20/10/2020 20:25  
Nội các Thái Lan hôm nay (20/10) đã thông qua yêu cầu triệu tập Quốc hội cho một phiên họp đặc biệt, nhằm đối phó với những áp lực từ các cuộc biểu tình chống Chính phủ diễn ra hơn 3 tháng qua tại quốc gia này.
Một phiên họp không bỏ phiếu của Quốc hội Thái Lan sẽ diễn ra vào ngày 26 - 27/10 tới, theo yêu cầu được cả Chính phủ Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và đảng đối lập ủng hộ. Phiên họp khẩn hướng đến việc giải quyết bế tắc giữa Chính phủ và phong trào biểu tình do sinh viên lãnh đạo - những người đã muốn ông Prayuth từ chức và hiến pháp phải được sửa đổi theo hướng dân chủ hơn, kể từ sau cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi tháng 3/2019.

Tuy nhiên, một yêu cầu mới đây của những người biểu tình về việc đánh giá lại chế độ quân chủ đã khiến những người Thái bảo thủ tức giận. Nó phá vỡ một điều cấm kỵ bao đời nay tại Xứ Chùa vàng, khi chế độ quân chủ luôn được coi là bất khả xâm phạm, được các điều luật cứng rắn bảo vệ để tránh mọi sự xúc phạm. Do đó, vai trò của Hoàng gia Thái Lan thường không được thảo luận công khai. Làn sóng chống đối này còn được cho làm tăng nguy cơ đối đầu ở một quốc gia đã từng có lịch sử bị can thiệp quân sự, thậm chí bạo lực, như Thái Lan.
Chính phủ đã tìm cách làm suy yếu quyết tâm của những người biểu tình trong tuần qua, với việc bắt giữ các nhà lãnh đạo của nhóm biểu tình và tạm dừng nhiều hình thức giao thông công cộng, đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Bangkok để khiến mọi cuộc tụ tập trở nên bất hợp pháp. Sau một số cuộc đàn áp mạnh tay bằng vòi rồng nhưng không thể đẩy lùi làn sóng biểu tình đang có xu hướng lan rộng khắp đất nước, lực lượng cảnh sát Thái Lan chuyển hướng tránh sử dụng bạo lực.
Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha hôm 19/10 tuyên bố trước báo giới về việc kiên quyết bảo vệ chế độ quân chủ lâu đời tại Thái Lan, tuy nhiên kêu gọi các cuộc biểu tình ôn hòa, tránh phá hủy tài sản của nhà nước và công cộng. “Chính phủ đã nhượng bộ một cách hợp lý. Chúng tôi đang tránh sử dụng vũ lực hết mức có thể”, ông Prayuth nói.
Theo Bloomberg, nền kinh tế 500 tỷ USD đang “ốm yếu” là một lý do chính đáng để giới chức Thái Lan ưu tiên thể hiện sự linh hoạt trước những bất ổn chính trị hiện nay. Thái Lan được cho đã chậm chạp một cách đáng lo ngại ngay cả trước khi cú sốc Covid-19 ập đến vào năm 2020, khi tăng trưởng năng suất không đáng kể, chịu ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung, hạn hán nghiêm trọng và giá đồng Baht giảm mạnh.
Các nhà phân tích tại Capital Economics lưu ý, đầu tư tư nhân tại Thái Lan, không bao gồm nhà ở, vẫn chưa đạt được mức như trước cuộc đảo chính năm 2014, khi lần đầu tiên ông Prayuth nắm quyền lãnh đạo.

Đại dịch lúc này đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến ngành du lịch quốc gia, dù nước này được cho đã làm tốt hơn hầu hết các nước láng giềng trong việc ngăn chặn đại dịch, ngoại trừ Việt Nam.
Giờ đây, viễn cảnh bất ổn kéo dài có nguy cơ làm ảnh hưởng đến các DN và người tiêu dùng - những lĩnh vực vốn chỉ mới bắt đầu hồi phục niềm tin tại Thái Lan. Khách du lịch - những người đóng góp khoảng 20% GDP Thái Lan - có thể vẫn phải tránh xa nước này ngay cả khi biên giới đã mở cửa trở lại.

Tóm lại, nếu không có những nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận sớm với người biểu tình, chưa nói đến việc giải quyết những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Thái Lan, thì bất ổn được cho sẽ còn tiếp tục. Một Chính phủ, với nhiều lời hứa to lớn, được cho sẽ phải chứng kiến nền kinh tế ghi nhận mức giảm kỷ lục tồi tệ nhất trong năm nay.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Capital Economics   Chính phủ   Covid   Covid-19   Việt Nam   du lịch  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...