10/10/2020 14:25  
Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016 - 2020", kinh tế Hà Nội tiếp tục tăng trưởng khá, thu ngân sách tăng cao, đóng góp tích cực cho cả nước. Nhiều chỉ tiêu như xuất khẩu, thu hút đầu tư, nông nghiệp… đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Thúc đẩy khu vực tư nhân, đổi mới mô hình tăng trưởng
Sau 5 năm thực hiện Chương trình số 03-Ctr/TU cho thấy, đã có 11/12 chỉ tiêu mà chương trình đề ra đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, có 1 chỉ tiêu về số lượng khách du lịch hàng năm đã hoàn thành sớm từ 2018; 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch; 8 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch.

Bằng nhiều giải pháp cụ thể, Hà Nội đã đạt được chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt 7,39% (đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI theo quy đổi cách tính mới là 7,3 - 7,8%). Thu NSNN trên địa bàn đạt và vượt dự toán. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người 127,6 triệu đồng, tương đương khoảng 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.

Năng suất lao động tăng trung bình 6,15%, vượt mục tiêu đề ra (5,4 - 5,9%), cao hơn trung bình giai đoạn 2011 - 2015 (4,9%) và cả nước (5,8%); Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 1.742,3 nghìn tỷ đồng (đạt kế hoạch đề ra từ 1,7 - 1,75 triệu tỷ đồng), gấp 1,65% giai đoạn trước, bằng 39,2% GRDP. Số lượng khách du lịch năm 2019 đạt 28,94 triệu lượt, trong đó 7,03 triệu lượt khách quốc tế, vượt chỉ tiêu đề ra. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng giảm nhanh từ 6,3% năm 2015 xuống còn dưới 3% .
Quá trình tái cơ cấu, kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng lao động trong các ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng có xu hướng tiếp tục tăng, trong khi giảm dần trong nông nghiệp. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện. Vai trò khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước giảm từ 37,77% (năm 2015) xuống còn 34,8% (2019), trong khi mức đóng góp của khu vực ngoài nhà nước có đóng góp lớn nhất trong GRDP (từ 37,50% năm 2015) lên 39,2% năm 2019.

TP đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung cho đầu tư phát triển, 5 năm qua đã huy động đầu tư xã hội trên 2.775 dự án, vốn đăng ký trên 1,4 triệu tỷ đồng. Trong 5 năm, 2016 - 2020, Hà Nội thu hút được 25,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), gấp 4,08 lần giai đoạn 2011 - 2015, đứng đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019, luỹ kế số dự án FDI còn hiệu lực là 6.278 dự án, với tổng số vốn đạt trên 47,7 tỷ USD, vốn giải ngân đạt trên 28,5 tỷ USD.

Luỹ kế số DN đăng ký trên địa bàn đến hết năm 2020 ước đạt 306.240 DN, gấp 3,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu hội nhập quốc tế nhằm tăng trưởng kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội.

Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế

Nằm trong dòng chảy hội nhập kinh tế của một thế giới phẳng, Hà Nội đã chủ động, tích cực trong quan hệ hợp tác quốc tế. Một loạt các sự kiện kinh tế đối ngoại quy mô lớn do Hà Nội chủ trì hoặc đăng cai tổ chức trên địa bàn như: Các hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển; Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng; Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN; Diễn đàn cao cấp và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2018… Hàng năm, TP tổ chức hơn 50 chương trình tập huấn kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, xuất nhập khẩu cho các DN trên địa bàn TP, phát hành 8 cẩm nang về hiệp định thương mại….

Vì thế, khi kinh tế thế giới trở nên thách thức hơn, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội vẫn tăng trung bình 9% (giai đoạn 2011 - 2015 là 5,5%). Hoạt động xuất khẩu của Thủ đô đã và đang thay đổi theo chiều hướng tích cực. Từ chỗ luôn nhập siêu (năm 2015 còn ở mức hơn 200%) thì các năm gần đây, tỷ lệ này đã giảm dần... Đây chính là những con số biết nói, ghi nhận những nỗ lực vươn mình ra thị trường quốc tế của cộng đồng DN Thủ đô trong thời gian qua.

Thúc đẩy kinh tế tri thức, công nghệ cao phát triển

Kết quả Chương trình 03 đã góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của Thủ đô, từng bước xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, theo hướng Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ nét. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Hà Nội, đạt 68,8 điểm, xếp thứ 9/63 tỉnh, TP, tăng 15 bậc so với năm 2015. Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: Phát triển kinh tế Thủ đô nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Trong khi đó, Thủ đô vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông quá tải; áp lực về dân số lên hệ thống hạ tầng; ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước; khó khăn về chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, từ nông thôn ra thành thị... Trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, tiến trình hội nhập cũng mang lại nhiều thách thức, sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen…

Để phát huy và làm tốt hơn các nhiệm vụ này trong nhiệm kỳ mới, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho rằng, về lâu dài, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, theo hướng chuyển mạnh từ tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều sâu và chiều rộng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sự phát triển của Thủ đô không phải là đường thẳng từ quá khứ đến tương lai, mà có thể tận dụng những tiến bộ của khoa học, công nghệ mà cuộc CMCN 4.0 mang lại để tạo ra bước phát triển đột phá. Vì vậy, các chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ mới phải vừa bảo đảm tính khả thi cao, vừa nuôi dưỡng khát vọng, quyết tâm và có tính đột phá. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành, các Thành ủy viên phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của TP.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Covid   Covid 19   Covid-19   Hà Nội   Kinh tế   MC   du lịch   dịch vụ   hợp tác   sáng tạo   Đời sống  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...