15/01/2021 0:05  
Thông tin được hãng AP xác nhận vào ngày 13.1. Hãng AP cho biết không lâu trước khi Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Trump, ông Trump đã có mặt ở Phòng Đông của Nhà Trắng để trao Huân chương Nghệ thuật quốc gia cho các ca sĩ Toby Keith và Ricky Skaggs cũng như cựu phóng viên ảnh Nick Út của hãng tin AP - cha đẻ của bức ảnh Em bé Napalm.
Ông Nick Út cũng đăng tải hình ảnh trên trang Facebook cá nhân và nhận được nhiều lời chúc mừng từ bạn bè, người hâm mộ. Nhiếp ảnh gia Katrina Brown, một người bạn của ông Nick Út, chia sẻ bức ảnh ông Nick Út cầm Huân chương Nghệ thuật quốc gia và viết lời chúc mừng trên Facebook: “Xin chúc mừng người bạn Nick Út của tôi đã nhận được Huân chương Nghệ thuật Quốc gia hôm nay tại Nhà Trắng!”
Nick Út sinh ngày 29.3.1951, tên khai sinh là Huỳnh Công Út, quê quán tại tỉnh Long An. Ông bắt đầu làm phóng viên ảnh đại diện cho hãng AP tại Việt Nam vào những năm 1960. Anh trai của Út cũng từng là phóng viên chiến trường của AP nhưng mất sớm trong lúc tác nghiệp. Nick Út về hưu vào cuối tháng 3.2017.
Hơn nửa thế kỷ làm phóng viên, Nick Út chụp rất nhiều bức ảnh đủ mọi khía cạnh cuộc sống. Bức ảnh Em bé Napalm chụp vào ngày 8.6.1972, góp phần thay đổi cách nhìn của thế giới về cuộc chiến Việt Nam. Đây cũng là bức ảnh đem lại cho Nick Út giải thưởng Putlitzer năm 1972. Bức ảnh được trường Đại học Columbia (Mỹ) bình chọn và xếp hạng thứ 41 trong 100 bức hình có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Trong bức ảnh nổi bật là hình ảnh bé gái hoảng sợ gào khóc, trần truồng bỏ chạy vì quần áo, da thịt của em vừa bị bom đốt cháy. Bé gái trong ảnh là Phan Thị Kim Phúc, 9 tuổi. Phúc cùng với những đứa trẻ khác trong ảnh chạy về phía của Nick Út, đằng sau lưng là làng quê Trảng Bàng, Tây Ninh vừa bị máy bay Mỹ dội bom napalm thiêu cháy.
Nhận xét về bức ảnh Em bé Napalm, Peter Arnett - phóng viên chiến trường từng đoạt giải Pulitzer năm 1966, cho biết: “Bức ảnh lột tả rõ rệt thứ đã trở thành một chuyện thường gặp tại Việt Nam những năm đó - bom napalm trút xuống các ngôi làng xa xôi, người dân thường bị sát hại và sợ hãi bởi cuộc chiến, những bức ảnh mà chúng tôi hiếm khi có được trong quá khứ”. Theo tờ The Orange County Register, ông Nick Út từng kể có lần diễn viên Warren Beatty gọi ông ra một góc riêng tư bên lề sự kiện Đại lộ Danh vọng của Hollywood và hỏi chuyện ông về bức ảnh Em bé Napalm suốt 30 phút. Còn nữ diễn viên Joan Collins sau khi biết chính ông là phóng viên chụp tấm hình Em bé Napalm đã khui một chai rượu để mời ông trong một buổi chụp hình tại nhà riêng. Ông Nick Út cho biết thái độ của bà Collins hôm đó thân thiện hơn hẳn so với ngày ông chụp hình bà tại phiên xét xử ly dị với chồng.
Sự nghiệp báo chí của ông Nick Út trải rộng khắp các “mặt trận” từ chiến trường sinh tử tới thảm đỏ điện ảnh. Ông hay tóm tắt bằng cụm từ: “Từ địa ngục tới Hollywood”. Ngoài việc theo chân các minh tinh trên thảm đỏ Hollywood, ông Nick Út còn cùng họ tới tòa án xét xử vì hành vi phạm tội. Tờ The Orange County Register liệt kê nhiều bức ảnh ấn tượng, như: ảnh chụp tài tử Robert Blake thổn thức sau khi tòa kết luận ông không giết vợ, ông hoàng nhạc pop Michael Jackson đang nhảy trên một nóc một chiếc xe hơi đỗ bên ngoài tòa án nơi ông vừa được xử trắng án về hành vi quấy rối trẻ em, Paris Hilton đẫm nước mắt khi biết mình sẽ phải ngồi tù vì vi phạm luật luật giao thông vào ngày 8.6.2007 (tròn 35 năm sau ngày ông Nick Út chụp tấm Em bé Napalm).

Nguồn tin: thanhnien.vn


Donald Trump   Nghệ thuật   Nhà Trắng   Trump   Tổng thống   Việt Nam   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...