20/01/2021 17:45  
Content_lblContentHtml">

Công nghệ phát triển giúp doanh nghiệp có thể rút ngắn thời gian truyền tải thông điệp của mình đến khách hàng gấp nhiều lần so với trước đây thông qua việc nắm bắt thông tin nhanh, chính xác. Doanh nghiệp cũng có nhiều lựa chọn hơn để tiếp cận khách hàng, trong đó, báo chí truyền thông vẫn là kênh thông tin quan trọng.

Các diễn giả tại cuộc tọa đàm “Xây dựng và quản trị thương hiệu thời công nghệ lên ngôi” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức chiều ngày 20-1, nhận định, trong thời buổi hiện nay, công nghệ giúp doanh nghiệp có thể tối ưu hóa nguồn lực, tiếp cận chính xác hơn nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, một thương hiệu được xây dựng thành công vẫn dựa trên nền tảng cốt lõi là chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Tối ưu hóa nguồn lực nhờ ứng dụng công nghệ

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng Viện ISB, Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng khi nói về thương hiệu là nói về tình yêu của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ nào đó. Thương hiệu càng lớn bao nhiêu thì giá trị vô hình, giá trị tăng thêm cho doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu đó càng lớn bấy nhiêu.

Thương hiệu được tạo nên bởi sự nhận biết về hình ảnh, sự đảm bảo về chất lượng và sự trung thành của khách hàng với sản phẩm. Thông thường, những hình ảnh, kỷ niệm về một thương hiệu thành công sẽ lưu lại nhiều năm sau đó dù doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi.

Trước đây, doanh nghiệp thay vì phải thông qua công ty nghiên cứu thị trường, tốn kém nhiều chi phí để có thể xác định được nhóm khách hàng tiềm năng, sự phù hợp của sản phẩm, dịch vụ đối với yêu cầu của thị trường thì nay, với sự hỗ trợ của công nghệ số, doanh nghiệp có được thông tin về phản ứng của người tiêu dùng với sản phẩm, dịch vụ một cách nhanh chóng, kịp thời.

Lấy ví dụ từ chính câu chuyện của doanh nghiệp mình, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc DNTN Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), chia sẻ bản thân ông xây dựng thương hiệu từ hai bàn tay trắng, khi mà các công nghệ hỗ trợ chưa thật sự phát triển.

Để chinh phục khách hàng, ABC Bakery tuân thủ theo nguyên tắc QSCT: Q (Quality – Chất lượng), S (Service – Phục vụ), C (Clean – Sạch sẽ) và T (Time – Đúng giờ) với tất cả tâm huyết của đội ngũ để phục vụ khách hàng các sản phẩm đạt chất lượng.

Trong những năm gần đây, nhờ áp dụng các công nghệ mới vào hoạt động sản xuất và kinh doanh, ABC Bakery đã mở rộng phương thức tiếp cận khách hàng, từ đó, tối ưu hóa nguồn lực của doanh nghiệp, hạn chế các rủi ro, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Đề cập đến câu chuyện ứng dụng công nghệ số vào phát triển thương hiệu, ông Quân cho rằng, câu chuyện bánh mì thanh long của ABC Bakery có thể được xem là một ví dụ điển hình. Chỉ trong một thời gian ngắn, hiệu ứng xã hội của bánh mì thanh long đã lan ra rất rộng, nhiều người tìm mua sản phẩm và cả thanh long để hỗ trợ nông dân. Trong khi trước đây, việc lan tỏa hình ảnh sản phẩm chỉ trong một thời gian ngắn là điều khá khó khăn đối với doanh nghiệp.

“Sau khi làm thành công bánh mì thanh long, tôi nghĩ nếu chỉ để một mình mình làm thì lượng thanh long tiêu thụ cũng không bao nhiêu nên tôi công bố công thức trên các kênh thông tin như website, diễn đàn. Không ngờ rằng, thông qua báo chí, mạng xã hội… có thêm nhiều doanh nghiệp, cơ sở sử dụng thanh long như một nguyên liệu sản xuất các món ăn như phở thanh long, há cảo thanh long, bún thanh long… và điều này đã góp phần giúp bà con nông dân tiêu thụ được một lượng lớn thanh long”, ông Lực chia sẻ.

Báo chí truyền thông là 'bệ đỡ' cho thương hiệu

Chia sẻ tại tọa đàm, các diễn giả cho rằng, trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thông tin là nguồn lực, đồng thời cũng là động lực cho doanh nghiệp phát triển. Và ở khía cạnh ngược lại, thông tin sai lệch sẽ đẩy doanh nghiệp vào cuộc khủng hoảng.

Bà Vũ Yến Dung, Thư ký tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, nhận định, báo chí vẫn sẽ là một trong những công cụ phản ánh thông tin trung thực, hiệu quả mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng trong chiến lược phát triển thương hiệu.

“Báo chí tạo niềm tin của công chúng đối với doanh nghiệp, nhưng niềm tin đó cũng phải được xây dựng trên cơ sở chất lượng và nội dung thông tin được báo chí đưa ra”.

Đi theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí truyền thông cũng đã chủ động và tích cực trong việc ứng dụng công nghệ số để việc hỗ trợ hoạt động xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp được đa dạng về hình thức và phong phú về giải pháp.

“Như tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn, chúng tôi đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động hỗ trợ thông tin nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) cho việc phát triển và bảo vệ thương hiệu một cách hiệu quả. Chúng tôi cũng truyền thông về sự hữu ích của việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, vừa giúp doanh nghiệp xác lập quyền sở hữ và ngăn cản người khác sử dụng cộng nghệ của mình, vừa giúp doanh nghiệp biết được mình có đang vô tình vi phạm sở hữu trí tuệ của người khác hay không”, bà Dung cho biết tại tọa đàm.

Về vấn đề này, ông Quân cho rằng, báo chí đóng vai trò khởi xướng cho các hoạt động phát triển thương hiệu của doanh nghiệp trong khi mạng xã hội sẽ giúp thông tin đi xa, đi nhanh gấp nhiều lần. Nếu doanh nghiệp tận dụng được các xu hướng tiêu dùng phản ánh trên báo chí, cùng với việc xây dựng được mạng lưới khách hàng trung thành thì việc quản lý, phát triển thương hiệu sẽ dễ dàng hơn. Doanh nghiệp cũng sẽ nhanh chóng phát hiện được các vấn đề tiêu cực liên quan đến thương hiệu để sớm xử lý.

“Mạng lưới khách hàng trung thành rất quan trọng với doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nhớ được thói quen của khách hàng khi đến giao dịch, từ đó, gợi ý những sản phẩm phù hợp thì chắc chắn sẽ lấy lòng được khách hàng đó. Việc này trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, doanh nghiệp không thể làm được”, ông Quân nhận định.

Chia sẻ quan điểm của ông Quân, ông Lực cho biết doanh nghiệp không chỉ chú trọng việc xây dựng thương hiệu trong thời công nghệ mà còn phải chú trọng việc xây dựng nguồn lực để thích nghi, đáp ứng những yêu cầu mới trong thời đại công nghiệp 4.0. Đội ngũ con người chuyên nghiệp, phù hợp với công nghệ số mới giúp giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.


 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


HCM   Kinh tế   TPHCM   Việt Nam   chinh phục   chiến lược   doanh nghiệp   dịch vụ   khủng hoảng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...