25/01/2021 22:45  

Như TBKTSG Online đã , Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố 25 bị can trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và "cho vay lãi nặng".

Trong vụ án này có 17 bị can là lãnh đạo cấp phòng, giám đốc, phó giám đốc chi nhánh và nhân viên của 3 ngân hàng bị truy tố.

Trong các vụ lừa đảo, có không ít vụ nhân viên ngân hàng đã câu kết, tiếp tay cho Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo và chiếm đoạt tiền của khách hàng gửi tiết kiệm.

Tự sửa biểu mẫu, không đưa văn bản vào hệ thống quản lý lưu trữ

Chiêu thức của Nguyễn Thị Hà Thành thực ra không có gì mới. Đó là tìm những người có tiền để dụ vay với lãi suất cao hoặc rủ rê hợp tác làm ăn. Do Thành không có tài sản đảm bảo nên không thể đề nghị những người này đưa tiền trực tiếp cho Thành, mà nghĩ cách để họ gửi tiền vào ngân hàng (gửi tiền tiết kiệm rồi đưa sổ cho Thành quản lý, gửi tiền tiết kiệm với hình thức đồng sở hữu, hoặc gửi vào tài khoản công ty rồi tạm khoá lại, chỉ có người cho vay mới có quyền rút khi đến hạn…). Từ đó Thành tìm cách vay ra hoặc rút tiền từ ngân hàng ra sử dụng.

Nhưng một mình Thành không thể dễ dàng làm điều này. Thành đã nhờ sự giúp sức của các “tay trong”, là nhân viên VAB như thế nào?

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, để thực hiện ý định, Hà Thành tìm cách tiếp cận với Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng  bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp, Phòng giao dịch Đông Đô – VAB).

Thành bàn với Thu Hương nói với Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô) là Thành sẽ cùng đồng sở hữu gửi số lượng tiền lớn vào VAB, ngay sau khi gửi sẽ cầm cố số tiền gửi (sổ tiết kiệm) để vay tiền VAB. Thu Hương nói với Đức, sổ tiết kiệm đã được cầm cố tại ngân hàng nên Thành cần có 1 loại giấy tờ để chứng minh tài chính khi đi quan hệ xin dự án. Thu Hương đề xuất với Quản Trọng Đức ngoài việc phát hành 1 sổ tiết kiệm đồng sở hữu theo quy định của ngân hàng, sẽ phát hành thêm “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn” và “Giấy đề nghị phong toả”. Nếu đồng ý với yêu cầu của Thành thì Thành mới gửi tiền, không thì Thành không gửi tiền nữa.

Quản Trọng Đức vì muốn có thành tích nên đã đồng ý cho Thu Hương soạn thảo 2 văn bản “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn” và “Giấy đề nghị phong toả”, chỉ có một mình Thu Hương làm không cho nhân viên khác biết.

Do quy định của VAB chỉ áp dụng hình thức Hợp đồng tiền gửi cho khách hàng doanh nghiệp, không áp dụng cho cá nhân nên không có biểu mẫu hợp đồng và giấy đề nghị phong toả kèm theo sổ tiết kiệm. Đức và Hương đã lấy 2 biểu mẫu trên.

Quản Trọng Đức tự ý chỉnh sửa một số nội dung thông tin từ khách hàng doanh nghiệp thành khách hàng cá nhân, giao cho Thu Hương soạn thảo rồi đưa Quản Trọng Đức ký.

Còn biểu mẫu “Giấy đề nghị phong toả”, Quản Trọng Đức yêu cầu Nguyễn Mai Phương (Kiểm soát viên) ký, đóng dấu. Mặc dù Nguyễn Mai Phương thấy biểu mẫu dành cho khách hàng doanh nghiệp, thuộc trách nhiệm của Đức ký phát hành nên không đồng ý ký. Nhưng Quản Trọng Đức yêu cầu Nguyễn Mai Phương ký nên Mai Phương đã ký vào giấy này. Do đây là 2 văn bản phát hành trái với quy định của VAB nên Thu Hương tự lấy số văn bản và không đưa vào hệ thống quản lý, lưu trữ.

Nhân viên ngân hàng ký chứng từ trước khi khách hàng ký

Khi người có tiền (đồng sở hữu với Nguyễn Thị Hà Thành) cùng Hà Thành đến phòng giao dịch Đông Đô, Thu Hương sẽ đưa vào trong phòng họp để thực hiện giao dịch. Trước đó, Thu Hương nhận được yêu cầu về việc gửi tiền của Thành, Thu Hương báo với nhân viên quầy giao dịch thông tin việc lập tiền gửi đồng sở hữu và đề nghị giao dịch viên in trước các chứng từ của bộ hồ sơ gửi tiền gồm: Giấy gửi tiền tiết kiệm, Phiếu thu tiền, Bảng kê thu tiền, Thỏa thuận đồng sở hữu và đề nghị các nhân viên ký vào trước. Thu Hương sẽ đem vào phòng họp cho khách hàng ký sau.

