26/03/2021 18:25  
Hai tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân Triều Tiên vừa phóng khiến chính quyền Biden phải thay đổi trọng tâm đối ngoại.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết hai quả đạn phóng từ tỉnh Nam Hamgyong sáng 25/3 là "đầu đạn dẫn đường chiến thuật loại mới vừa phát triển" mang được đầu đạn nặng 2,5 tấn. Bình Nhưỡng cho biết cả hai quả đạn đánh chính xác mục tiêu ở khoảng cách 600 km và cuộc thử nghiệm đã xác nhận "khả năng thay đổi quỹ đạo liên tục ở độ cao nhỏ" của tên lửa.

"Có", Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời khi được hỏi liệu Triều Tiên có phải vấn đề chính sách đối ngoại hàng đầu mà ông đang phải đối mặt không.

Điều này trái ngược với thái độ trước đó, khi ông chủ Nhà Trắng hoàn toàn không nhắc đến Triều Tiên trong phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại hồi tháng 2, còn Ngoại trưởng Antony Blinken cũng tỏ ra không chú trọng đến Bình Nhưỡng trong bài nói chuyện hồi đầu tháng về loạt ưu tiên ngoại giao của Washington.

"Chúng tôi đang tham vấn với các đồng minh và đối tác, sẽ có phản ứng nếu Triều Tiên leo thang. Chúng tôi sẽ đáp trả phù hợp. Tôi cũng chuẩn bị một số hình thức ngoại giao, nhưng phải dựa trên kết quả cuối cùng của quá trình phi hạt nhân hóa", Biden cho hay hôm 25/3.

Giới chuyên gia từng dự đoán Bình Nhưỡng sẽ thử nghiệm vũ khí trong những tháng đầu nhiệm kỳ của Biden nhằm phát tín hiệu về quyết tâm của nước này, cũng như tăng cường năng lực quân sự và cải thiện lợi thế nếu nối lại đàm phán với Washington.

"Hiện chưa rõ ý định của Triều Tiên, nhưng vụ thử nghiệm hôm 25/3 tương đối kiềm chế và diễn ra khá lâu sau lễ nhậm chức của Biden. Nó vẫn ở mức độ khá thấp và tạo không gian cho chính quyền Mỹ phản ứng. Dù vậy, hiệu quả vẫn thể hiện khá rõ khi nó buộc Washington chú trọng đến vấn đề bán đảo Triều Tiên và đẩy nó thành ưu tiên trong chương trình nghị sự", John Delury, giáo sư tại Đại học Yonsei ở Hàn Quốc, nhận xét.

Hình ảnh được Triều Tiên công bố cho thấy quả đạn sơn màu trắng và đen rời bệ phóng trên khung gầm xe bánh lốp. Các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin (CNS) tại Mỹ cho rằng đây là mẫu tên lửa từng được hé lộ trong cuộc duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2020, nhiều khả năng là phiên bản cải tiến và mở rộng của dòng KN-23.

Triều Tiên từ lâu đã sử dụng các vụ thử vũ khí để leo thang căng thẳng và cẩn trọng thúc đẩy những mục tiêu do nước này đề ra. Hai vụ thử tên lửa trong tuần qua cho thấy Bình Nhưỡng dường như đã kết thúc giai đoạn chờ đợi kể từ khi Biden lên nắm quyền.

Trong thông báo, KCNA không sử dụng từ "tên lửa" hay "đạn đạo", nhưng phát đi thông điệp răn đe khi nhắc tới khả năng mang đầu đạn 2,5 tấn và tầm bắn 600 km, cũng như độ tin cậy của động cơ nhiên liệu rắn cải tiến và quỹ đạo bay phức tạp.

"Đầu đạn 2,5 tấn nhiều khả năng sẽ giải đáp được câu hỏi liệu phiên bản của KN-23 có mang được đầu đạn hạt nhân không. Câu trả lời là có", chuyên gia Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ, nhận xét.

Triều Tiên từng thể hiện năng lực phát triển và chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khi phóng thử thành công các mẫu Hwasong-14 và Hwasong-15, với tầm bắn bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ, hồi năm 2017. Việc phát triển những dòng tên lửa đạn đạo tầm ngắn như KN-23 cho thấy họ vẫn đang lên kế hoạch đối phó nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Những tên lửa đạn đạo tiên tiến có quỹ đạo bay phức tạp như KN-23, được cho là phiên bản sao chép dòng Iskander-M của Nga, có thể gây khó khăn cho đối thủ. Một số nguồn tin tại Hàn Quốc hồi năm 2019 từng bày tỏ lo ngại khi mạng lưới radar mặt đất và trên không của nước này không phát hiện đợt thử nghiệm tên lửa KN-23 đầu tiên.

Chính quyền Biden đang xây dựng chính sách đối ngoại với Bình Nhưỡng, quan chức Mỹ vẫn tránh những động thái lớn trong vấn đề Triều Tiên.

Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc thông báo ủy ban cấm vận Triều Tiên thuộc Hội đồng Bảo an sẽ họp trong ngày 26/3 theo yêu cầu từ Washington để bàn về những vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Động thái cho thấy biện pháp phản ứng được tính toán của chính quyền Biden, do cuộc họp được tổ chức ở cấp độ thấp hơn sự kiện tương tự sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo hồi năm ngoái.

"Vụ thử tên lửa phục vụ cả mục đích quân sự và chính trị. Triều Tiên thường thử tên lửa và pháo phản lực trong các đợt huấn luyện thường kỳ cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Về mặt chính trị, vụ phóng tên lửa đạn đạo sẽ là phép thử phản ứng của Mỹ mà không gây leo thang căng thẳng nghiêm trọng", Hong Min, chuyên gia tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, nhận xét.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Nguồn tin: vnexpress.net


Công nghệ   Joe Biden   Nhà Trắng   Nhật Bản   Reuters   Tổng thống   chuyên gia   chính sách   chế tạo tên lửa   căng thẳng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...