chúng ta có thêm một thế hệ những người trẻ yêu nhạc Trịnh, biết sáng tạo và làm mới nhạc Trịnh phù hợp với thời đại để thu hút công chúng. Thời gian lùi xa, nhưng trong gia đình chúng tôi, anh Sơn và những tác phẩm anh để lại càng trở nên gần gũi hơn. Những tác phẩm đó cũng cho chúng ta thấy rõ thân phận của con người, của dân tộc Việt, gắn liền với những thăng trầm của lịch sử trong nửa cuối của thế kỷ 20”.
Đến nay, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi khi ông được báo chí quốc tế nhắc đến như “Bob Dylan của Việt Nam” (BBC), “Nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam” (The Washington Post). Âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã ghi dấu ấn đặc biệt tại Nhật Bản: Ông là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có sản phẩm âm nhạc được phát hành tại thị trường Nhật với nhiều ca khúc; các ca khúc của ông được dịch ra tiếng Nhật và được biểu diễn, thu âm bởi những nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản: Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu và thường xuyên được hát trong Kohaku Uta Gassen - chương trình âm nhạc đêm giao thừa thường niên của Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK; hơn 2 triệu album bán ra tại Nhật Bản trong nhiều năm qua là minh chứng cho sự thành công này.

Trao giải Hà Nội thành phố tôi yêu

Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Hà Nội thành phố tôi yêu, do Báo Thanh Niên tổ chức, đã diễn ra sáng 29.3, tại Khách sạn Hilton Hanoi Opera (Hà Nội).
Buổi lễ có sự tham dự của ông Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn; ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội; ông Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo T.Ư; ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông; ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội; ông Nguyễn Thái An, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết tiếp nối thành công của cuộc thi viết Thành phố tôi yêu 2019 và Thương nhớ miền Trung 2020, Báo Thanh Niên tổ chức cuộc thi viết chủ đề Hà Nội thành phố tôi yêu, diễn ra từ 10.10.2020 đến ngày 31.1.2021.
"Đây là dịp để mọi công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam thể hiện tình cảm của mình đối với Hà Nội. Tình cảm đó có thể là bao lưu luyến, cũng có thể là những suy tư trăn trở để góp những ý tưởng tích cực cho Hà Nội của chúng ta mỗi ngày càng phát triển và văn minh hơn”, ông Nguyễn Quang Thông nói.
Sau hơn 4 tháng diễn ra, cuộc thi Hà Nội thành phố tôi yêu đã nhận được 1.080 bài chủ yếu là tản văn từ các tác giả trong và ngoài nước (cuộc thi Thành phố tôi yêu trước đó là 822 bài, cuộc thi Thương nhớ miền Trung là 1.102 bài).
Những bài viết có chất lượng đã được ban giám khảo vòng sơ khảo chọn đăng trên chuyên trang của báo giấy, cũng như chuyên mục Hà Nội tôi yêu trên Thanh Niên điện tử, với tổng cộng gần 250 bài (tất cả đều được trả nhuận bút theo quy định).
Ông Quang Thông cũng chia sẻ cảm nhận trong những bài dự thi gửi về, có những câu chuyện của Hà Nội hơn 70 năm trước; có những câu chuyện về thời khắc không thể quên của thủ đô; có những câu chuyện đời thường, những ký ức đơn giản mà sâu sắc; sự dân giã và truyền thống Hà Nội; có cả những con người trẻ tiếp cận nhịp sống Hà Nội thời công nghệ số, đầy áp lực và dồi dào năng lượng tích cực với mong ước đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của thủ đô yêu dấu của Hà Nội thời công nghệ số, với mong muốn đóng góp cho thủ đô yêu dấu linh thiêng và hào hoa…
Theo ông Quang Thông, cùng với cuộc thi Hà Nội thành phố tôi yêu diễn ra lễ trao giải, Báo Thanh Niên cũng đang tổ chức cuộc thi viết Vượt qua Covid-19, Sống đẹp, và tiếp sau đây sẽ tổ chức cuộc thi viêt về đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây Nam Bộ).
Kết quả: 1 giải nhất: Hà Nội chẳng tốn một xu - Lê Đình Trung; 2 giải nhì: Hà Nội có một dòng sông không chảy - Cao Thị Nga; Mơ người Hà Nội - Phạm Thanh Thúy; 3 giải ba: Đập cánh - Dương Thành Phát; Nhớ thời xí nghiệp hai que - Lê Thị Bình; Hà Nội thu trong chén chè bưởi cốm của ngoại - Linh Chi; 6 giải khuyến khích: Mùi Hà Nội - Lê Thu Thảo; Sớm hôm chợ hoa Quảng Bá - Nguyễn Văn Công; Hà Nội - Những người và những mùa - Chân Kiến; Bố tôi và rặng ổi Nghi Tàm - Nguyễn Hiếu; Chạm vào Hà Nội - Khuê Việt Trường; Hà Nội mùa thu và nỗi nhớ - Trương Thanh Ngân, Tạ Mai Hương.
Giải bài viết được bạn đọc yêu thích, với 40.000 lượt like và 7.340 view: Người Hà Nội thứ thiệt - Nguyễn Thanh Nam.