Còn Thu Hương tự tay soạn Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và Giấy đề nghị phong toả. Quản Trọng Đức thường nói với các nhân viên rằng Nguyễn Thị Hà Thành là khách hàng VIP, nên phải hỗ trợ tối đa cho Thu Hương. Mặt khách các giao dịch viên, thủ quỹ tin Thu Hương, Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân – VAB) nên đồng ý ký các chứng từ của bộ hồ sơ gửi tiền trước khi khách hàng ký. Đây chính là một trong những “sơ hở chết người” trong nghiệp vụ của nhân viên VAB, tạo điều kiện cho siêu lừa có thể hoàn tất các phi vụ của mình.

Người đồng sở hữu với Nguyễn Thị Hà Thành sẽ được Hà Thành, Thu Hương đưa cho “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn”, “Giấy đề nghị phong toả” và giải thích do ngân hàng đã phong toả “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn” nên nếu không có mặt cả 2 đồng sở hữu thì không thể rút tiền ra được.

Thu Hương và Hà Thành không nói với người đồng sở hữu biết việc VAB đã phát hành Sổ tiết kiệm cho khoản tiền gửi này. Sau khi gửi tiền, người đồng sở hữu với Thành được Thu Hương đưa cho giữ 1 bộ hồ sơ tiền gửi gồm Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn, Thoả thuận đồng chủ sở hữu giấy tờ có giá/sổ tiết kiệm; Giấy đề nghị phong toả; Giấy gửi tiền tiết kiệm; Phiếu thu; Bảng kê thu tiền để làm tin và ra về.

Vay nóng tiền, trả lãi cao, không hủy hồ sơ

Quá trình thực hiện gửi tiền đồng sở hữu, để cho người đồng sở hữu tin và đồng ý bỏ tiền cùng gửi tiết kiệm, thành cần phải có một nửa hoặc một phần. Khi Hà Thành không có tiền, thông qua Thu Hương, Hà Thành đặt vấn đề nhờ Đặng Thị Quỳnh Hương vay nóng tiền hộ, Hà Thành sẽ trả lãi cao. Quỳnh Hương là Trưởng phòng khách hàng cá nhân nên quản lý một số khách có nhiều tiền gửi tại ngân hàng VAB.

Quỳnh Hương nói với những khách hàng của mình cho Hà Thành vay và sẽ trả trong ngày. Số người có tiền gửi tiết kiệm này tuy không biết Thành là ai nhưng Quỳnh Hương đứng ra bảo lãnh nên đồng ý cho vay. Nhiều trường hợp khi chưa vay được tiền, Quỳnh Hương đã nói với giao dịch viên, thủ quỹ và Nguyễn Mai Phương (kiểm soát viên) lập và ký trước chứng từ nộp tiền mở Sổ tiết kiệm đồng sở hữu, trong đó có số tiền của Hà Thành mà Quỳnh Hương dự định sẽ vay. Hợp đồng tiền gửi và chứng từ kèm theo của bộ hồ sơ tiền gửi này, Thu Hương, Hà Thành đưa cho người đồng sở hữu giữ để làm tin.

Sau khi người đồng sở hữu ra về Quỳnh Hương, Thu Hương nói với giao dịch viên, thủ quỹ là không vay được tiền cho Hà Thành và chỉ đạo Mai Phương và giao dịch viên lập lại các chứng từ mở sổ tiết kiệm chỉ bằng số tiền do người chủ sở hữu mang đến ngân hàng.

Thậm chí có trường hợp Thu Hương giúp Hà Thành lập Hợp đồng tiền gửi thể hiện số tiền đồng sở hữu gồm tiền của Hà Thành hứa góp và tiền của người đồng sở hữu. Còn trên sổ tiết kiệm (tiền thực tế gửi vào ngân hàng) chỉ có tiền của người đồng sở hữu.

Bộ hồ sơ mở sổ tiết kiệm cũ, Thu Hương hứa với giao dịch viên và thủ quỹ là sẽ hủy song thực tế không hủy.

Ngay sau khi có sổ tiết kiệm đồng sở hữu, Hà Thành nhờ Thu Hương thực hiện thế chấp sổ để vay tiền của ngân hàng, số tiền lên đến 95% giá trị của sổ tiết kiệm.

*******

(Các phi vụ liên quan đến siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành tại các ngân hàng PVCombank, NCB sẽ được TBKTSG Online tiếp tục thông tin)

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...