15/10/2020 11:40  
Đã hơn 60 năm kể từ khi con người bắt đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ, và chúng ta vẫn chưa thể tìm thấy sự sống bên ngoài Trái Đất.

Vào ngày 04/10/1957, lần đầu tiên con người bước vào công cuộc hinh phục vũ trụ với việc Nga phóng thành công vệ tinh nhân tạo Spoutnik 1 lên quỹ đạo, mở ra kỷ nguyên chinh phục những thế giới mà chúng ta chưa từng biết đến. Tới ngày 20/07/1969, phi thuyền Apollo 11 đưa Neil Armstrong và Edwin Aldrin lên Mặt Trăng. Con người lần đầu tiên bước đi trên một thiên thể khác. Đó là một bước tiến nữa trong công cuộc chinh phục vũ trụ.

Tuy nhiên, mãi đến 20 năm sau đó, vào ngày 25/4/1990, con người mới thực sự tiến một bước xa hơn trong công cuộc nghiên cứu về vũ trụ khi kính viễn vọng Huble được phóng lên quỹ đạo. Với công cụ quan sát vũ trụ hàng đầu, có khả năng thu nhận ánh sáng từ cách xa 12 tỷ năm, con người đã mở mang hơn rất nhiều trong việc nghiên cứu về sự vận hành của vũ trụ.

Tới năm 2009, thêm một kính viễn vọng nữa được phóng lên vũ trụ, lần này là Kepler, với sứ mệnh chuyên tìm kiếm các hành tinh trong vũ trụ. Nó đã phát hiện được hàng ngàn hành tinh, trong đó có những hành tinh được cho là “có khả năng cao xuất hiện sự sống”. Tới năm 2018, kính viễn vọng này ngừng hoạt động khi hết nhiên liệu.

Tuy nhiên có một sự thật là tất cả những gì được tìm thấy thời gian qua đều chỉ là theo ước tính của các nhà khoa học. Những thông số tiệm cận thực tế nhất về các hành tinh là quỹ đạo, kích thước đến sao chủ, khối lượng, và nhiệt độ ở môi trường xung quanh. Còn những thông số hoàn toàn không thể đo được.

Thực tế thì các thế hệ kính viễn vọng tân tiến nhất hiện nay đều không thể quan sát được cận cảnh một hành tinh nào cả, bởi chúng luôn bị che mờ bởi ánh sáng mạnh đến từ ngôi sao chủ. Thậm chí, chúng ta cũng không biết được cấu tạo hành tinh đó là rắn, lỏng hay khí. Do đó, mọi thứ đều chỉ dừng lại ở mức “ước đoán”, “có khả năng tồn tại sự sống”.

Và do đó, dù phát hiện ra hàng ngàn hành tinh trong đó có rất nhiều hành tinh nằm ở khu vực thuận lợi cho sự sống phát triển, nhưng trong suốt thời gian qua chúng ta vẫn không thể tiến xa hơn được. Muốn tìm hiểu kỹ hơn, chúng ta phải tự mình đến gần hơn để quan sát, bởi các thiết bị thiên văn tân tiến nhất hiện tại cũng không thể cho chúng ta những thông tin xác thực. Khoảng cách là một trở ngại vô cùng lớn, ngăn cản loài người tìm ra sự sống trong vũ trụ xa xăm.

Để đến được hệ hành tinh gần Trái Đất nhất, Proxima Centauri, với khoảng cách 4,3 năm ánh sáng, chúng ta sẽ mất hàng chục năm với tốc độ của tên lửa đẩy hiện tại. Đó thực sự là một thách thức lớn nhưng cũng là mục tiêu đầu tiên mà các nhà khoa học đang đặt ra. Nếu trong tương lai, một công nghệ mới có thể giúp chúng ta đạt đến vận tốc cao hơn và di chuyển nhanh hơn nhiều so với hiện tại, lúc đó chúng ta mới thực sự có bước tiến trong việc tìm ra sự sống ở các hành tinh khác.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Mặt Trăng   chinh phục  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...