Có nên đưa áo dài ngũ thân nam làm lễ phục thay complet?

Việc đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Bộ VH-TT-DL báo cáo Quốc hội đưa áo dài ngũ thân nam làm lễ phục thay complet đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ vào ngày 29.3, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đã đề cập vấn đề lễ phục. Cụ thể, bà cho hay "khi đi tiếp xúc cử tri, mọi người nói với tôi "đề nghị đại biểu Quốc hội cho biết, khi mặc lễ phục thì tại sao nữ giới mặc áo dài truyền thống còn nam giới lại phải mặc complet?". Và bà nêu ý kiến: "Chúng tôi đề nghị Bộ VH-TT-DL nghiên cứu trong thời gian tới đưa áo dài ngũ thân nam truyền thống để báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ xây dựng luật về nghi lễ, quốc phục, quốc hoa; để nam giới và nữ giới đều mặc áo truyền thống, kế thừa truyền thống của cha ông ta”.
Ngay sau khi thông tin này được truyền thông đăng tải, trên các diễn đàn về cổ phong, Việt phục cũng "nóng" hẳn lên với nhiều ý kiến trái chiều.
Ở luồng dư luận phản đối, các ý kiến chủ yếu cho rằng đề nghị của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh thiếu thuyết phục và thiếu thực tế, vì trên thế giới người ta dùng complet làm lễ phục, sao mình đi ngược lại?; complet là sự tiến bộ về thời trang của nhân loại, toàn thế giới dùng cớ sao lại bỏ? Áo dài ngũ thân nam thì nên mặc dịp lễ truyền thống của dân tộc, còn ngoại giao chính trị thì vẫn phải nên mặc complet như thường thấy lâu nay...
Trong khi đó, phía ủng hộ thì đưa ra nhiều ý kiến để bảo vệ quan điểm của mình. Có người đưa ý kiến: "Áo ngũ thân, áo dài khá là đẹp luôn. Hơn nữa đó là áo truyền thống, cần ủng hộ bảo tồn và lưu giữ lại nét đẹp dân tộc chứ!"; "Ba mình lúc đầu cũng không chịu mặc đâu, bị ép quá phải mặc thì hợp bất ngờ luôn... Complet dù sao cũng là áo của tây thiết kế, dáng áo cũng phù hợp dáng người tây hơn đa phần người Việt Nam"...
Là một người thường xuyên mặc áo dài, ca sĩ Đức Tuấn cho rằng: "Ý tưởng của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh rất hay. Lễ phục nên quy định luôn là áo dài truyền thống cho cả nam lẫn nữ. Điều đó tạo ra sự độc đáo, tôn nghiêm và tạo nên bản sắc dân tộc".
Với anh Trần Tuấn - Trưởng nhóm Đuốc Mồi (nhóm vừa nhận giải thưởng WeChoice cho dự án Việt sử kiêu hùng - dự án truyền cảm hứng lịch sử được cộng đồng biết đến những năm gần đây): "Tôi nghĩ ban đầu việc chuyển sang áo dài ngũ thân có thể khiến nhiều người bỡ ngỡ, nên tôi nghĩ chúng ta nên cho phép để đây là một lựa chọn chứ không nên mang cảm giác ép buộc. Bởi vì cảm giác của người mặc có thể trở nên tiêu cực khi bị ép buộc phải mặc một loại trang mục mình chưa hiểu, chưa quen, hoặc thậm chí là có sẵn một định kiến không tốt nào đó".
Cũng ở góc nhìn của người trẻ có những nghiên cứu cổ phục Việt Nam, anh Tôn Thất Minh Khôi - sáng lập trang Thiên Nam lịch đại hậu phi, đưa ý kiến: "Tôi rất hoan nghênh đề nghị của bà Trần Thị Quốc Khánh". Vì theo anh, ai mặc áo ngũ thân rồi sẽ thấy phù hợp với nam giới, rất lịch sự và có thể hoạt động tương đối thoải mái. Với tính chất lễ phục hẳn sẽ có những vướng víu nhất định như complet. Để đề xuất này có thể thành hiện thực, cần quá trình khá dài, cần có sự vận động lẫn thống nhất của nhiều ban, ngành, đơn vị và đặc biệt các hội nhóm cổ phong càng có trách nhiệm lan tỏa để chiếc áo dài ngũ thân này đến với công chúng, có đời sống thật sự trong cộng đồng càng sớm càng tốt".

Khánh thành Nhà bia kỷ niệm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long

Sáng 31.3, tại H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ khánh thành Nhà bia kỷ niệm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long. Công trình có tổng kinh phí gần 40 tỉ đồng.
Cách đây hơn 90 năm, trên mãnh đất Ngã tư Long Hồ - Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long được thành lập. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn trong lịch sử cách mạng tỉnh Vĩnh Long. Sự ra đời của Chi bộ đầu tiên cùng với sự hình thành và phát triển của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đã góp phần lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đi đến thắng lợi cuối cùng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Công trình Nhà bia kỷ niệm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long được xây dựng trên diện tích gần 1 ha, tọa lạc khóm 5, TT.Long Hồ, H.Long Hồ với kinh phí đầu tư gần 40 tỉ đồng. Công trình gồm các hạng mục như: nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, bệ đài, nhà đón tiếp, nhà văn bia và quảng trường.
Theo ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, công trình này là "địa chỉ đỏ" để giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các thế hệ tiếp bước xây dựng Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long trong sạch, vững mạnh; nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho nhân dân, xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng phát triển. Công trình còn có ý nghĩa lịch sử nhằm lưu giữ hiện vật, tài liệu lịch sử có liên quan đến sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long và tri ân những cán bộ, đảng viên đầu tiên, những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp.

Họa sĩ mất tranh phải trả tiền thẩm định đền bù?

Đã 3 tháng trôi qua kể từ ngày họa sĩ Phạm Hùng Anh mất bức tranh Thời gian (bút sắt trên giấy) gửi dự Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam.
Đó cũng là 3 tháng ông Hùng Anh chờ đợi phản hồi bằng văn bản của ban tổ chức triển lãm này về 6 kiến nghị mà ông đã gửi. Trong đó có yêu cầu trả lời về việc tại sao tranh của ông không trưng bày trong triển lãm.
Mới đây, ông Phạm Hùng Anh đột nhiên nhận được một cuộc điện thoại. Trong đó, một nhân viên của Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội (nơi trưng bày tác phẩm) tên là Hằng, đề nghị sẽ lập một hội đồng thẩm định để xem xét giá trị tác phẩm của ông. “Nếu hội đồng quyết định thế nào thì anh phải theo”, nhân viên tên Hằng này nói trong băng ghi âm cuộc gọi. Chưa hết, cô Hằng còn yêu cầu ông Hùng Anh phải chịu một nửa chi phí thành lập hội đồng.
Ông Bùi Kỳ Đà, Phó giám đốc Triển lãm Vân Hồ, xác nhận đúng là có việc nhân viên của mình gọi cho ông Phạm Hùng Anh với nội dung đề nghị thẩm định như trên. Tuy nhiên, ông Đà cho biết đấy không phải là chủ trương của đơn vị. “Tôi xác định gặp anh Hùng Anh để trao đổi thỏa thuận, chứ không có ý định thành lập hội đồng gì cả”, ông Đà cho biết.
Ông Phạm Hùng Anh cho biết cách ứng xử của ban tổ chức không thể khiến ông hài lòng. Trước khi nhận được đề nghị trả phí cho hội đồng thẩm định, ông còn nhận được đề nghị chi tiền mua họa phẩm để... vẽ lại tác phẩm đã mất. Ông cho rằng đề nghị cho thấy họ không hiểu gì về nghệ thuật, vì nếu nhận lời, chẳng hóa ra ông tự đạo nhái tác phẩm của mình.
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 đã trở thành triển lãm ghi nhận nhiều tác giả rút tranh, mất tranh, xước tranh nhất từ trước tới nay. Việc xử lý sự cố của ban tổ chức khá cẩu thả. Liên tiếp có việc như: yêu cầu họa sĩ “tự làm việc” với đơn vị vận chuyển mà ban tổ chức thuê để đàm phán đền bù, lờ đi không có văn bản cụ thể về tranh hỏng, mất, rồi giờ đây là yêu cầu họa sĩ bỏ tiền để thẩm định tranh đã mất. “Đề nghị của họ thật vô duyên”, ông Phạm Hùng Anh nói và cho biết có thể sẽ lại tiếp tục khiếu nại.

Gành Đá Đĩa là di tích quốc gia đặc biệt

Sáng 1.4, tại lễ kỷ niệm 410 năm hình thành và phát triển tỉnh Phú Yên, tỉnh này đã đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh gành Đá Đĩa (ở xã An Ninh Đông, H.Tuy An, Phú Yên).
 Theo một số chuyên gia về địa chất, tại một số tỉnh miền Trung và Tây nguyên, một vài địa điểm cũng xuất lộ bazan dạng cột do quá trình hoạt động núi lửa như ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, bazan dạng cột ở những địa phương trên không có được vẻ đẹp độc đáo như ở gành Đá Đĩa. Bên cạnh giá trị về mặt địa chất, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, danh thắng gành Đá Đĩa còn có giá trị về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa đặc trưng của cư dân vùng ven biển.

Kết thúc bi kịch của Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu 2 gây tranh cãi

Tập cuối của phim truyền hình Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu 2 khiến người xem ngỡ ngàng về cái chết bất ngờ của nhân vật chính diện.
Tối 2.4, tập cuối cùng của "bom tấn" truyền hình Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu 2 (tựa gốc: The Penthouse: War in Life) chính thức lên sóng trên Đài SBS.
Oh Yoon Hee (Eugene) không tự tử mà quyết định ra đầu thú chuyện mình đã giết Min Seol Ah - con gái Shym Su Ryeon (Lee Ji Ah). Lúc đến sở cảnh sát, cô vô cùng xúc động khi nhìn thấy con gái Bae Ro Na vẫn còn sống. Ngay sau đó, hội nhà giàu ở Hera Palace bị bắt giam vì dính líu đến việc giấu xác của Min Seol Ah.
Tại phiên tòa xét xử, sự thật về hành vi tàn ác của dàn nhân vật phản diện được phơi bày. Đoạn video cho thấy các thành viên trong tòa chung cư tìm cách giấu nhẹm cái chết của Min Seol Ah. Kết quả, toàn bộ đều phải vào tù, trong đó "ông trùm" Ju Dan Tae (Uhm Ki Joon) chịu mức án chung thân, còn "ác nữ" Cheon Seo Jin (Kim So Yeon) bị kết án 7 năm. Đáng chú ý, Shym Su Ryeon đứng ra xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho Oh Yoon Hee xuống còn 3 năm tù giam.
Theo Nielsen Korea, tập cuối của Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu 2 cán mốc rating "khủng" 25,8%, nhưng thấp hơn rating tập cuối của phần 1. Kết thúc phim "châm ngòi" cho những tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến chỉ trích biên kịch lợi dụng cái chết của Logan Lee để người xem tò mò về phần tiếp theo của tác phẩm. Không ít khán giả bày tỏ ngao ngán vì kịch bản tương tự đã xảy ra ở phần 1. Họ cảm thấy đuối sức, mệt mỏi khi liên tục chứng kiến cảnh nhân vật chính diện bị sát hại theo cách thảm khốc, rồi lại "hồi sinh" một cách kỳ diệu.
Ở phía ủng hộ Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu 2, người hâm mộ cho rằng những tình tiết trong phim đều chứa đựng ý đồ riêng. Thêm vào đó, sự kịch tính, giật gân, khó đoán mới trở thành những yếu tố tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm. Vì thế, họ đồng tình với cái kết của phần 2 và háo hức trông chờ cuộc chiến ân oán phức tạp trong phần 3, dự kiến sẽ lên sóng màn ảnh nhỏ vào tháng 6 năm nay.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   Nhật Bản   Việt Nam   Vĩnh Long   chuyên gia   diễn đàn   hành vi   khán giả   kiến nghị   sáng tạo   âm nhạc   Đắk Nông  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...